Dù cho IS có bị đánh bại trên hoàn toàn trên lãnh thổ Syria và Iraq, thế giới có thể sẽ đối mặt với hiểm họa còn lớn hơn nhiều khi mà tổ chức khủng bố này đã kịp cắm rễ ở nhiều quốc gia.
Lực lượng tình báo Mỹ ước tính có hơn 30.000 người đã gia nhập IS từ hơn 100 quốc gia, bổ sung cho lực lượng hùng hậu phiến quân Hồi giáo cực đoan thực thi các hành động khủng bố hơn một thập kỷ qua.
Ở Afghanistan trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2001, khoảng 10.000 đến 20.000 chiến binh đã trải qua các đợt huấn luyện thánh chiến, nhiều kẻ được chính Osama bin Laden hướng dẫn.
Sau khi chế độ Taliban sụp đổ, nhiều phiến quân tản mát khắp nơi trên thế giới, mang theo hệ tư tưởng cực đoan và kiến thức về khủng bố.
Nếu IS bị xóa sổ hoàn toàn, những kẻ tư tưởng cực đoan sẽ vẫn tiếp tục con đường thánh chiến.
Các quan chức cảnh báo rằng những kẻ từng tham gia thánh chiến tạo ra các mối đe dọa dài hạn mà phương Tây chưa được trang bị đầy đủ để đối phó.
“Chỉ tính riêng làn sóng hiện nay với hơn 250 tên khủng bố quay trở lại Pháp, tình hình đã trở nên rất phức tạp rồi”, một chuyên gia cao cấp về phòng chống khủng bố Pháp cho biết.
Ông cho biết phần đông trong số này sẽ bị cầm tù, quản thúc chặt chẽ nhưng khó khăn trong tìm bằng chứng kết tội khiến chúng chỉ phải ngồi tù từ 5 đến 7 năm tù. “Điều này có nghĩa là trong vòng 4,5 năm nữa, nhóm đầu tiên ngồi tù sẽ được phóng thích. Vấn đề sẽ lại tiếp diễn”, vị quan chức giấu tên nói.
“Chính vì vậy chúng ta cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nhiều tên sau vài năm cầm tù sẽ rất bất mãn. Chúng tôi nghĩ về các biện pháp trị liệu tâm lý. Đấy là một công việc hết sức vất vả”.
Bất chấp các đợt không kích dữ dội vào Syria và Iraq, IS vẫn rất mạnh bằng việc thu hút đông đảo phiến quân ngoại quốc đổ về vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát.
Nước Pháp đặt trong tình trạng an ninh cao độ sau vụ khủng bố 13.11 làm 130 người thiệt mạng.
“Chỉ những kẻ cực đoan nhất, dày dạn nhất mới sống sót được nên chúng ta sẽ phải đối mặt với những thứ còn tồi tệ hơn cả IS”, Mathieu Guidere, chuyên gia về khủng bố thuộc trường đại học Toulouse nhận định.
“Đừng quên rằng chúng ta tưởng đã tiêu diệt được Al-Qaeda bằng cách giết Bin Laden, nhưng những kẻ lưu lạc của Al-Qaeda còn gây ra nhiều điều tồi tệ hơn thế”.
Với những nước phương Tây luôn chậm chạp trong việc thích ứng tình hình mới, ông Guidere cho biết “chúng ta luôn đi sau chúng một bước trong cuộc chiến này”.
“Các phiến quân khủng bố biết chính xác phải thích nghi điều kiện mới như thế nào. Chúng sẽ tạo ra các nền tảng, cấu trúc mới để thích nghi môi trường mà chúng ta tạo ra. Và như thế, việc tiêu diệt tận gốc sẽ khó khăn hơn rất nhiều”.
“Nhiều người cho rằng dân địa phương cũng đang tìm cách tái chiếm các khu vực mà IS kiểm soát. Nếu thực sự như vậy thì IS sẽ trở nên tàn bạo hơn rất nhiều”, Matthew Henman, giám đốc Trung tâm khủng bố và bạo loạn thuộc tạp chí IHS Jane ở London cho hay.
“Tấn công dân thường là một cách rất hiệu quả để làm suy yếu tình hình trị an và ổn định trong khu vực mà IS mất quyền kiểm soát – và cũng đồng nghĩa rằng chính phủ không thể bảo vệ được chính người dân của mình”, ông Henman khẳng định.
“Chưa kể sẽ có những phiến quân ngoại quốc được điều về đất nước của chúng để thực hiện các nhiệm vụ tấn công trả đũa”.
Trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt nhưng al-Qaeda vẫn reo rắc nỗi kinh hoàng toàn cầu.
Như vụ khủng bố đẫm máu ngày 13.11 vừa qua ở Paris, cơ quan tình báo châu Âu hầu như có rất ít cơ hội thu thập thông tin về những cá nhân cực đoan hoặc những phiến quân trở về từ Trung Đông.
Họ còn phải giám sát những phiến quân ở các nước như Bosnia, Afghanistan, Iraq có thể thực hiện âm mưu khủng bố bất kì lúc nào.
“Sau khi IS bị tiêu diệt, thế giới sẽ phải mất vài năm mới nhận ra một con quái vật khổng lồ khác đang tiến sát ngưỡng cửa châu Âu”, Jean-Pierre Filiu, chuyên gia về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Học viện chính trị Paris nói.