Kẻ đánh con 8 tuổi tử vong có thể bị 15 năm tù

Ngày 19/03/2014 19:38 PM (GMT+7)

Luật sư Thuật cho rằng, Lợi có thể bị khởi tố với tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người với mức án từ 12-15 năm tù.

Những ngày gần đây, dư luận hết sức bàng hoàng trước thông tin bé Đỗ Doãn Lộc, 8 tuổi, Nhà Chung, phường Tiền An, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, bị bố đẻ là Đỗ Văn Lợi đánh đến mức "thập tử nhất sinh". Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), khoảng 15h45 phút chiều qua (18/3), bé Lộc đã tử vong.

Vụ án đau lòng này khiến dư luận vừa xót thương cho đứa bé vô tội, vừa phẫn nộ trước hành động quá tàn nhẫn của một ông bố độc ác. Nhiều người khi biết vụ việc này đã không thể nén được những giọt nước mắt xót xa.

Đối tượng Lợi đã bị cơ quan điều tra bắt ngay sau đó. Bước đầu đối tượng khai nhận do nghi ngờ bé Lộc lấy cắp 20.000 đồng, Lợi và Bùi Thị Hà (bồ của Lợi) đã xông vào đánh khiến Lộc ngã đập đầu xuống đất rồi bất tỉnh, toàn thân bầm dập. Hiện cơ quan công an đã triệu tập Bùi Thị Hà để lấy lời khai

Cơ quan điều tra cho biết, Lợi từng có 2 tiền án. Tháng 10/1995, người này bị TAND thị xã Bắc Ninh xử 18 tháng tù về tội Chống người thi hành công vụ. Hơn chục năm sau (2006), Lợi bị TAND Hà Nội xử 8 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Kẻ đánh con 8 tuổi tử vong có thể bị 15 năm tù - 1

Đỗ Văn Lợi tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Zing.vn)

Trước thông tin này, nhiều người băn khoăn không biết Lợi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người theo Khoản 3 Điều 104 (BLHS) hay là tội “giết người” theo Điều 93 (BLHS). Trước băn khoăn của dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với  luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Nam Á xung quanh những căn cứ pháp lý xử người cha độc ác này.

Luật sư Thuật phân tích, tội 'Giết người' với hậu quả làm chết người và tội 'Cố ý gây thương tích' dẫn đến chết người đều có điểm chung là nạn nhân bị chết. Tuy nhiên, chúng khác nhau ở chỗ:

- Ở tội “giết người”, người có hành vi phạm tội mong muốn cho hậu quả chết người xảy ra, tức là có chủ ý ngay từ đầu.

- Còn đối với tội “cố ý gây thương tích”, người có hành vi phạm tội không có ý định tước đoạt sinh mạng mà chỉ mong muốn cho thương tích xảy ra, hay nói cách khác là vô ý với cái chết của nạn nhân.

Vì vậy, để xử lý đúng tội danh thì cần xác định rõ ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi của mình.

Trong trường hợp này, ngay từ đầu Lợi không có ý thức chủ quan là đánh bé Lộc đến chết nên cơ quan điều tra khởi tố Lợi với tội danh 'cố ý gây thương tích' dẫn đến chết người là có cơ sở.

Với tội danh này, Lợi sẽ chỉ bị truy tố theo Khoản 3 điều 104 của  Bộ Luật hình sự với mức án cao nhất là 15 năm tù. (Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm).

Riêng trong trường hợp của Hà (bồ nhí của Lợi) cũng phải chịu truy tố về tội đồng phạm vì cũng tham gia đánh bé Lợi. Các vết thương trên người bé Lộc không thể xác định được đâu là vết thương do Hà gây ra, đâu là vết thương do Lợi gây ra nên Hà cũng phải bị truy tố tội 'cố ý gây thương tích' dẫn đến chết người.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Xem thêm về vụ việc:

Bắt kẻ dùng điếu cày đánh con chấn thương sọ não

Bé 8 tuổi bị bố đánh: Không ai biết để can

Bé trai 8 tuổi bị bố đánh khó qua khỏi

Bé bị bố dùng điếu cày đánh đã tử vong

Đám tang không cha mẹ của bé 8 tuổi bị bạo hành

Hà Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bạo hành gia đình