Hơn 70 con người nương tựa vào nhau để sống nơi núi rừng hẻo lánh. Ngày Vu Lan đã tới, dù day dứt nhớ quê hương, gia đình nhưng họ chẳng thể về.
Tìm về xã Tân Kim (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), phải băng qua nhiều con đường quanh co, sâu hun hút, chúng tôi mới đến được khu điều trị dành cho những người mắc bệnh phong. Trại phong Phú Bình nằm ẩn mình lặng lẽ dưới sự bao bọc của cây rừng và đồi núi. Đây là nơi nương tựa của những con người đã gắn bó cả đời vì mắc căn bệnh bị người xưa hắt hủi.
Cảm giác đầu tiên khi đặt chân tới nơi đây chính là sự tĩnh lặng đến lạ thường. Ẩn khuất dưới tán cây rừng là những dãy nhà hoang sơ, hiu quạnh, khung cảnh ấy khiến ai mới đến lần đầu cũng muốn chùn bước.
Nhiều người già sống tại đây bị mù mắt, cụt tay chân.
Nghe tiếng người lạ nói râm ran phía ngoài, những cánh cửa phòng bệnh bắt đầu hé mở, bước ra ngoài là những con người với sự khiếm khuyết của đôi bàn chân, bàn tay, thậm chí là cả đôi mắt... Tất cả họ ai cũng đon đả mời khách vào nhà. Có lẽ lâu lắm rồi không có người lạ đến thăm, vì thế tình cảm họ dành cho những người mới đến càng mãnh liệt hơn bao giờ hết.
“Các cụ ở đây tình cảm lắm, ai đến cũng được chào đón như người nhà vậy”, bác sĩ Lê Thị Bình (phụ trách Trại phong Phú Bình) nói. Quả thật, khi tiếp xúc, chúng tôi mới cảm nhận được hết sự sự hiếu khách, tấm lòng khẩn khoản và quý người của con người đang sinh sống ở nơi này.
Bác sĩ Bình chia sẻ, cả trại phong có 75 người đang sinh sống, trong đó đa phần là các cụ già, người trẻ nhất năm nay vừa tròn 30 tuổi. Có người đến đây khi đang ở cái tuổi thanh xuân đẹp của đời người, nhưng cũng có trường hợp đi hết nửa đời người trong chiến tranh rồi dừng chân ở nơi đây để chiến đấu với bệnh tật.
Có 75 người đang sinh sống tại đây, người trẻ nhất năm nay 30 tuổi.
Trong số 75 người đang sinh sống ở đây chỉ có 20 người xác định được quê quán và rất ít người có người thân đến thăm. Số còn lại suốt mấy chục năm qua họ chẳng biết đến người thân, chẳng nhớ rõ quê quán và cũng chẳng biết bố mẹ, anh em ai còn sống hay đã chết.
Đến với những phận người cô quạnh ở nơi thâm sơn cùng cốc đúng vào dịp lễ Vu Lan đang về, nhưng trớ trêu thay khi nhắc đến điều này, mọi người đều im bặt. Bà Nguyễn Thị Nguyệt (75 tuổi) ngậm ngùi chia sẻ: "Bố mẹ tôi chắc cũng mất hết rồi, anh em thì chẳng biết ai còn ai mất, nói đến Vu Lan mà chỉ thấy buồn vì chưa một ngày được báo hiếu với cha mẹ, lâu lắm rồi tôi cũng chẳng thắp được nén hương lên bàn thờ tổ tiên".
Bà Nguyệt đã tự lo trước hậu sự cho mình.
Bà Nguyệt ở trại phong này đến nay đã 54 năm. Đó cũng là khoảng thời gian bà xa gia đình và chưa một lần gặp lại. Giờ đây khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, dù muốn quay trở về quê hương một lần, nhưng bà chỉ nhớ quê ở Nghệ An chứ không còn biết chính xác xã, huyện nào.
“Tôi xác định gửi thân xác mình vào nơi tôi đã gắn bó cả cuộc đời. Tuổi đã cao, tôi xây sẵn cho mình một ngôi mộ ở nghĩa trang phía sau bìa rừng. Tiền xây mộ là khoản hỗ trợ hàng tháng nhà nước cấp, tích cóp gần 10 năm mới đủ”, bà Nguyệt ngậm ngùi nói.
Rời căn phòng của bà Nguyệt, chúng tôi tiếp tục di chuyển xuống cuối dãy nhà, nơi có một bà cụ đang men theo tường lê chân từng bước để vào phòng. Đó là cụ Lụa năm nay tròn 90 tuổi, cụ vẫn nhớ quê mình ở Nam Định và được chuyển tới trại phong từ năm 1965.
Cụ Lụa vừa mù vùa bị cắt cụt 1 chân nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Cụ Lụa mắc bệnh phong bị biến chứng mù cả hai con mắt, một bên chân bị cắt cụt nhưng vẫn tự chăm sóc được bản thân mình. Nói về gia đình trong những ngày Vu Lan đang tới, cụ bảo đã lâu lắm rồi cụ chỉ gặp được gia đình trong giấc mơ. Hiện tại cụ cũng chẳng muốn về lại quê hương nữa bởi nơi ấy không ai chào đón cụ.
Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có chung số phận khi từng một thời bị hắt hủi. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng mấý chục năm qua những con người này vẫn nương tựa vào nhau để sống với thứ tình cảm đặc biệt mà chỉ những người mắc bệnh phong mới hiểu.
Nhìn những đứa trẻ nô đùa họ rất nhớ gia đình nhưng lại không thể trở về.
Trong mỗi căn phòng nhỏ có 4 chiếc giường, nhưng chỉ còn lại 1, 2 người ở. Bệnh tật và tuổi già đã cướp đi những người “bạn đời” sống chung phòng với họ suốt mấy chục năm. Trong căn phòng ấy, các cụ chỉ có manh chiếc đã cũ mèm, những bộ bát đĩa men sứ cách đây vài chục năm...phía trước nhà là những luống rau nhỏ, đôi ba cây ớt, cây chanh...chỉ thế là đủ cho một cuộc sống của các cụ khi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.
Chiều đến, lũ trẻ sống quanh trại phong hoặc là con của cán bộ trong trại chạy nhảy tung tăng khắp các sân vườn, các cụ lại tập trung ra trước cửa phòng nhặt rau, bóc lạc để chuẩn bị cho bữa tối. Dù tay đang làm việc, nhưng mắt các cụ vẫn luôn hướng mắt về lũ trẻ. Giá như không bệnh tật, không xa cách gia đình thì giờ đây các cụ cũng đang vui đùa cùng cháu, chắt ở nơi “chôn rau cắt rốn”, và nó càng ý nghĩa hơn khi mùa Vu Lan đang đến gần.