Được ví như “vàng đỏ”, loại nhụy hoa này vẫn được giới nhà giàu Việt đổ xô mua về làm trà hay để làm gia vị tẩm ướp các món ăn.
Saffron - hay còn gọi là nhụy hoa nghệ tây - là một thứ gia vị đắt đỏ thuộc hàng đỉnh thế giới. Nó được sử dụng như một loại trà để uống hoặc làm gia vị tẩm ướp thực phẩm.
Về Việt Nam, nhụy hoa nghệ tây được rao bán với giá 350.000 - 450.000 đồng/g, tương đương 350 - 450 triệu đồng/kg. Chưa biết công dụng của loài thần dược này như thế nào nhưng rất nhiều chị em nhiều tiền sắm cho được lọ saffron vì muốn đẹp da, phòng và chống được cả ung thư.
Hoa nghệ tây là loại cây có củ, thuộc họ Iridaceae, có chiều cao khoảng 15-20 cm và hoa màu tím. Cây thường chỉ nở hoa tháng 10-11. Mỗi bông hoa nghệ tây chỉ có 3 nhụy, có mùi thơm và hương vị khác so với các loại hoa khác. Để có 1 cân (lbs) nhụy hoa khô, cần phải lấy 75.000 bông hoa.
Từ lâu, nhụy hoa nghệ tây được dùng làm gia vị, ăn như cỏ khô, mùi thơm thoang thoảng, và vị ngòn ngọt khi nêm vào thức ăn. Ngoài công dụng làm gia vị thức ăn (một trong những gia vị mắc nhất), nhụy hoa còn được dùng làm thuốc. Các sử sách ghi lại công dụng nhiều nhất của nhụy hoa nghệ tây trong chữa trị trầm cảm và mất trí nhớ.
Tuy nhiên, saffron đắt đỏ cũng có lý do của nó. Việc sản xuất ra saffron vốn đã tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, mà có lẽ trước tiên phải kể đến quá trình thu hoạch thủ công vô cùng tỉ mỉ và công phu.
Mỗi bông hoa có 3 đầu nhụy dài từ 2,5 – 3 cm và rất mảnh. Do vậy, thật khó nếu muốn kiếm được một loại máy móc nào đủ khéo léo và nhẹ nhàng để lấy nhụy hoa mà không làm nát chúng hay gây tổn thương cho những bộ phận còn lại của cây.
Và thế là việc này phải được đảm nhận 100% bởi con người, kéo theo là chi phí nhân công đội lên. Không những vậy, lượng nhụy hoa thu được trên một đơn vị diện tích cũng rất thấp. Theo thống kê của những người trồng saffron chuyên nghiệp, trung bình ta chỉ thu được hơn 4,5kg nhụy từ... 1.700.000 bông hoa, tức là chỉ 4,5kg trên 1 hecta hoa.
Chưa hết, do đặc tính của các thành phần hóa học trong cây mà loài nghệ tây vô cùng nhạy cảm với môi trường và thời tiết. Trời lạnh và độ ẩm quá cao có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng của saffron. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời có thể phá vỡ cấu trúc phân tử trong nhụy, nên mỗi ngày công nhân đều phải hoàn thành việc thu hoạch từ sáng sớm, trước khi mặt trời lên cao.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng hoa nghệ tây sau khi nở rất nhanh tàn nên hoa nở hôm nào là phải lấy nhụy ngay hôm đó, không được để tới hôm sau.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch nhụy hoa nghệ tây đó là ánh sáng và độ ẩm không khí. Ánh sáng trực tiếp của mặt trời và độ ẩm không khí cao đều có thể phá hỏng cấu trúc hóa học của nhụy hoa, làm thay đổi hương vị và chất lượng của sản phẩm. Vì thế nghệ tây thường chỉ được thu hoạch vào lúc sáng sớm. Thời gian thu hoạch ngắn khiến cho sản lượng nhụy hoa thu được không nhiều. Điều này đã khiến cho giá nhụy nghệ tây bị đẩy lên rất cao.
Nghệ tây được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Ma rốc, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Afghanistan, Ấn Độ và thậm chí là Mỹ. Quốc gia đang có sản lượng nhụy hoa nghệ tây lớn nhất thế giới hiện nay là Iran, chiếm hơn 90% sản lượng của thế giới. Những cánh đồng khô cằn cùng với khí hậu lạnh của Iran là điều kiện vô cùng thích hợp cho sự sinh trưởng của cây nghệ tây. Thêm vào đó Iran còn sở hữu nguồn nhân công giá rẻ dồi dào mà chủ yếu là phụ nữ. Họ làm việc ở nông trại từ 5 giờ sáng đến 4 giờ chiều, và được trả tối đa 5 đô cho mỗi ngày công.