Nghe tên lá chiếc nhiều người sẽ thấy cực kỳ lạ lẫm nhưng thực chất từ lâu loại lá dại này đã trở thành thứ rau đặc sản có mặt trong một vài món ăn nổi tiếng.
Cây chiếc còn có những tên gọi khác là cây chiếc chùm, lộc mưng, rau vừng, cây lộc vừng, cây tam lang…, nó có tên khoa học là Barringtonia Asiatica, một loài thuộc chi lộc vừng. Tuy nhiên khác với giống lộc vừng làm cảnh cho hoa màu đỏ, cây chiếc cho hoa thành cụm, màu trắng, kề sát hạt to tròn như quả trứng gà, phần lá cây cứng cáp hơn và có màu xanh đậm.
Cây chiếc mọc hoang dại ở nhiều nơi, xưa chỉ lấy gỗ nhưng giờ lá của nó được sử dụng như một loại rau đặc sản
Cây chiếc là loài cây bản địa của các vùng đất ẩm ven biển Nam Á và Bắc Úc, từ Afghanistan đến Philippines và Queensland. Ở Việt Nam, loài này mọc hoang ở vùng ven biển Nam Bộ, vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, những vùng môi trường ngập mặn trên bờ biển và hải đảo nhiệt đới. Cây có sức sống mãnh liệt, quanh năm tươi tốt dù trời nắng hay mưa, ngập mặn hay hạn hán.
Hoa và quả của cây chiếc.
Ngày xưa, loại cây này chỉ lấy gỗ khi về già. Sau đó, người dân Tây Ninh sử dụng lá chiếc như một loại rau dại không thể thiếu trong các món ăn đặc sản như bánh canh Trảng Bàng, bánh xèo rau rừng…
Bên cạnh rau ghém ăn kèm các món cuốn, lá chiếc chấm với mắm nêm, mắm ruốc cũng rất lạ miệng, làm gỏi hoặc gói nem chua, ăn kèm gỏi cá, cá kho.... đều tuyệt đỉnh. Lá chiếc non rất mềm, bóng, màu xanh vàng ửng nâu, có vị chát, hơi chua nên được ưa chuộng hơn các lá già, các loại lá già chủ yếu để gói nem thịt, nem bì cho ra mùi vị rất riêng của các món này.
Các món như rau rừng gỏi cá, rau rừng chấm mắm hay bánh tráng phơi sương đều có lá chiếc ăn kèm.
Giờ đây, lá chiếc cùng các loại rau rừng mọc hoang dã ở ven sông, rạch như quế vị, trâm ổi, lá cách, mặt trăng, trâm sắn, sơn máu, bí bái, chùm mồi… đều rất nổi tiếng vì ăn kèm với bánh tráng thịt luộc rau rừng “nức tiếng” gần xa. Từ chỗ chỉ là món ăn dân dã, bình dị, đến nay, các loại rau rừng đã trở thành món ăn được đông đảo du khách đến Tây Ninh tìm kiếm và thưởng thức.
Anh Vinh, chủ một nhà hàng đặc sản Tây Ninh tại TP. HCM cho biết: “Lá chiếc cùng với lá cách, đọt cóc là 3 loại rau cho vị chua thanh, chát nhẹ đặc trưng của món bánh tráng phơi sương hay bánh xèo rau rừng. Mà đã ăn rau rừng là phải tìm cho đủ các loại rau thì ăn mới ra đúng vị, chỉ cần thiếu một loại nào thôi là món ăn sẽ mất cân bằng, khách tinh ý sẽ nhận ra ngay”.
Cũng theo anh Vinh, các loại rau rừng xưa ít người biết đến thì giờ thành rau đặc sản và được khách sành ăn lùng mua dù giá không hề rẻ, đắt hơn vài lần so với các loại rau truyền thống. Bởi những thứ rau này vừa có vị riêng, lạ miệng mà lại an toàn cho sức khỏe.
Cây chiếc mang lại thu nhập cho người dân trồng rau rừng.
Cũng chính vì lý do này, anh Trần Văn Hùng (Trảng Bàng, Tây Ninh) đã tìm kiếm và mang một số loại rau rừng về trồng thử tại vườn nhà, trong đó có cây chiếc. Bây giờ mỗi ngày gia đình anh thu hoạch trên dưới 20kg các loại rau đặc sản, với giá bán khoảng 20.000-40.000 đồng/kg. Đưa rau rừng về trồng tại vườn nhà là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả của người nông dân xứ Trảng như anh Hùng. Anh đổ mối cho các nhà hàng kinh doanh phục vụ các món ăn rau rừng hoặc các thương lái chứ không bày bán trực tiếp mà vẫn thu về lợi nhuận kha khá.
Rau chiếc phải ăn kèm với các loại rau rừng khác nên cũng ít bán riêng lẻ mà thường được chia thành các combo. Ngoài thị trường, 1kg rau rừng hỗn hợp có giá lên 60.000 - 100.000 đồng/kg. Nếu khách muốn đặt riêng rau chiếc sẽ phải dặn trước chủ cơ sở kinh doanh để thương lái hẹn nhà vườn hái riêng, giá cả cũng dao động tùy mùa.
Không chỉ là loại rau được nhiều người ưa chuộng, lá chiếc còn được dùng để điều chế thuốc trong cả Tây y và Đông y. Vỏ cây dùng chữa bệnh tiêu chảy, đau bụng. Ở Ấn Ðộ, quả cây chiếc trị ho, hen, nhân hạt dùng trị bệnh vàng da và các chứng bệnh về mật.