Lần báo hiếu cuối cùng của chị Huyền bị ném xác

Ngày 02/12/2013 15:34 PM (GMT+7)

Cách hôm xảy ra sự việc 4 ngày, chị Huyền sang nhà bố mẹ biếu thực phẩm chức năng và ông Viễn cũng không ngờ đó là lần báo hiếu cuối cùng của người con gái.

Suốt nhiều ngày qua, dư luận cả nước vẫn chưa hết “nóng” về sự việc bác sĩ làm chết người đem phi tang xác. Điều đáng nói là kể từ ngày phát hiện vụ việc đến nay, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, lực lượng tìm kiếm chuyên nghiệp hàng ngày đều rà soát trên sông nhưng vẫn không thể tìm ra thi thể của nạn nhân xấu số Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Kể từ khi nghe tin dữ đến nay, mỗi ngày ông Lê Văn Viễn (77 tuổi) đều sống trong tâm trạng đau đớn, day dứt khi chưa thể tìm được thi thể con gái để người đã mất được ra đi thanh thản. Vốn là một kỹ sư điện tử, sau khi về hưu, ông Viễn hàng ngày đều ở nhà đọc sách, báo, vui vầy với con cháu. Do không đủ sức khỏe để đi tìm con gái nên ông chỉ biết ngồi nhà hy vọng “điều kỳ diệu” xảy ra với gia đình mình.

Lần báo hiếu cuối cùng của chị Huyền bị ném xác - 1

Ông Lê Văn Viễn ngồi nhà dõi theo tin tức của những người trong gia đình đi tìm kiếm.

Ông Viễn tâm sự: “Trước đây, cứ cuối tuần là mấy mẹ con nó lại đưa nhau sang bên này chơi, cả nhà quây quần ăn cơm vui lắm. Cách ngày xảy ra sự việc 4 ngày (tức 15/10), Huyền sang chơi để đưa cho bà nhà tôi tảo biển và thực phẩm chức năng rồi mãi đến khoảng 22h mới về. Tôi cũng không ngờ đó là lần gặp mặt cuối cùng của hai bố con”.

Ông Viễn cho hay, sau khi sự việc được phát giác, cả gia đình hai bên nội, ngoại đã đi tìm kiếm chị Huyền khắp nơi, thậm chí là các ngõ, ngách, cống… nhưng vẫn không thấy. Số tiền thuê thợ lặn tìm kiếm thi thể dưới cầu Thanh Trì cũng đã hơn 200 triệu. Nhiều nhà ngoại cảm đến tận nhà để chỉ nơi giấu thi thể nhưng chưa có ai đưa ra dự cảm chính xác.  

“Hiện tại, gia đình đang rất bế tắc vì thời gian đã lâu như vậy nhưng vẫn không thể tìm thấy thi thể. Giờ chỉ mong sao có nhà ngoại cảm thật giỏi chỉ được đúng chỗ, mất bao nhiêu công, tiền, gia đình chúng tôi cũng tìm bằng được”, người bố chua xót nói.

Bố chị Huyền cũng lo lắng về việc đã hơn 40 ngày, thi thể ngâm dưới nước đã rữa hết, nếu khi bị ném xuống sông, thi thể được bọc trong túi thì may ra còn xương.

Nói về bác sĩ Tường, ông Viễn bức xúc nhận định: “Ông ta là bác sĩ ngoại khoa, muốn phi tang xác là điều quá dễ dàng, mới chỉ nói nơi ném xác nhưng chưa thấy nói làm thế nào để xác chìm, không nổi được lên được. Đặc biệt, bác sĩ này hết sức gan lỳ, đã chuẩn bị sẵn các “lời nói” để lẩn tránh tội các của mình”.

Chia sẻ về cuộc tìm kiếm, ông Viễn cho biết rất cảm kích ông Phạm Đức Quang (cậu ruột chồng nạn nhân Huyền). “Ông Quang đã bỏ hết công việc để đi tìm kiếm thi thể cháu Huyền, cứ nghe thấy tin là ông ấy lại đi từ cửa biển tới chui xuống cống, gia đình biết ơn ông ấy lắm”.

Cũng theo người nhà nạn nhân Huyền, vào dịp 49 ngày, gia đình sẽ tổ chức phát tang ở bệnh viện Thanh Nhàn, đồng thời tiến hành làm mộ gió cho người xấu số.

Tóm tắt vụ việc:

Chiều 22.10, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội đủ căn cứ bắt khẩn cấp Nguyễn Mạnh Tường, (SN 1973, ở tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), là bác sĩ, chủ Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường về hành vi giết người. Nạn nhân là chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, ở 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trước đó, ngày 18.10, chị Huyền đến Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường (ở 45 đường Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực. Chị Huyền đã đặt cọc tại đây 50 triệu đồng, được các nhân viên hẹn 11h ngày 19.10 đến làm phẫu thuật.

Đến khoảng 16h thì xong quá trình phẫu thuật. Nhưng đến khoảng 17h45, chị Huyền có biểu hiện sùi bọt mép, mặt tím tái, khó bắt mạch. Bác sĩ Tường có tiêm thuốc trợ tim nhưng nạn nhân đã chết lâm sàng. Phát hiện vụ việc, thay vì khai báo với cơ quan chức năng, Bác sỹ Tường cùng bảo vệ đã chở xác nạn nhân lên cầu Vĩnh Tuy và vứt xuống sông Hồng.

Xem thông tin về Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người tại Eva.vn

Theo Lê Tú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thẩm mỹ viện Cát Tường