Học sinh bị đánh: Các em đã không dám thể hiện cảm xúc

Ngày 18/03/2015 06:06 AM (GMT+7)

Đây không phải sự “vô cảm” mà là hiện tượng “không dám phản ứng trước cái xấu”, đây không phải là không có cảm xúc mà là không dám thể hiện cảm xúc của mình!...

Vụ việc nữ sinh Trà Vinh bị bạn cùng lớp đánh hội đồng đã khiến dư luận bức xúc thời gian vừa qua. Tuy nhiên, sự việc này chưa kịp lắng xuống thì mới đây đoạn clip ghi lại cảnh tượng hàng chục học sinh Hà Nội chia thành hai phe lao vào đấm đá nhau. Theo đó, 30 nam học sinh được cho là của trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trong đó nhiều em còn đang mặc đồng phục đánh đấm, đá thẳng vào mặt nhau, nhiều em bị ngã dúi dụi vô cùng bạo lực...

Học sinh bị đánh: Các em đã không dám thể hiện cảm xúc - 1

Nữ sinh Trà Vinh bị đánh hội đồng.

Học sinh bị đánh: Các em đã không dám thể hiện cảm xúc - 2

Hai nhóm học sinh hỗn chiến tại Hà Nội mới đây.

Trước hiện tượng học sinh đánh bạn hội đồng, nhiều học sinh khác đứng xem và không có phản ứng gì, không báo cho giáo viên, không báo cho Ban giám hiệu, về nhà không nói với cha mẹ, có nhiều người cho đó là sự “vô cảm”, như vậy đã chính xác chưa?

Theo tôi, đây không phải sự “vô cảm” mà là hiện tượng “không dám phản ứng trước cái xấu”, đây không phải là không có cảm xúc mà là không dám thể hiện cảm xúc của mình! Vậy nguyên nhân từ đâu? Gia đình, nhà trường và xã hội có tác động như thế nào đến hiện tượng đó?

Gia đình là môi trường quan trọng, quyết định đến hành vi của trẻ, các mối quan hệ, hành vi của người lớn ảnh hưởng rất lớn đến hành động của trẻ. Hiện nay, trước xu thế phát triển của xã hội, nhu cầu cho cuộc sống rất lớn, các bậc làm cha, làm mẹ gánh trên mình trách nhiệm lo lắng cho gia đình, cho việc học hành của con cái. Gánh nặng đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự quan tâm của họ tới con, thời gian dành cho tâm sự, tìm hiểu con vì thế mà ít đi (không muốn nói là không có), họ gần như phó mặc cho nhà trường.

Theo một khảo sát nhỏ của cô giáo chủ nhiệm lớp 7, một trường THCS ở Hà Nội, trong 40 em được hỏi thì 10 em nói cha mẹ không trao đổi gì về việc của con ở trường, 7 em nói thường xuyên, còn lại nói rất ít khi quan tâm! Đây là một lý do khiến việc các em không nói với cha mẹ những gì xảy ra ở lớp, ở trường dẫn đến các bậc phụ huynh mù thông tin về môi trường học của con em mình.

Tâm lý “yên ổn” để làm ăn, không quan tâm và phản ứng với các hiện tượng xã hội, của mọi người xung quanh của cha mẹ cũng là một tác nhân không nhỏ. Nó hình thành cho trẻ một tâm lý không phản ứng với hành vi bên ngoài (mặc dù chúng nhận thức được), tâm lý “mặc kệ” đối với mọi người xung quanh mà mọi người nghĩ đó là sự “vô cảm”!

Sẽ còn rất nhiều nguyên nhân, nhưng sự quan tâm, chia sẻ của phụ huynh với con cái là quan trọng nhất, nó làm cho trẻ thấy vững vàng, dám nói, dám hành động khi thấy các hiện tượng (cả xấu và tốt).

Nhà trường, môi trường học tập, là nơi trẻ được trang bị kiến thức để từng bước nâng cao nhận thức của mình về khoa học và cuộc sống, là nơi các em được sinh hoạt cộng đồng, được sống trong tình bạn, tình thầy trò... Là một môi trường mô phạm, tốt đẹp, cho các trò phát triển nhân cách, vậy nhà trường đã thực sự làm tốt chức năng của mình chưa? Theo tôi, nhà trường hiện nay chưa thực sự mô phạm, chưa thể là một môi trương chuẩn, điều này tác động tới việc giáo viên im lặng, học sinh im lặng.

Việc giải quyết những sự việc (dù nhỏ) của giáo viên, của lãnh đạo nhà trường không kiên quyết, triệt để do nể nang, do các mối quan hệ phức tạp tác động đã làm cho học sinh mất niềm tin. Từ đó các em tự xử với nhau để giải quyết bức xúc nhất thời, và những em biết cũng im lặng vì nghĩ rằng: có nói cũng chẳng ai giải quyết, biết đâu lại bị trả thù, trù dập!

Bệnh thành tích, cái ung của nền giáo dục, một căn bệnh mà nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã phải phát động một phong trào để chống lại nó và kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến giáo viên im lặng để bảo vệ thành tích của lớp, giữ những mối quan hệ (những giáo viên bị bệnh thành tích ám ảnh), lãnh đạo im lặng để bảo vệ tành tích thi đua và giữ hình ảnh của nhà trường!

Còn những giáo viên tốt thì sao? Cũng im lặng, vì đâu? Có phải vì tâm lý “đấu tranh là tránh đâu?”? Có phải vì làm như vậy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng? Có phải vì miếng cơm, manh áo? Vô hình chung, vì sợ mà họ gián tiếp làm cho môi trường “im lặng” có đất tồn tại. Thật khó trách họ, làm việc trong môi trường như vậy âu cũng phải vậy “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”!

Xã hội thì sao? Đây là môi trường mà các em sau khi lĩnh hội kiến thức trong nhà trường được trải nghiệm thực tế. Nhưng ở đó, các em được chứng kiến những gì? Đó là những sự việc mà người lớn đối xử với nhau không như những gì các em được học, các mối quan hệ thị trường, tệ nạn và các người ta dửng dưng với những sự việc được chứng kiến. Vậy người lớn chúng ta có quyền đòi hỏi các em phải có những hành động bảo vệ lẽ phải không? Chúng im lặng là hệ quả, phản ánh đúng những gì chúng ta đã và đang làm.

Truyền thông thì lại phản ánh sự việc ở góc độ sự kiện, chưa phân tích đúng, sai sâu sắc nên học sinh nhìn nhận sự kiện máy móc và chúng nghĩ người lớn không làm gì, vậy chúng không hành động, không phản ứng là đúng thôi!      

Thiết nghĩ, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “không phản ứng”, “im lặng” người lớn chúng ta đều biết nhưng làm gì để cho hiện tượng đó mất đi thì chưa hẳn ai cũng dám làm và muốn làm! Vì tương lai tốt đẹp của con cái, của xã hội và của chính chúng ta, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý giáo dục và toàn xã hội hãy tạo cho các em một môi trường thật tốt, thật nhân văn để các em có suy nghĩ đúng và dám hành động vì những điều tốt đẹp!

Các em không “vô cảm”, hãy làm gì để khơi dậy lòng dũng cảm, tạo niềm tin để các em dám phản ứng với những gì các em được chứng kiến (dù việc đó tốt hay xấu), đây là mục đích và chức năng của giáo dục!

Nhất Chi Mai
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bạo lực học đường