Loại chuối này có tên rất lạ, người dân địa phương cho biết mỗi cây chuối sống đơn độc, không mọc ra cây con như chuối thông thường.
Mỗi vùng miền ở Việt Nam có một loại chuối đặc trưng, mang hương vị và đặc điểm khác biệt. Tại Ninh Thuận, loài chuối có tên cô đơn khiến ai nghe cũng thấy tò mò.
Người dân ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết từ xưa nơi đây đã truyền tai nhau về sự tích của giống chuối này. Theo đó, có đôi trẻ yêu thương nhau, nhưng trước ngày đám cưới, chàng trai mắc bệnh lạ nên cha mẹ cô gái bắt từ hôn. Đau khổ vì không thể thuyết phục được cha mẹ đôi bên nên chàng trai và cô gái quyết định bỏ trốn lên rừng sinh sống. Một ngày kia, cô tìm được đường xuống chân vực thì bất ngờ phát hiện thi thể của người yêu mình. Quá đau buồn khi người yêu không còn trên cõi đời, sau khi sinh con, người con gái cũng kiệt sức mà chết rồi hóa thành một cây chuối kỳ lạ, hoa chuối màu xanh cốm mọc giữa rừng, dân làng đặt tên là chuối cô đơn.
Gọi là chuối cô đơn bởi mỗi cây sống đơn độc từ khi nảy mầm cho đến khi chết, không mọc cây con như chuối thông thường.
Loài chuối này chỉ mọc một cây, sau khi ra buồng và trái chín, thân cây sẽ chết, nhưng không nảy cây con bên dưới gốc như các loài chuối khác. Chuối cô đơn nảy mầm bằng hạt, hạt khô rơi xuống gặp vùng đất ẩm sẽ mọc lên thành những cây con.
Anh Bình (ở xã Phước Bình) cho biết hoa chuối có màu xanh cốm rất đẹp, nở to ra như một đóa hoa sen. Mỗi cây chỉ cho một buồng từ 6-10 nải, quả tròn trịa nằm khít vào nhau. Khi chín, ruột chuyển sang màu vàng cam khá ngọt, và có nhiều hạt đen phía trong. Từ khi cây nảy mầm đến khi thu hoạch mất khoảng 18 tháng.
Hoa chuối có màu xanh cốm, nở ra như hoa sen
Quả chuối cô đơn có kích thước khá lớn, gấp đôi quả chuối hột
"Trước đây, cây chuối cô đơn mọc hoàn toàn tự nhiên, ở trong rừng, xanh tốt quanh năm. Đến mùa người dân vào rừng hái về để ăn, hoặc lấy hạt phơi khô để ngâm rượu, chữa bệnh. Những năm gần đây, công dụng của hạt chuối cô đơn được truyền tai đi khắp nơi. Các bộ phận trên cây chuối đều có tác dụng chữa bệnh. Thân lá, củ dùng điều trị tiểu đường, hạt, quả dùng để điều trị bệnh sỏi thận. Vì thế, chúng được nhiều người biết tới", anh Bình chia sẻ.
Theo đó, người đi rừng tìm kiếm, chặt bỏ vào gùi đưa về nhà, tách vỏ phơi khô, hoặc mang ra suối dùng con dao nhọn tách hết lớp cơm màu trắng, sàng lấy hạt. Mỗi buồng chín tách được 2-2,5 kg hạt, buồng lớn có khi được 3 kg hạt. Hạt chuối cô đơn màu đen, to gần bằng ngón tay trỏ.
Hạt chuối phơi khô để sắc uống hoặc ngâm rượu, tốt cho sức khỏe
Tại các chợ địa phương, hạt chuối cô đơn được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Còn trên chợ mạng, nhiều địa chỉ rao bán với giá 100.000-120.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Hạt dùng để sắc nước uống, hoặc ngâm rượu. Nhiều người dân vẫn lưu truyền phương pháp dùng hạt chuối cô đơn khô bỏ lên chảo rang vàng rồi hạ thổ, sau đó ngâm với rượu gạo 3 tháng 10 ngày để cho ra loại rượu quý dùng để đãi khách. Bắp hoa chuối dùng bóp gỏi, nấu canh, lẩu hoặc luộc… và là một trong những đặc sản nổi tiếng ở Phước Bình.