Nhiều người sẽ cảm thấy e ngại khi nhìn nòng nọc nhưng thực chất đây là món đặc sản vừa ngon vừa bổ dưỡng ở Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi nổi tiếng với nhiều món ăn độc đáo, trong đó có nòng nọc. Với nhiều người, nòng nọc có vẻ đáng sợ, người ta sợ có độc nên không dám ăn, nhưng với cộng đồng người Hre ở huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi, nòng nọc có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng.
Nòng nọc là đặc sản ở Quảng Ngãi
Hàng năm, cứ sau vụ thu hoạch lúa hè thu và đông xuân, người dân nơi đây lại "săn" nòng nọc. Dụng cụ để săn loài này vô cùng đơn giản, chỉ có rổ tre hoặc rổ nhựa để xúc và dụng cụ giỏ, xô nhựa...để đựng.
Bà Loan (ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) chia sẻ: "Nòng nọc gọi theo tiếng địa phương là bu bu hoặc bâu bâu. Tháng 6 đến tháng 11 âm lịch hàng năm là thời điểm nòng nọc có nhiều nhất, từng con béo tròn, to bằng ngón tay. Hôm nào nhiều thì xúc được cả kg/người, ít thì 0,4-0,6 kg/người. Ở chợ quê, nòng nọc được bán bằng ống bơ, 25.000 đồng một ống bơ, còn mua theo cân có giá 70.000 đồng/kg".
Nòng nọc được người dân miền núi bắt làm món ăn xưa nay là ấu trùng của một loài nhái và một loài ễnh ương, không có độc tố gây hại cho người.
Nòng nọc sau khi mang về nhà sẽ được rửa sạch bùn đất, lấy mũi dao gẩy nhẹ vào bụng để lôi hết phần ruột ra ngoài, rồi cho ít muối vào chà thêm lần nữa sau đó để ráo nước. Nòng nọc sau khi sơ chế có thể chế biến thành nhiều món ngon: nấu canh với rau rừng; ướp với sả ớt để xào, nướng… Nhưng món được yêu thích nhất phải kể đến nòng nọc om măng.
Chế biến nòng nọc om măng không đòi hỏi nhiều công đoạn cầu kỳ, ngay nguyên liệu cũng rất đơn giản gồm mẻ, hành, mùi tàu và đặc biệt không thể thiếu măng rừng tươi.
Sau khi sơ chế, nòng nọc có thể chế biến thành nhiều món ngon
Sau khi xào măng với mẻ cho chín tới, người ta đổ nước sôi vào nồi rồi trút bát nòng nọc vào đun sôi lại. Cuối cùng rắc hành, răm, mùi tầu lên trên, đợi vài giây là có thể bắc xuống ăn nóng cùng cơm hoặc làm mồi nhắm rượu.
Nhiều người khi lần đầu nhìn thấy món ăn từ nòng nọc sẽ thấy ái ngại vì trông chúng có vẻ đáng sợ nhưng thực nếu can đảm nếm thử, gắp một chú nòng nọc cho vào miệng, bạn sẽ thấy một mùi thơm đặc trưng, ăn vào thấy mềm ngọt, phảng phất đâu đó chút vị đắng nhẹ của măng rừng và nước dùng béo ngậy, đậm đà.
Bà Loan nói thêm: "Sau khi chế biến, nòng nọc có hương vị thơm ngon và bổ dưỡng hiếm có món nào sánh bằng. Vì vậy ngoài người thân trong gia đình, chỉ khách quý mới được người dân nơi đây thiết đãi món đặc sản này".
Nòng nọc xào măng
Chia sẻ trên báo VnExpress, ông Đào Minh Hường - Phó chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ngãi, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh cho biết, nòng nọc được người dân miền núi bắt làm món ăn xưa nay là ấu trùng của một loài nhái và một loài ễnh ương, không có độc tố gây hại cho người.
"Cóc thường sống ở ao hồ cạn chứ không ở ngoài đồng. Song phân biệt được đâu là nòng nọc của cóc, đâu là nòng nọc của nhái, ễnh ương là cả vấn đề", ông Hường nói.