Làng nghề làm “ông Táo” nhộn nhịp đón Tết

Ngày 17/01/2016 08:00 AM (GMT+7)

Từ lúc mờ sáng, các lò nung đã hồng than lửa, tiếng cười nói rộn rã, tiếng bàn xoay đất sét ken két đều đặn, khẩn trương đưa ra những sản phẩm để kịp cung ứng cho thị trường ngày Tết.

Nằm dưới chân cầu Rạch Cây – đường Võ Văn Kiệt (Q.8, TP.HCM), cơ sở sản xuất bếp lò của ông Trần Văn Tiệp được xem là nơi sản xuất duy nhất còn sót lại ở TP.HCM.

Trước đây, quận 8 là nơi có nhiều cơ sở sản xuất bếp lò. Theo thời gian và tốc độ của quá trình đô thị hóa, cuộc sống càng hiện đại và công nghệ ngày một phát triển, nhu cầu sử dụng bếp lò trong việc đun nấu đã không còn phổ biến. Những “ông bà Táo” được thay thế bằng các loại bếp ga, bếp điện,… nên nghề làm “ông Táo” bằng phương thức thủ công dần mai một.

Làng nghề làm “ông Táo” nhộn nhịp đón Tết - 1

Đất sét được lấy từ Long An về, sau đó sẽ được xử lý làm dẻo và trộn với trấu, tro để tạo "ông Tào"

Ông Trần Văn Tiệp cho biết: “Lúc còn nhỏ, tôi đã say mê với việc nặn “ông Táo” (bếp lò). Sau khi đi bộ đội về, tôi bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất bếp lò ngay trên mảnh ruộng của gia đình. Làm nghề này vất vả, suốt ngày chân lấm tay bùn. Nhưng vì dành nhiều tình cảm với công việc nên tôi không bỏ được. Ở đây, có nhiều người thợ đã gắn bó với tôi từ lúc mới mở lò, giờ mà kêu họ nghỉ không làm nữa chắt họ không chịu đâu”.

Được biết, cơ sở của ông Tiệp trung bình mỗi ngày cho ra từ 300 – 400 sản phẩm bán đi các tỉnh. Giá bán ra cũng chỉ từ 20.000 – 60.000 đồng/lò. Vào dịp Tết, số lượng tăng gấp 3 lần, gần nhưng mọi người thợ đều phải chạy đua với thời gian để kịp đáp ứng cho thị trường.

Làng nghề làm “ông Táo” nhộn nhịp đón Tết - 2

Khâu tạo hình cho "ông Táo" đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao

Để làm ra một bếp lò hoàn chỉnh không phải là chuyện đơn giản. Nó phải qua rất nhiều bước: Công đoạn đầu tiên khi bắt tay làm lò đó là nhào đất. Tỉ lệ trộn đất với tro, trấu là 7/3, trộn đất sét với tro, trấu phải đúng công thức thì khi nung lò sẽ không bị nứt và cho màu sắc đỏ tươi rất đẹp. Nhưng công đoạn khó nhất và kì công nhất đó là quá trình tạo dáng cho “ông Táo”. Một chiếc khuôn được đặt trên chiếc kệ vừa với tay người thợ.

Trước khi cho đất vào khuôn ép, người thợ phải rải một lớp cát mịn để chống dính, sau đó cho từng phần đất sét vào và vừa đi giật lùi xung quanh kệ, vừa phải liên tục dùng tay ấn và vuốt, nhằm ấn chặt đất vào khuôn cho đều nhau. Sau đó đem đi phời nắng, lật úp lò và từ từ rút khuôn ra để phơi.

Làng nghề làm “ông Táo” nhộn nhịp đón Tết - 3

Những chiếc lò được tạo hình rất đẹp

Làng nghề làm “ông Táo” nhộn nhịp đón Tết - 4

Công đoạn phơi nắng chuẩn bị đưa vào lò nung

Thông thường, lò sẽ được phơi từ 2 - 3 ngày. Trong lúc phơi, phải canh chừng thời tiết và tưới nước giữ ẩm cho đầu lò để lò không bị nứt.

Làng nghề làm “ông Táo” nhộn nhịp đón Tết - 5

Những chiếc khuôn để lồng vào "ông Táo"

Ông Phan Văn Tâm (56 tuổi) thợ làm lò cho biết: “Sau khi phơi, “ông Táo” sẽ được đem vào nắn gù, công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm, nắn gù làm sao cho 3 cái cân đối mà không bị lệch. Sau đó, sẽ phơi 1 lần nữa và được đưa vào lò nung hai ngày một đêm với tỉ lệ nhiệt độ thích hợp. Công đoạn cuối cùng là “mặc áo giáp” cho “ông Táo” giúp bếp lò chịu lực tốt hơn và trong lúc vận chuyển sẽ khó vỡ hơn”.

Làng nghề làm “ông Táo” nhộn nhịp đón Tết - 6

Công đoạn nung "ông Táo"  kèo dài từ 2 - 3 ngày liền.

Cũng như 30 người thợ tại cơ sở Năm Tiếp, cái Tết Bính Thân là cái tết thứ 32 của lò làm “ông Táo” duy nhất ở Sài Gòn. Hy vọng giá trị của một làng nghề truyền thống sẽ luôn được đỏ lửa đưa ra nhiều sản phẩm tốt cho thị trường.

Làng nghề làm “ông Táo” nhộn nhịp đón Tết - 7

Sản phẩm hoàn thiệt chuẩn bị đưa ra thi trường

  

Đông Phong
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot