Cây chốc - nghe cái tên có vẻ xa lạ với nhiều người nhưng lại là một loại rau cực quen thuộc của người dân miền Tây sông nước.
Cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi mưa già và nước lũ đầu nguồn tràn về, trên những cánh đồng ngập nước vùng Tháp Mười, Hậu Giang mọc trải dài các loại rau dại đặc trưng của mùa nước nổi. Thảm sinh thực vật phong phú ở mảnh đất miền Tây vốn được thiên nhiên ưu đãi, đem lại cho đời sống ẩm thực người dân miền quê thêm nhiều đặc sản ngon lành.
Chỉ cần chèo xuồng, ghe đi dọc một vòng các kênh nước là có rất nhiều các loại rau như rau chốc, rau mác, lá hẹ nước, bồn bồn… Trong số đó, nhiều nhất phải kể đến rau chốc “miền Tây” - loại rau mọc tự nhiên ở dưới nước, có thân hơi tròn (dài khoảng 10cm), mọc thành cụm xanh tươi tốt, lá dẹp và dài. Chỉ cần nhổ về lặt bỏ rễ và lá, lấy thân (khoảng 5- 8cm) là có được một loại rau sạch để ăn.
Rau chốc được bày nhiều ở các chợ quê
Rau chốc là một loài thực vật có hoa trong Họ Lục bình (Pontederiaceae), có nguồn gốc ở Châu Á và trên nhiều quần đảo Thái Bình Dương, là loài cỏ dại trên ruộng nước ngọt trũng thấp. Tại Việt Nam, loại rau này mọc tự nhiên khắp đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là vào mùa mưa. Thi thoảng, rau chốc phát triển quá tốt cao hơn cả lúa, bà con nông dân phải nhổ bỏ đi hết để cây không hút chất dinh dưỡng của đất nuôi lúa. Sau khi nhổ bỏ, rau chốc còn được tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm như gà, vịt.
Những món ngon, lạ miệng được chế biến từ cây rau chốc.
Rau chốc có thể dùng để chế biến rất nhiều loại thức ăn, chẳng hạn như bẹ và lá non của cây rau chốc có thể dùng làm rau sống để ăn trực tiếp, làm gỏi, luộc, xào, chiên với trứng, muối chua… đặc biệt là chấm mắm kho, mắm chưng ăn sống hoặc ăn với cá chiên, cá nướng, tép luộc. Rau chốc cũng không thể thiếu trong món lẩu mắm “trứ danh” của người miền Tây.
Thứ rau này có vị cay và đắng nhẹ như lá hẹ, nhưng mùi không hăng xộc lên mũi mà rất dịu đặc trưng. Trong thân, lá rau chốc nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe.
Không chỉ là một trong những loại “rau sạch”, tạo thêm sự phong phú trong bữa ăn hàng ngày, mà rau chốc còn giúp cải thiện đời sống của người dân nghèo ở địa phương. Đến mùa mưa là có rau chốc và cứ cách 1 hoặc 2 ngày là anh Hùng (Hậu Giang) ra nhổ về ăn và lặt bỏ phần rễ, lá, rồi bó lại thành từng bó nhỏ, sau đó mang ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập.
Rau chốc được bán với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg ở các tỉnh miền Tây, còn về “phố thị” sẽ có giá mắc hơn. Buổi sáng mỗi ngày, vợ chồng anh Hùng ra ruộng nhổ khoảng 25-30 kg rau, rửa sạch, bó thành từng bó, sau đó mang đến bán cho mối ở chợ Mộc Bài. Bình quân, gia đình anh có thu nhập khoảng 500.000 đồng đến 600.000 đồng mỗi ngày từ bán rau chốc.
Người dân thu hoạch rau chốc ngoài ruộng, nó được xem là "lộc trời" giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập
Ngoài gia đình anh Hùng, những người dân khác ở địa phương cũng tham gia nhổ rau chốc đem bán. Cứ mỗi sáng và chiều, bất kể nắng mưa, người dân xuống ruộng nhổ rau đem đi bán tại chợ địa phương, hoặc đổ mối cho các thương lái.
Dù vậy, rau chốc không dễ tìm thấy ở các thành phố lớn vì loại rau này không được nhiều người biết đến và nguồn cung cũng không đủ để được bày bán rộng rãi trong các quầy hàng, siêu thị. Chị Hà (bán rau ở chợ Xã Tây, quận 5, TP. HCM) cho biết chị phải nhờ chỗ bỏ mối sỉ tìm nguồn hàng và báo lại cho khách, trung bình mất 1-2 ngày mới có hàng với giá khoảng 50.000-70.000 đồng/kg tùy thời điểm.
“Rau chốc vận chuyển đi xa từ miền Tây lên Sài Gòn cũng không còn tươi như mới hái, lá héo úa và dập lại không ngon. Dù vậy, thi thoảng vẫn có người muốn mua loại rau này vì là rau tự nhiên, an toàn không có phân bón thuốc trừ sâu, lại lạ miệng đổi vị cho cả nhà”, chị Hà cho biết.
Không chỉ là một loại rau dại được nhiều người ưa chuộng, rau chốc còn được biết đến là một dược liệu quý giá vì có nhiều công dụng với sức khỏe. Theo đông y cây rau chốc có vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu. Ăn rau chốc sống, luộc, xào có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.