Thứ hoa dại này là một đặc sản ngon nức tiếng của các dân tộc vùng Tây Bắc, nó có vị đắng ngắt nhưng ăn vài lần ai cũng nghiện.
Tây Bắc là vùng đất không chỉ nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang đẹp bậc nhất, nơi đây còn là nổi tiếng với vô số những loại hoa quả, rau, món ăn lạ mà bạn không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Trong đó phải kể đến đặc sản hoa kè.
Cây hoa kè mọc hoang trong rừng núi Tây Bắc từ xa xưa, mãi sau này người dân nơi mới đây đưa về trồng để làm bóng mát, vài năm cây cho hoa và quả. Cây hoa kè dễ trồng, cao vài chục mét. Trước đây, người dân chặt thân của cây hoa kè về làm cọc bờ rào, còn hoa và quả để chế biến thành các món ăn đặc sản chỉ có ở vùng đất này.
Hàng năm, cứ mỗi độ đông về hoa kẻ lại nở. Vì cây rất cao nên hiếm khi người dân trèo lên cây hái mà chờ nó rụng xuống thì mang rổ ra nhặt về. Những đóa hoa kè như những chiếc chuông nhỏ rụng trên thảm cỏ dưới gốc cây trông rất đẹp mắt. "Hoa kè thường rụng vào ban đêm, sáng sớm mọi người lại rủ nhau vào rừng nhặt về bỏ nhụy, rửa sạch và quá trình chế biến rất đơn giản, làm món hoa kè hấp thịt thì ngon nghiện luôn. Giờ mình sinh sống ở thành phố nhưng đến mùa mẹ lại gom gửi cho ít hoa kè để ăn", chị Hà Chi (quê ở Lai Châu, hiện đang sống ở TP.HCM) tâm sự.
Chị Chi cho biết thêm, loại hoa này rất giống với hoa của cây núc nác nên nhiều người nhìn lần đầu sẽ bị nhầm lẫn. Khác với hoa núc nác, hoa kè lúc đầu ăn sẽ có vị đắng ngắt, nhưng sau vài lần sẽ cảm nhận được cái thanh mát, ngọt dịu sau vị đắng lúc ban đầu.
Hoa kè hấp thịt được biết đến là món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc mà bất cứ ai đến vùng đất này cũng nên tìm để thưởng thức. Hoa kè bỏ nhụy, rửa sạch, quá trình nhồi thịt diễn ra rất nhanh và đơn giản. Khi nhồi xong, hoa được hấp bằng chõ khoảng 15 phút. Những bông hoa nở xòe cùng nhân thịt mềm, ngậy như đánh thức khứu giác của người thưởng thức. Hoa kè hấp thịt được dùng nóng, chấm với chút mắm ngon, vị nhằng nhặng đắng nơi đầu lưỡi nhanh chóng qua đi, thay vào đó là vị ngọt là lạ của hoa kè, vị ngọt bùi của thịt làm ấm lòng những ngày sang đông. Hoa kè còn làm các món xào trứng, nộm, nấu canh, món nào cũng hấp dẫn.
Hoa kè tươi sử dụng không hết, người ta còn đem phơi khô hoa kè để dùng dần. Những bông hoa kè sau khi ngắt bỏ nhụy được xé làm 3, làm 4 phơi khô, phơi trong cái nắng, cái gió hanh hao của những ngày chớm đông để có thể cất trữ và sử dụng được lâu hơn.
Trên MXH, hoa kè một nắng được đóng thành từng túi nhỏ, mỗi túi 300gr được bán với giá 30.000 đồng, 1kg hoa kè một nắng có giá gần 100.000 đồng nhưng số lượng không nhiều.
"Trước đây hoa kè không mang ra bán buôn hay đặt nặng chuyện tiền bạc, nhưng gần đây nó được nhiều nhà hàng và khách ở xa lùng mua. Bà con ở đây vào rừng nhặt hoa kè bán ở chợ quê, tôi gom về phơi khô rồi đóng gói bán cho những khách đặt hàng sẵn. Hoa kè chỉ nở trong 1-2 tháng mùa đông, số lượng cũng không nhiều nên hàng có đến đâu hết đến đó. Năm vừa rồi có chị khách ở TP.HCM đặt số lượng lớn nhưng tôi cũng không có đủ hàng", chị Bích (người bán đặc sản Tây Bắc trên chợ mạng) chia sẻ.
Chị Bích cho biết thêm, hoa kè tươi ăn ngon hơn, nhưng vì dễ bị giập nát và khó bảo quản nên chị chỉ bán hoa kè một nắng hoặc hoa kè khô. Hoa kè một nắng bảo quản tủ lạnh có thể ăn được vài tháng, còn hoa kè khô thì để được quanh năm. Những người có dịp lên vùng cao công tác vào những ngày đông cũng không quên mua những xâu hoa kè về làm quà cho người thân và bạn bè.
Cách đây không lâu, trên một diễn đàn về ẩm thực, chị Ma Thị Dung giới thiệu về món hoa kè cuốn thịt lợn làm nhiều người nhớ về món ăn đặc sản của tuổi thơ. Một số thành viên cho biết hoa này ngoài việc chế biến món ăn còn có khả năng chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe.
"Nhà mình có một cây, hồi nhỏ rình chỉ để lượm hoa để ăn, cây này vỏ của nó còn điều trị vết thương nhanh liền , thân cây nó cứ cạo lấy vỏ xong 1 thời gian sau nó lại liền lại, bố mình còn đun để uống chữa dạ dày nữa, thấy bố mình uống và bảo có hiệu quả", tài khoản Linh Trần bình luận.