Ngành Y tế Việt Nam đang chuẩn bị cho một kế hoạch diễn tập phòng chống dịch Ebola lớn nhất từ trước đến nay.
Tình huống đưa ra là có một bệnh nhân mắc Ebola xuất hiện. Dịp này, Bộ Y tế cũng hướng tới việc đưa ra một quy trình chuẩn cho các đơn vị y tế thực hiện theo, trong trường hợp Ebola có thể xuất hiện ở nhiều nơi trong cả nước.
Quan trọng nhất là vấn đề bảo hộ, tránh lây nhiễm
Mặc dù Việt Nam chưa xuất hiện ca bệnh Ebola nào nhưng trong bối cảnh chung cho thấy Ebola đang lây lan sang nhiều quốc gia. Bộ Y tế Việt Nam vẫn rốt ráo thực hiện các phương án dự phòng trong trường hợp có ca bệnh xuất hiện.
Tình huống được đưa ra là khi xuất hiện một ca bệnh nghi nhiễm Ebola xuất hiện tại Đông Anh (Hà Nội) và nơi tiếp nhận sẽ là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, bệnh nhân sẽ được chở bằng xe cứu thương đến điều trị. Toàn bộ các nhân viên y tế sẽ phải mặc quần áo bảo hộ đúng quy định. Các khu vực trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay lập tức sẽ được phân luồng thành những khu vực cách ly ở các cấp độ khác nhau.
Ngành Y tế Việt Nam đang chuẩn bị cho một kế hoạch diễn tập phòng chống dịch Ebola tại Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: minh họa
Sau khi vận chuyển bệnh nhân lên khu vực cách ly, các nhân viên y tế đã tham gia vận chuyển sẽ phải quay về xe cấp cứu để khử khuẩn toàn bộ xe và bề mặt trang phục. Toàn bộ dụng cụ như cáng, giường hay thang máy, đường vận chuyển bệnh nhân sẽ được khử khuẩn.
Bộ Y tế cũng đưa ra những kế hoạch rất chi tiết về việc xét nghiệm, cấp cứu cho bệnh nhân, việc xử lý bệnh phẩm... Thậm chí các tình huống báo cáo hồ sơ bệnh nhân phải được chụp ảnh để không đưa qua tay cũng được đặt ra.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên thì đây là một kế hoạch rất chi tiết và kỹ lưỡng được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lập kế hoạch. Toàn bộ quy trình cứu chữa cho bệnh nhân cũng như các quy trình về bảo hộ tránh lây nhiễm sẽ được ghi hình lại để làm tư liệu mẫu. Từ tư liệu mẫu này, các bệnh viện trên toàn quốc có thể học tập và triển khai theo trong trường hợp có xuất hiện các ca nghi nhiễm Ebola hoặc nhiễm Ebola. Kế hoạch diễn tập này dự kiến sẽ được diễn ra trong tháng 11/2014.
Quy trình bảo hộ đặc biệt
Bác sỹ Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, quy trình bảo hộ phòng chống Ebola rất đặc biệt, khác hẳn các quy trình bảo hộ các bệnh lây truyền khác. Bệnh viện đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho cán bộ mặc đồ bảo hộ cũng như các quy trình đeo găng và tháo găng.
Việc triển khai các quy trình này khá phức tạp và đòi hỏi sự chính xác. Những người tham gia phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít với hai lần đi găng tay. Khi thay đồ bảo hộ cần có sự giúp đỡ của người khác, việc tháo găng không được phép để mặt ngoài dính vào phía trong. Quần áo bảo hộ khi được thay ra buộc phải cuộn từ trong ra ngoài. Sau khi thay đồ, toàn bộ đồ bảo hộ phải ngâm vào dung dịch clor đậm đặc. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Kính thì virus Ebola chỉ có thể chết trong dung dịch clor đậm đặc.
Bộ quần áo bảo hộ cho quy trình chống Ebola rất kín nên các cán bộ y tế cũng khá lo lắng nếu phải mặc trong thời gian dài. Trong lần diễn tập phòng chống dịch Ebola do Sở Y tế Hà Nội tổ chức cũng đã có trường hợp sử dụng bộ đồ bảo hộ này trong quá trình diễn tập đã ngất xỉu.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dịch bệnh do virus Ebola tiếp tục tăng số mắc và tử vong tại 3 quốc gia Tây Phi. Mali là quốc gia Tây Phi thứ 6 ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Ebola và tử vong sau đó 1 ngày. Tích lũy từ tháng 12/2013 đến ngày 30/10/2014, thế giới đã ghi nhận 13.769 trường hợp mắc, trong đó 4.971 trường hợp tử vong. Dịch Ebola đã được ghi nhận xuất hiện ở 9 quốc gia. Đến nay đã ghi nhận 529 trường hợp là cán bộ y tế mắc bệnh, trong đó có 280 trường hợp tử vong. |