Củ kiệu cuốn lá là một trong những món ăn quen thuộc của người dân tỉnh Quảng Trị. Nhưng hiện tại, món ăn ngon khó cưỡng này trở thành món khoái khẩu của rất nhiều người, ở nhiều vùng miền trên cả nước.
Hàng năm, từ khoảng tháng 10 trở đi, kiệu vào mùa, người dân Quảng Trị lại tấp nập muối món kiệu cuốn lá. Món ăn bình dị, quen thuộc này có một vị vô cùng đặc trưng mà tất cả những ai đã từng nếm nó đều sẽ thích mê.
Sức cuốn hút của món ăn bình dị với hương vị độc đáo
Những người con của mảnh đất Quảng Trị không ai là không biết đến món kiệu cuốn lá. Trước đây, từ tầm tháng 10 trở đi, vào mùa kiệu, giáp Tết, người dân nơi đây lại muối kiệu, làm dưa để ăn Tết bên cạnh những món cổ truyền của dân tộc như bánh chưng, bánh tét. Kiệu cuốn lá trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa cơm bình dân của người Quảng Trị.
Kiệu cuốn lá Quảng Trị, món ăn đặc sản vạn người mê
Ngày nay, kiệu cuốn không chỉ là thức ăn dân dã của người dân nơi đây mà trở thành một thứ đặc sản quê hương, được nhiều người ở mọi miền tổ quốc đặt mua thưởng thức.
Kiệu cuốn có thể dùng kết hợp với nhiều loại thực phẩm, đồ ăn khác nhau làm gia tăng hương vị cho món ăn, chống ngán. Ngoài ra, kiệu có thể dùng với cơm nóng, vị chua chua, cay cay, ngọt ngọt... đan xen rất đưa cơm, ngon miệng. Tất cả những ai dù có phải là người con Quảng Trị hay không khi nếm món ăn đậm đà với 4 vị chua – cay – mặn – ngọt này đều sẽ bị ấn tượng và thích mê.
Là một khách hàng nghiền món ăn này, chị Trần Hường (Hà Đông, Hà Nội), nhận xét: “Món kiệu cuốn lá ngâm mắm chứa đủ bốn vị chua - cay - mặn - ngọt nên ăn rất kích thích vị giác, hầu như ai cũng sẽ nghiện. Không chỉ vậy, kiệu cuốn cả lá ăn với thịt chân giò luộc, gân bò, thịt ba chỉ đều ngon. Nhất là vào dịp Tết, ăn nhiều món dầu mỡ, nếm sang vị của kiệu cuốn lá sẽ thấy đỡ ngán hơn rất nhiều. Thậm chí ăn với cơm trắng cũng đưa cơm vô cùng”.
Món kiệu cuốn lá với 4 vị chua - cay - mặn - ngọt, vô cùng hấp dẫn
Không chỉ vậy, theo Đông y, củ kiệu có vị cay, tính ấm; có tác dụng bổ khí, trị đau ngực, bứt rứt khó chịu, ho suyễn nhiều đờm, nôn khan, viêm phế quản.... Vậy nên kiệu không chỉ là một gia vị món ăn mà còn được xem là một vị thuốc quý.
Hàng nghìn đơn hàng món kiệu cuốn lá mỗi ngày
Món ăn kiện cuốn lá hiện nay trở thành đặc sản được đặt mua từ khắp mọi miền. Theo ghi nhận, vào mùa, đơn hàng kiệu cuốn lá mỗi ngày lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đơn tùy theo người bán ở quy mô cá nhân nhỏ lẻ hay doan nghiệp sản xuất với số lượng lớn.
Thị trường món ăn kiện cuốn lá rất sôi động, nhiều người đặt mua
Theo chia sẻ của Thùy Linh (25 tuổi, sinh sống tại Hà Nội), một tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cho biết: “Mình quê ở Quảng Trị. Ban đầu, mình gom để người nhà ở quê làm gửi ra ăn cho đỡ nhớ, đỡ thèm. Sau này nhiều chị em ở chung cư và đồng nghiệp từng ăn thử thích quá cũng nhờ đặt mua. Từ năm sau đó, mình chuyển sang kinh doanh. Bắt đầu khoảng chục hộp, mình gom cuối tuần người nhà chuyển ra. Sau này đều đều ngày cũng tầm 80 – 100 hộp, hàng ra đều hơn, khoảng 2 ngày 1 lần".
Theo chị Linh, kiệu được đóng trong hộp, phía ngoài còn bọc thêm một lớp túi bóng nên cực kỳ chắc chắn, đảm bảo nước không bị rò rỉ ra ngoài khi di chuyển trên xe khách hay đường dài.
Kiệu được đóng gói chắc chắn, không lo bị rỉ nước ra ngoài
Một vài cơ sở kinh doanh mặt hàng này với số lượng lớn chia sẻ, những ngày giáp Tết, đơn hàng của họ nhận có thể lên tới 1000 đơn mỗi ngày. Với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, những người buôn bán online trên mạng, nhận đơn rồi đặt người nhà làm trung bình vào dịp cao điểm cũng có tới 80 – 100 hộp một ngày.
Theo khảo sát, giá của kiệu cuốn lá dao động từ 90.000 – 110.000 đồng 1 hộp, loại 1kg. Mặc dù không phải là món ăn quá mới lạ nhưng độ “hot” của món ăn kiệu cuốn lá vẫn được duy trì. Hàng năm vào tầm mùa đông, cận Tết, món kiệu cuốn lá muối lại sôi đông, rộn ràng kẻ bán-người mua.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, công thức để làm món kiệu cuốn lá khá đơn giản. Về nguyên liệu, cần phải chọn loại vừa tầm, lá xanh tươi không bị già quá để lá kiệu vừa thơm, xanh mà lại mềm ngọt. Sau đó nhặt sạch sẽ, mang đi phơi ráo nước sao cho hơi héo một chút để lá kiệu đủ mềm, cuốn lại được. Tiếp đến, cho kiệu vào thau, đổ nước ngập kiệu, cho lượng muối vào ngâm ngập từ 5 – 7 tiếng, khi thân kiệu mềm ra là được.
Bí quyết hàng đầu để quyết định kiệu cuốn lá ngon hay không chính là ở cách pha nước ngâm. Tỷ lệ của đường, muối, mắm, giấm… phải chuẩn, vừa vị thì mới cho thành quả hấp dẫn. Sau đó cho tất cả hỗn hợp đó vào khuấy đều, nấu sôi. Khi nấu nhớ phải nếm, để cảm nhận độ mặn – ngọt, khi đã vừa miệng, tắt bếp chờ nước nguội.
Món kiệu ăn với cơm trắng cũng ngon không cưỡng nổi
Công đoạn tiếp theo là cho ớt, tỏi đã được xay vào nước nấu vừa pha chế, sau khi đã nguội hẳn. Vớt kiệu đã được ngâm nước ra, rửa lại nhiều lần với nước đun sôi để nguội, để ráo nước, cuốn chặt kiệu, cho vào lọ đựng. Khâu cuối cùng là cho nước gia vị đã pha chế vào kiệu, để 2-3 ngày sau kiệu ngấm đều gia vị là có thể ăn được. Nếu bảo quản trong tủ mát thì kiệu cuốn lá ngâm mắm có thể ăn trong vòng chục ngày.