Ngôi làng mẫu hệ, thành phố rác, hay nơi ở dành cho những người bị mất trí,... đều là những địa điểm kỳ quặc và khác thường nhất trên thế giới.
Cộng đồng tự cung, tự cấp Damanhur
Cộng đồng xã Damanhur được thành lập từ năm 1975 bởi Oberto Airaudi. Oberto Airaudi là nhà triết học, nhà văn, họa sĩ sinh năm 1950 ở Balangero, tỉnh Torino, Italy. Cùng với sự hỗ trợ của 24 cộng sự là các tín đồ xây dựng cũng như các kiến trúc sư, năm 1975 ông đã bắt đầu bí mát xây dựng cộng đồng xã Damanhur hay còn gọi là Đền thờ nhân loại.
Khi các nhà chức trách Italy phát hiện Damanhur, họ gọi đây là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Hiện nay, Damanhur đã có khoảng 600 cư dân sinh sống và có cả đơn vị tiền tệ, trường Đại học của riêng mình.
Làng người mất trí De Hogeweyk ở Hà Lan
Cộng đồng này nằm gần Amsterdam, với khoảng 152 người sinh sống, vốn là người mắc bệnh Alzheimer và những bệnh liên quan đến trí nhớ khác.
Ngôi làng này được xây dựng và hoạt động như một thị trấn bình thường, người dân có thể tự do mua sắm, ăn uống tại các nhà hàng hoặc hoàn tất công việc thường ngày. Tuy nhiên, ngôi làng được theo dõi thường xuyên để đảm bảo người dân không đi lạc hoặc gây tổn thương cho bản thân.
Làng phụ nữ đứng tuổi sống tại Chernobyl
Kể từ khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ vào năm 1986, Liên Xô tổ chức tái định cư cho 1.800 người dân sống trong phạm vi 30 km xung quanh nhà máy. Tuy nhiên, hàng chục năm qua vẫn có nhiều phụ nữ lớn tuổi trở về sinh sống tại nơi đây. Nhiều người nói rằng họ quá hoài cổ, hoặc ngoan cố không nghe lời khuyên của bất cứ ai. Hiện tại, khu vực này đang có tới 230 phụ nữ “tự định cư” theo ý mình.
“Ngôi làng mẫu hệ” tại thành phố Brazil
Năm 1891, Maria Senhorinha, một phụ nữ bị đuổi khỏi thành phố vì tội ngoại tình, thành lập thị trấn Noive do Cordeiro ở đông nam Brazil. Noiva do Cordeiro nằm tách biệt ở phía Đông Nam Brazil, với hầu hết số người sinh sống tại đây đều là nữ.
Hiện tại, nơi này vẫn có một số ít đàn ông cư ngụ, nhưng suốt cả tuần họ đều không có nhà vì phải làm việc tại khu vực gần thành phố. Nhiều phụ nữ trẻ tại đây cho rằng cánh đàn ông “không đủ điều kiện” để họ dựa dẫm, hoặc chẳng có cảm giác lãng mạn khi gần gũi. Hầu hết người dân nơi đây đều cảm thấy hài lòng với chế độ mẫu hệ tại ngôi làng này.
Thành phố rác Manshiyat Naser, Ai Cập
Khu vực này nằm gần Thủ đô Cairo, Ai Cập. Cư dân ở đây, còn gọi là Zaballeen, đều kiếm sống bằng cách nhặt lượm, thu thập và phân loại rác từ hơn 20 triệu dân ở Thành phố Cairo. Khi sống tại nơi này, người dân phải chịu cảnh thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, tuy nhiên, 90% số rác thải đều được họ phân loại rõ ràng để sử dụng tái chế. Phần còn lại đều nằm rải rác khắp nơi quanh thành phố.
Miền Bắc Manila – làng nghĩa trang ở Philippine
Ngôi làng nằm ở phía bắc thủ đô Manila, Philippine. Do túng thiếu tiền bạc và không có nhà để ở, nhiều người tại khu vực miền Bắc Manila, Phillipines đã chọn cách sinh sống bất hợp pháp tại các lăng mộ.
Họ cũng làm việc tại nghĩa trang như bán nữ trang, hướng dẫn du lịch. Khách tham quan tới đây có thể thấy cảnh tượng những đứa trẻ vui đùa giữa các ngôi mộ.
Làng dành cho những người lùn tại Trung Quốc
Làng tí hon là một địa điểm hút khách du lịch ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ngôi làng này có sự xuất hiện của những người tí hon cao khoảng 1m30, mặc trang phục theo các chủ đề khác nhau và liên tục biểu diễn phục vụ du khách.
Vương quốc người lùn được thành lập mùa hè năm 2008. Người dân trong làng xây các ngôi nhà hình nấm, ăn mặc như nhân vật trong truyện cổ tích và biến ngôi làng của họ thành một công viên du lịch.
Khi tham quan tại đây, nhiều người sẽ lầm tưởng rằng các diễn viên tí hon cư ngụ tại những ngôi nhà hình nấm, nhưng thực tế, họ sinh sống tại một ký túc xá gần đó.
Nhiều người chỉ trích ngôi làng chẳng khác gì một vườn thú người. Tuy nhiên, nhiều người tí hon cho biết họ thích sống và làm việc ở đó.
Thiền siêu việt Maharishi
Thành phố Maharishi Vedic và khu vực lân cận thành phố Fairfield, thuộc bang Iowa, được coi là “Những thị trấn bất thường nhất nước Mỹ”. Cứ 2 lần mỗi ngày, người dân tại Fairfield lại đến một trong 2 mái vòm khổng lồ để thực hành thiền siêu việt.
Gần khu vực này cũng có một cộng đồng khác sinh sống tách biệt, với khoảng 300 nhà sư từ Ấn Độ đến cư ngụ và ngồi thiền mỗi ngày để cầu hòa bình thế giới.
Hội người sống dưới dải đường hầm Las Vegas
Vì quá nghèo khổ và không có tiền mua nhà riêng, khoảng 1000 người dân đã đổ bộ xuống dải đường ngầm Las Vegas, cùng xây cất những căn nhà tạm dưới mặt đất để sinh sống qua ngày.
Họ sống trong những ngôi nhà dựng tạm từ những vật liệu thu nhặt từ trên mặt đất. Tác giả Matthew O'Brien đã ghi lại cuộc sống cư dân dưới đường hầm trong cuốn sách “Dưới ánh Neon”.