Là món ăn quen thuộc với người dân quê, thậm chí còn được gọi là món ăn “con nhà nghèo” ngày xưa, thế nhưng hiện tại, loại bánh này lại trở thành món khoái khẩu, được người dân thành thị tìm mua.
Ngày nay, có vô vàn những món ăn mới, theo đủ phong cách Á – Âu được du nhập để người dân thỏa thích tận hưởng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những món ăn truyền thống, dân dã mất đi giá trị. Thậm chí, càng phát triển, con người lại càng nhớ về món ăn xưa cũ, vì thế những món ăn thôn quê, “con nhà nghèo” ngày xưa giờ đây lại trở nên “hot” lạ thường, được người dân thành phố tìm đặt mua, thậm chí là xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao. Trong đó, bánh sắn Phú Thọ là một ví dụ.
Món bánh giản dị, chân quê gợi nhắc một thời tuổi thơ
Với người dân Phú Thọ, bánh sắn là một món ăn cực kỳ quen thuộc. Là tỉnh trồng nhiều sắn, nên những món ăn từ nguyên liệu này rất phong phú. Sắn ngoài dùng để luộc, còn được chế biến thành nhiều món như: bánh sắn, xôi sắn, chè sắn, canh sắn,… đặc biệt là bánh sắn.
Bánh sắn - món ăn thôn quê dân dã giờ thành đặc sản nhiều người thành phố tìm mua
Những người lớn lên tại Phú Thọ đều có một tuổi thơ gắn với món ăn dân dã bánh sắn. Bánh sắn có thể làm từ bột củ sắn tươi hoặc bột sắn khô, nhưng phổ biến nhất vẫn là sử dụng tinh bột khô. Ngày xưa, thời còn nghèo khó, người dân chỉ làm bánh sắn chay hay còn gọi là bánh sắn nhân đũa. Sở dĩ có tên gọi này là bởi vì bánh không có nhân, để cho nhanh chín, người dân thường dùng đũa chọc một lỗ nhỏ nên được gọi là bánh sắn nhân đũa.
Về hình thức, bánh sắn không có gì nổi bật. Bánh được bọc trong lớp lá chuối mỏng, khi chưa hấp có màu trắng tinh, hấp lên thì có màu trắng đục, trong. Bánh không đóng cầu kỳ hay hình thức hấp dẫn, thế nhưng khi ăn thử, vị của bánh khiến người ta nhớ mãi. Bánh dẻo, dai, bùi bùi, đậm vị sắn kèm theo đó là cảm giác béo ngậy của các loại nhân.
Bánh có hình thức đơn giản, khi chưa luộc màu trắng tinh...
... bánh luộc xong có màu trắng trong, được bọc trong lá chuối
Ngày nay, bánh sắn có nhiều loại nhân khác nhau, chia làm 2 loại chính gồm bánh sắn ngọt và bánh sắn mặn. Bánh sắn ngọt có nhân đậu xanh dừa, nhân đậu đen, đậu đỏ, nhân chuối, nhân lạc vừng. Bánh sắn mặn thường là sự kết hợp của thịt, hành, mộc nhĩ băm nhỏ, thơm ngon, béo ngậy, vị rất đặc trưng.
Ngày nay, có 2 loại nhân bánh sắn: Nhân mặn và nhân ngọt
Chính vì mùi vị hấp dẫn này mà hiện tại, bánh sắn được rất nhiều người yêu thích. Không chỉ những người quê Phú Thọ từng có tuổi thơ gắn liền với bánh sắn mà dần dần, loại bánh này còn chinh phục hầu hết những ai có may mắn được thưởng thức nó. Hiện tại, bánh sắn trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều gia đình, nhất là các thành phố như Hà Nội.
Dân thành phố “rộn ràng” tìm mua bánh sắn
Hiện nay, bánh sắn trở thành món ăn ưa thích của nhiều gia đình ở Hà Nội. Trên các chợ online, mặt hàng này tấp nập người bán, kẻ mua. Theo nhiều chị em chia sẻ, để mua được bánh “chuẩn Phú Thọ”, đa phần họ thường chọn cách gom mua chung 1 lượt, đặt từ một người quê gốc ở Phú Thọ, sau đó chuyển xe lên thành phố. Cách mua này vừa tiết kiệm lại được thưởng thức bánh truyền thống chính gốc.
Bánh sắn trở thành món ăn ưa thích của nhiều gia đình ở Hà Nội.
Cũng từ hình thức mua bán này, dần dần nhiều chị em chuyển từ mua đáp ứng nhu cầu của gia đình sang kinh doanh. Chị Phạm Liên (Hoài Đức, Hà Nội), một trong những người kinh doanh mặt hàng này cho biết, chị bán bánh sắn được khoảng 2 năm nay. Chị quê gốc ở Phú Thọ, sau này học tập và làm việc ở Hà Nội. Ban đầu vì quá thèm món bánh quen thuộc của tuổi thơ nên chị rủ mấy chị em hàng xóm trong “chợ online”, sống cùng chung cư để đặt mua, nhờ người nhà chuyển từ quê lên. Sau đó ai ăn cũng thấy ngon, thích nên nhờ mua hộ. Dần dần, chị quyết định chuyển qua kinh doanh chuyên món ăn này.
Chợ online rộn ràng người mua - kẻ bán loại bánh "nhà nghèo" này
“Những tưởng chỉ người quê Phú Thọ ăn là nghiện món này, nào ngờ gần như nhà nào ăn xong cũng thích nên nhờ đặt thêm. Tôi chính thức bán món này. Trung bình mỗi ngày cũng tầm 400 – 500 cái. Riêng cuối tuần có khi cao hơn”, chị Liên tiết lộ.
Để đảm bảo bánh ngon, chị thường đợi mẻ bánh làm từ sáng sớm tại Phú Thọ, sau đó chuyển lên Hà Nội rồi giao luôn cho khách. Bánh luôn mới để chất lượng được tốt nhất.
Số lượng đặt mua bánh sắn mỗi ngày của các tiểu thương có số lượng không hề nhỏ, chứng tỏ sức mua và sự hấp dẫn của mặt hàng này rất lớn
Bên cạnh đó, hiện nay các cơ sở làm bánh đều có cách đóng gói hút chân phục vụ việc ship bánh tới nhiều địa phương, tỉnh thành ở xa. Bánh hút chân không, để ngăn đá có thể để được lâu mà vẫn giữ được mùi vị, hương thơm của bánh.
Bánh còn được đóng trong túi hút chân không để giao tới nhiều địa phương, tỉnh thành ở xa
Về giá thành, trung bình giá của bánh sắn dao động từ 55.000 – 80.000 đồng/chục (chưa tính tiền ship). Chị Minh Hương (Hà Nội), một khách hàng cho biết: “Cứ khoảng 2 tuần mình lại đặt bánh này một lần để cho cả nhà cùng ăn. Bánh sắn có vị cuốn lạ thường, hơn nữa lại lành, cả người già, trẻ nhỏ đều ăn được. Mình đặt 2 vị mặn – ngọt khác nhau để thay đổi. Bánh này đã ăn một lần thì nhớ mãi, dễ bị "nghiện”.