Thứ rau dại này trước đây chỉ xuất hiện trong mâm cơm đạm bạc của người dân nghèo ở miền Tây, nay nó đã thành đặc sản có nơi rao bán tới 270.000 đồng/kg.
Miền Tây là nơi có nhiều thứ rau, quả lạ lẫm mà người dân ở nơi khác không thể biết hết được, ví dụ như cây hẹ nước - được gọi là "lộc trời cho" thường xuất hiện vào mùa nước nổi.
Hẹ nước không chỉ mọc ở ruộng nước, mà còn ở các kênh mương, đầm nước vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, trong đó nhiều nhất ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu,... Khác với hẹ cạn, hẹ nước là loài rau dân dã tự nhiên mọc nhiều vào mùa nước lũ, từ tháng 7 đến tháng 8. Nơi nào nước sâu, chảy mạnh và nhiều thì lá hẹ nước có màu xanh đậm và to bản hơn, giòn và thơm hơn.
Hẹ nước được xem là lộc trời ở miền Tây vì loại cây này mọc hoang nhưng mang lại giá trị kinh tế cho người dân
Anh Nguyễn Tiến Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) kể, chừng 10 năm trước, ở những cánh đồng lũ bát ngát, hẹ nước mọc hoang đầy rẫy dưới làn nước sâu. Anh chỉ cần chèo xuồng ra ruộng chừng nửa giờ là trở về với khoang đầy ắp hẹ nước.
"Thời đó cứ lựa chỗ nào hẹ non thì nhổ về chấm nước cá kho, ai thích ăn bao nhiêu thì hái chứ không buôn bán gì ở chợ. Lúc đó cũng không có nhiều người biết ăn thứ rau dại này. Thậm chí, khi thấy hẹ nước nhiều quá, người dân còn tìm cách diệt bớt vì sợ hẹ nước lấn át lúa", anh Lập chia sẻ.
Khác với hẹ cạn, hẹ nước là loài rau dân dã tự nhiên mọc nhiều vào mùa nước lũ, từ tháng 7 đến tháng 8.
Anh Lập cho biết, khi nước rút, hẹ già và chết đi, hạt hẹ rơi xuống, rồi chờ mùa nước nổi năm sau, cứ như vậy hẹ nước tồn tại năm nay qua năm khác. Không chỉ có hẹ nước tự nhiên mà giờ đây nhiều nông dân ở đây cũng tận dụng lợi thế ruộng luôn có hẹ tự nhiên vào các năm trước, sau đó không gieo lúa hè thu mà bơm ngập nước tạo lũ giả để trồng hẹ và kiếm thêm thu nhập. Bụi hẹ mềm, rễ chùm ngắn bám vào đất bùn nên nhổ cũng không quá tốn sức.
Quê ở miền sông nước, anh Ánh (hiện đang sống ở TP.HCM) cho biết ngày trước hẹ nước được coi là như là một món ăn "cứu đói", có mặt trong các bữa cơm đạm bạc của người dân nghèo. Sau khi nhổ về, nhặt bỏ phần rễ, hẹ được rửa sạch rồi ăn sống như một loại rau, chấm nước cá linh kho.
Hẹ nước ăn sống hay ăn chín đều ngon, hấp dẫn
Lúc mới ăn, nhiều người sẽ cảm thấy không có vị gì, nhưng càng nhai càng thấm vị ngọt, giòn lẫn vị mặn mòi của cá kho, rất hấp dẫn. Ngoài ăn sống, hẹ nước có thể chế biến thành nhiều món ăn như luộc, xào riêng hoặc chung với các loại rau khác hay dùng để nấu canh chua, nhúng lẩu.
Thứ rau dại này giờ này đã trở thành đặc sản, có mặt ở nhiều tỉnh thành, được các nhà hàng, quán ăn tìm mua. Theo khảo sát, hẹ nước tươi có giá khoảng 120.000-150.000 đồng/kg, thậm chí một trang thương mại điện tử còn rao bán hẹ nước với giá lên tới 270.000 đồng/kg.
Có nơi bán hẹ nước lên tới 270.000 đồng/kg
Chị Lam Nguyễn (ở Long An) cho biết, ở quê chị nhiều người trồng hẹ nước để bán cho thương lái và các nhà hàng. Hẹ nước sau khi thu hoạch sẽ để ráo nước, tước bỏ nhánh hẹ bị giập nát sát phần gốc, để lộ những lá hẹ xanh mướt mắt rồi túm thành từng chùm từ 0,5-1kg, sau đó bán sỉ cho thương lái ngay tại ruộng.
"Tôi đặt hàng của bà con rồi bán đi các tỉnh thành với giá 120.000 đồng/kg. Nhiều nhà hàng và khách ở TP.HCM đặt hàng thường xuyên với số lượng lớn. Nếu đúng mùa, hẹ nước sẽ có giá mềm hơn, còn trái mùa số lượng ít và giá cũng đắt hơn vài chục nghìn/kg", chị Lam cho hay.
Rau hẹ nước ăn mềm, xốp và giòn, hương thơm rất đặc trưng, vị ngọt thanh thấm sâu. Đặc biệt, nhiều người rất thích ăn phần gốc màu trắng bởi nó là phần ngon nhất của mỗi cây hẹ nước. Một bụi hẹ khoảng gần 20 lá sẽ được tỉa bỏ bớt khoảng 5 đến 6 lá già, lá úa rồi lặt bỏ phần rễ, để lại phần cuống trắng muốt và những lá non mọng nước.