Mùa hè, quả mắc mật chín mọng, tỏa ra mùi thơm đặc trưng, dùng làm gia vị trong nhiều món ăn đặc sản như vịt nướng, thịt quay...
Quả mắc mật có nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Sơn La, Lạng Sơn... Vào mùa hè, khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm là quả mắc mật vào mùa, trái chín vàng lúc lỉu. Thời điểm này cũng là lúc người dân đi thu hái mắc mật để bán đi khắp các tỉnh thành.
Theo tìm hiểu, cây mắc mật mọc hoang dại. Mấy năm gần đây, nhu cầu về lá mắc mật và quả mắc mật ở thành phố tăng cao nên nhiều người đã mở rộng mô hình trồng cây mắc mật. Quả mắc mật có mùi thơm đặc trưng, cùng vị chua ngọt, thanh thanh,có thể ăn tươi hoặc làm gia vị trong các món nướng như vịt quay, lợn sữa quay, thịt nướng,...
Vỏ quả mắc mật có tinh dầu tỏa ra rất thơm, thứ quả dại này từ lâu đã được người dân vùng núi phía Bắc dùng làm gia vị trong các món ăn
Nhìn bề ngoài, quả mắc mật giống với hồng bì nhưng nhỏ hơn nên có nhiều người gọi mắc mật là hồng bì núi. Quả mắc mật được người dân Lạng Sơn ví như loại gia vị vạn năng vì có thể kết hợp với nhiều món ăn. Ngoài quả tươi, nhiều người còn mua quả mắc mật khô để ăn dần trong năm, kho cá hay nghiền nhỏ làm gia vị vẫn giữ được mùi vị như quả tươi.
Trên chợ mạng, quả mắc mật tươi được bán với giá 70.000 đồng/kg, mắc mật khô có giá lên tới 250.000 đồng/kg. Người dân ở Lạng Sơn tiết lộ mắc mật khô có nhiều loại, muốn biết hàng xịn hay không chỉ việc tách đôi quả khô đó, xé lớp vỏ ra thì thấy được có một độ keo nhất định vẫn còn nằm trong quả. Nếm thử có chút vị ngọt, chua chua và tê tê đầu lưỡi, đó là mắc mật ngon, đi kèm nó sẽ là vị thơm đặc trưng.
Bán mắc mật nhiều năm nay, chị Hoàng Dương cho biết: "Quê mình ở Lạng Sơn nên năm nào cũng có nguồn hàng đảm bảo và đủ số lượng cho cả khách sỉ lẫn khách lẻ. Ngoài bán trên chợ mạng, mình còn nhập hàng cho các nhà hàng, quán ăn để họ làm gia vị cho các món nướng. Mình làm cả măng tươi muối cùng thứ quả này để bán cho khách. Măng muối mắc mật có vị thơm ngon hơn nên khách sẽ đặt mua với số lượng nhiều hơn những mùa khác".
Chị Dương chia sẻ, cây mắc mật trồng từ 4-5 năm đã cho quả. Có những cây tuổi thọ từ 25 đến 30 năm cho năng suất cao, mỗi cây trung bình cho tới từ 40 đến 60kg quả/năm. Cây trồng lâu năm cho quả thơm hơn hẳn.
Là người chuộng quả mắc mật nên năm nào anh Phương (ở Hà Nội) cũng mua vài cân về bảo quản trong tủ đá để dùng dần. "Nhà mình thích ăn cả lá và quả mắc mật. Năm ngoái thấy chợ mạng rao bán quả mắc mật tươi, mình mua luôn 7 cân về chia ra, một ít bỏ tủ lạnh để ăn trực tiếp còn lại mang đi sấy khô. Mắc mật khô mình cũng giữ một ít để ăn, còn đâu nghiền thành bột dùng tẩm ướp các món chiên xào", anh Phương nói.
Không chỉ ở thị trường Hà Nội, trái mắc mật còn được người dân Lạng Sơn gửi đi các tỉnh thành như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương... bằng xe khách.