'Máy bay rơi rất nhanh. Tiếng la hét của hành khách và tiếng gầm rú của động cơ đột nhiên tắt ngúm. Tôi mơ hồ nhận ra mẹ tôi không còn ở cạnh tôi nữa', cô Juliane Koepcke viết trong hồi ký.
Juliane Koepcke, cô gái 17 tuổi người Đức, người sống sót duy nhất trong 92 người đi trên chuyến bay từ Jorge Chavez ở thủ đô Lima, hướng tới Pucallpa, Peru vào năm 1971. Sau khi máy bay gặp nạn vì sét đánh, 91 người thiệt mạng, còn cô đã có 11 ngày chiến đấu trong rừng rậm trước khi được trở về nhà. Cô cũng được xem là một trường hợp sống sót thần kỳ trong lịch sử tai nạn máy bay. |
Vào ngày Giáng sinh 1971, chiếc máy bay hãng Peruvian Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Jorge Chavez ở thủ đô Lima, hướng tới Pucallpa, Peru. Khoảng một tiếng rưỡi sau khi cất cánh, chiếc máy bay đi vào một cơn bão và có thể đã bị sét đánh trúng.
Tất cả hệ thống điện bị hư hại nhanh chóng, chiếc máy bay rơi xuống một vùng núi non hiểm trở thuộc rừng Amazon và vỡ tan thành nhiều phần.
Juliane Koepcke trở lại nơi xảy ra tai nạn máy bay vào năm 1998
Rơi từ độ cao 6400m, tưởng như cầm chắc cái chết, song Juliane Koepcke, cô gái 17 tuổi người Đức vẫn sống sót thần kỳ và vẫn ngồi trên ghế của cô. Sau khi tìm mẹ trong tuyệt vọng, Koepcke băng rừng trong chín ngày để tìm sự giúp đỡ. Cô đã một mình trải qua 11 ngày chiến đấu sinh tồn tại khu rừng rậm.
Vào ngày 3/1/1972, những người khai thác rừng địa phương đã nhìn thấy cô. Những người này đưa cô qua một hành trình bảy tiếng nữa bằng xuồng máy tới một khu trại cây, nơi cô được đưa bằng máy bay tới bệnh viện.
Bây giờ, Juliane Koepcke đã 58 tuổi, là một nhà sinh vật học và thủ thư tại thư viện Bavarian State Collection of Zoolog, Juliane trở lại Panguana thường xuyên, nơi các trạm nghiên cứu mà cô được thừa kế từ bố mẹ tiếp tục chào đón các nhà khoa học.
Ngày xảy ra tai nạn: 24-12-1971 Loại máy bay: Lockheed Electra L-188A Địa điểm tai nạn: Puerto Inca, Peru Hành khách và phi hành đoàn: 92 Tử nạn: 91 Nguyên nhân tai nạn: lỗi phi công và máy bay có thể bị sét đánh |
Juliane Koepcke đã kể lại về chuyến bay định mệnh vào sáng 24/12/1971 cùng với cuộc chiến sinh tồn 11 ngày tại khu rừng nhiệt đới. Hồi ký của cô đã được dựng thành phim rất đắt khách.
Chuyến bay định mệnh
Những ngày tháng của tôi ở Lima thật tuyệt vời! Mặc dù đã có kinh nghiệm sống nơi rừng rậm nhưng lúc đấy tôi vẫn là một nữ sinh ngây thơ. Tôi dành kỳ nghỉ hè ở Panguana và đi học cùng các bạn ở Lima. Mẹ tôi định đáp máy bay sớm tới Pucallpa nhưng tôi năn nỉ mẹ hoãn lại chuyến đi đó vì vào ngày 22, 23 ở trường tôi có một buổi khiêu vũ và tôi phải tham dự lễ tốt nghiệp trung học. Mẹ tôi đã bằng lòng và quyết định đặt vé máy bay vào ngày 24.
Tiến sĩ Juliane Koepcke là người sống sót duy nhất trong vụ tai nạn máy bay khi còn 17 tuổi
Sân bay quốc tế chật kín người khi chúng tôi tới khu chờ đợi vào buổi sáng ngày Giáng Sinh. Nhiều chuyến bay đã bị hủy vào ngày hôm trước và hàng trăm người xếp hàng chờ ở quầy bán vé.
Tiến sỹ Juliane Koepcke đang chỉ nơi mình bị tai nạn ở khu rừng rậm nhiệt đới
Vào khoảng 11 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu lên máy bay. Mẹ và tôi ngồi ngồi cạnh nhau ở hàng ghế cuối cùng. Tôi ngồi cạnh cửa sổ, mẹ ngồi ở giữa, một người đàn ông ngồi ở cạnh lối đi. Mẹ tôi không thích đi máy bay, là một nhà nghiên cứu về điểu học nên mẹ tôi có thành kiến một con chim bằng kim loại bay được là điều bất thường. Nửa đầu của chuyến bay từ Lima đến Pucallpa rất yên ổn.
Chúng tôi được phục vụ bánh sandwich và đồ uống cho bữa ăn sáng. Mười phút sau, khi các tiếp viên hàng không bắt đầu dọn dẹp, chúng tôi bay vào một cơn bão lớn, sấm sét kinh hoàng. Trời tối sầm lại và những tia chớp xuất hiện ở tứ phía. Hành khách trên máy bay hoảng loạn vì máy bay chao đảo, rung lắc từng hồi. Bưu kiện, hành lý, hoa quà Giáng Sinh... từ ngăn để đổ trên đầu bay tứ tung trong khoang máy bay. Khay bánh sandwich và đồ uống đổ lên đầu hành khách, mọi người bắt nhao nhác không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
"Hy vọng rằng chuyện này sẽ ổn", mẹ tôi nói với tôi một cách đầy lo lắng.
Cha mẹ Tiến sĩ Diller, bà Maria và ông Hans-Wilhelm Koepcke, tại Trạm nghiên cứu sinh thái Panguana trong rừng rậm Peru
Rồi tôi nhìn thấy tia sét lóe lên ở bên cánh phải máy bay. Tôi không biết liệu đó là một tia chớp hay một tiếng nổ. Tôi đã không còn bình tĩnh được nữa và chuyển sang cảm giác sợ hãi. Máy bay bắt đầu bổ nhào xuống. Tai tôi, đầu tôi và toàn cơ thể tôi chao đảo vì tiếng rít của máy bay.
Mẹ thì thào vào tai tôi: “Thế là hết, hết thật rồi”. Đó là những lời cuối cùng tôi nghe thấy từ mẹ.
Máy bay rơi rất nhanh. Tiếng la hét của hành khách và tiếng gầm rú của động cơ đột nhiên tắt ngúm. Tôi bị hất tung ra khỏi máy bay trong khi cả cơ thể vẫn đang bị trói chặt trong ghế ngồi. Tôi mờ hồ nhận ra mẹ không còn ở cạnh tôi và tôi không còn ngồi trong máy bay nữa. Một mình tôi rơi trong không gian, bốn bề yên tĩnh không một tiếng động. Dây an toàn thắt chắt ở bụng đến mức tôi không thể thở được. Lúc đấy, tôi sợ hãi và mất ý thức về những gì đã xảy ra rồi lại ngất đi.
Khi tỉnh lại, tôi đã hạ cánh ở giữa rừng. Dây an toàn đã bung ra nên tôi tỉnh táo hơn, tôi co mình vào lưng băng ghế ẩm ướt vì bùn đất và nằm ở đó suốt đêm.
Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh tôi nhìn thấy khi mở mắt sáng hôm sau. Những cây cổ thụ khổng lồ tỏa ánh sáng vàng rực. Tôi thấy mình trơ trọi, bơ vơ, chỗ ngồi của mẹ bên cạnh trống rỗng.
Lúc còn nhỏ, cô thường xuyên đi cùng cha mẹ vào rừng rậm nhiệt đới trong các chuyến đi nghiên cứu
Cô ấy đã tiếp bước cha mẹ đi theo lĩnh vực sinh học |
Tôi không thể đứng dậy được. Tôi nghe thấy tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đang đeo trên tay nhưng tôi không nhìn thấy giờ. Tôi nhận ra mắt trái sưng húp và tôi chỉ nhìn được qua khe hẹp bên mắt phải. Kính rơi mất nhưng cuối cùng tôi cũng đã đọc được giờ. Lúc đó là 9h sáng, tôi thấy hoa mắt vì đói và nằm bất động giữa cánh rừng nhiệt đới.
Một lúc sau, tôi gắng gượng dậy nhưng lại phải gục xuống ngay lập tức vì kiệt sức. Sau đó, tôi lại cố ngồi lên, sờ lên xương đòn bên phải, tôi thấy đau nhưng hy vọng nó không gãy. Bắp chân trái có một vết thương do một vật bằng kim loại đâm vào nhưng kỳ lạ là nó không bị chảy máu.
Tôi gượng dậy bò xung quanh để tìm mẹ, gào thét gọi tên mẹ thất thanh nhưng đáp lại lời tôi là âm thanh u tịch của rừng già.
11 ngày chiến đấu sinh tồn nơi rừng rậm
Trước khi xảy ra tai nạn máy bay, tôi đã sống một năm rưỡi cùng cha mẹ trong một trạm nghiên cứu trong khu rừng này. Tôi đã học và biết rằng cuộc sống ở một rừng mưa nhiệt đới không quá nguy hiểm như mọi người đã tưởng tượng. Những hàng cây cổ thụ đổ bóng xuống, nước chảy róc rách không ngừng, các loại côn trùng vây quanh người tôi. Một số loài sẵn sàng đẻ trứng và làm ổ trên cả vết thương của con người.
Tôi chợt thấy khát nước khô cuống họng và hứng những giọt nước đọng lại trên lá cây. Tôi đi quanh chỗ ngồi và nhận thức được rằng mình đang ở trong rừng dễ bị lạc nên lấy một cành cây làm dấu hiệu để giữ phương hướng.
Tôi không hề thấy dấu vết của vụ tai nạn máy bay, không có khung kim loại, không có xác người và đồ đạc nhưng may mắn tôi nhặt được một túi kẹo.
Tôi nghe thấy tiếng máy bay quần thảo trên đầu, tôi nhìn lên nhưng chỉ thấy bóng cây rậm rạp, không có cách nào để gây chú ý với người trên máy bay. Tôi có cảm giác bất lực, tôi phải thoát khỏi khu rừng rậm thì may ra nhân viên cứu hộ mới có thể nhìn thấy tôi. Nhưng trong thoáng chốc tiếng máy bay mất dần đi.
Tôi nghe tiếng chảy róc rách ở khe nước mà trước đó tôi không để ý. Điều này làm tôi có thêm hy vọng. Khe nước này không chỉ giúp tôi có nước uống mà còn giúp tôi tin tưởng sẽ dẫn tôi tới nơi được cứu hộ.Tôi cố gắng đi men theo khe nước nhưng cây cối chằng chịt bao quanh lối đi. Dần dần, khe nhỏ mở rộng hơn và biến thành một dòng suối, nhưng nó đã cạn nên tôi có thể đi sát hai bên bờ.
Kiến thức rộng lớn của cô về sinh học và sự sống do cha mẹ dạy từ bé đã giúp cô cứu sống mình
Khoảng 6h chiều, trời tối sầm lại, tôi tìm một vị trí an toàn nơi suối khô để qua đêm và ăn một cái kẹo cho bữa tối.
Đến ngày 28 tháng 12, đồng hồ của tôi bị chết máy và từ đó tôi tự đếm ngày. Càng đi, dòng chảy này càng mở rộng, biến thành một dòng suối lớn hơn nữa và cuối cùng là một con sông nhỏ. Vì trời mưa, khó tìm trái cây để ăn và tôi chỉ còn một cây kẹo cuối cùng.
Tôi không có dao để tách quả hạt cũng không có cách gì để bắt cá hay nấu nướng. Tôi không dám ăn bất cứ thứ gì khác vì bố mẹ có dạy phần lớn những thứ mọc hoang dại đều có thể chứa độc. Tôi đã uống rất nhiều nước suối để sống qua ngày.
Mặc dù đã đếm thời gian nhưng tôi vẫn bị lẫn lộn ngày. Vào ngày 29 hoặc 30 của tháng 12, ngày thứ năm hoặc thứ sáu tôi lạc giữa rừng rậm, tôi nghe thấy có âm thanh, nếu không nhầm thì đó là tiếng kêu của một loài chim Kền Kền thường định cư ở vùng bán nhiệt đới.
Bản đồ biểu thị đường bay của chiếc máy bay định mệnh năm 1971
Tôi như có thêm động lực vì ở khi ở Panguana, tôi thường xuyên nghe thấy âm thanh này.
Tôi đã đi về hướng âm thành này và cuối cùng, tôi đang đứng trên bờ của một con sông lớn nhưng vẫn không hề có một bóng người.
Tôi nghe thấy tiếng máy bay cứu hộ vọng từ xa rồi lại dần biến mất. Lúc đấy tôi nghĩ rằng họ đã từ bỏ tìm kiếm vì đã cứu sống hết tất cả hành khách trong chuyến bay trừ tôi...
Tôi cảm thấy giận dữ. Làm thế nào các phi công có thể quay lại đây khi mà tôi đã thoát ra khỏi khu rừng rậm? Rồi sau đó tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tuy nhiên tôi không bỏ cuộc vì tôi nghĩ rằng nơi nào có sông thì ắt hẳn nơi đấy sẽ có người sinh sống.
Julianne Koepcke đã phải sống chung với các loài bò sát trong 11 ngày ở khu rừng nhiệt đới
Bờ sông với cây cỏ mọc um tùm khiến tôi khó có thể đi tiếp. Tôi biết sứa độc thường sống ở ven sông, vì vậy tôi thận trọng dò từng bước. Bước như thế quá chậm nên tôi quyết định bơi ra giữa dòng vì ở đó không có sứa độc nhưng tôi phải coi chừng loài cá piranha.
Mỗi đêm khi mặt trời lặn, tôi tìm một vị trí khá an toàn trên bờ để ngủ. Muỗi vây quanh và kêu vò vò quanh tai khiến tôi khó chợp mắt.
Thậm chí vào những đêm trời mưa, những giọt nước lạnh như băng thấm vào người tôi lạnh tê tái, da tím ngắt. Trong những đêm đó, tôi co mình trong bụi rậm và cảm thấy cô đơn, lạc lõng, mất phương hướng.
Ban ngày tôi tiếp tục bơi qua những con sông nhưng ngày càng kiệt sức. Tôi uống nhiều nước sông để lấp đầy dạ dày nhưng tôi thèm ăn một cái gì đấy.
Trong lịch sử hàng không, nếu có điều gì kì diệu nhất, người ta sẽ phải nói tới Julianne Koepcke.
Một buổi sáng thức dậy, tôi thấy đau buốt phía trên lưng. Tôi sờ tay lên chỗ đau thì thấy đẫm máu. Thì ra mặt trời đã lột da khi tôi bơi qua sông và sau này tôi mới biết là mình bị bỏng cấp độ 2. Những ngày tiếp theo tai ù và mắt quáng hơn trước, thỉnh thoảng tôi nghe thấy tiếng gà gáy và thấp thoáng nhìn thấy mái nhà nhưng tôi không thể phân định nổi đó là thật hay chỉ là ảo giác. Tôi đã hoàn toàn kiệt sức.
Tới ngày thứ 10, tôi liên tục chạm vào những khúc gỗ trôi trên sông và và cố gắng luồn lách để không bị gãy xương. Tới chiều tối, tôi tới một bờ sông phủ đá cuội và thấy đây là nơi nghỉ rất tốt và cứ thế tôi thiếp đi vài chục phút. Khi tôi tỉnh lại thì có cảm giác có vật gì lạ xuất hiện gần đó. Tôi dụi mắt nhìn đi nhìn lại và rõ ràng thấy một chiếc thuyền.
Tôi tiến lại gần và chạm vào chiếc thuyền nhưng chỉ vì quá mệt nên nhiều tiếng đồng hồ sau tôi mới lên được phía trên đồi.
Lúc này tôi phát hiện thấy một ngôi nhà nhỏ nhưng lại vắng bóng người. Tôi tin rằng chủ chiếc thuyền sẽ xuất hiện nhưng chờ mãi không thấy, tôi ngủ thiếp đi trên căn lều nhỏ này.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy và thấy vẫn chưa ai xuất hiện. Trời bắt đầu mưa, và tôi lại bò vào nơi trú ẩn và quấn một tấm vải bạt lên người
Mưa ngừng vào buổi chiều. Tôi không còn đủ sức đi tiếp. Tôi nói với bản thân mình rằng tôi sẽ nghỉ ngơi tại lều thêm một ngày nữa, sau đó sẽ tiếp tục đi.
Lúc hoàng hôn, tôi nghe thấy có tiếng nói. Ba người đàn ông đi ra khu rừng và nhìn thấy tôi, họ dừng lại nhìn và hết sức ngạc nhiên.
Tôi nói với họ bằng tiếng Tây Ban Nha: "Tôi là một cô gái trong vụ tai nạn máy bay LANSA. Tên tôi là Juliane”.
Mời độc giả theo dõi toàn bộ thông tin về vụ việc Máy bay Malaysia mất tích trên tin tức EVA. Chúng tôi liên tục cập nhật diễn biến của vụ việc: Máy bay Malaysia có thể đã phát nổ trên không Điện thoại của một hành khách mất tích vẫn reo Video: Nỗ lực tìm kiếm máy bay mất tích |