Loại rau đặc sản xưa mọc dại đầy không ai hái, lên phố thị 90.000đồng/kg chị em tranh nhau mua

H.A - Ngày 17/12/2021 21:30 PM (GMT+7)

Cây ngải dại xuất hiện rất nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Loại cây này có hình dáng giống với cây ngải cứu nhưng lá thường to hơn, bà con chế biến thành các món ăn vừa ngon vừa lạ miệng.

Ngải dại có tên khác là ngải hoang, mẫu hao, cùng loài với ngải cứu nhưng là thứ khác, tên khoa học là Artemisia vulgaris L. var. indica (Willd.) DC., thuộc họ Cúc. Lý do loại cây này được đặt tên là ngải dại bởi nó có hình dáng khá giống ngải cứu, chỉ khác là mặt trên lá màu lục nhạt, mặt dưới ít lông, lông không có màu trắng mà xám nhạt. 

Loại rau đặc sản xưa mọc dại đầy không ai hái, lên phố thị 90.000đồng/kg chị em tranh nhau mua - 1

Cây ngải dại có hình dáng rất giống cây ngải cứu.

Cây ngải dại có hình dáng rất giống cây ngải cứu.

Ngải dại là cây thân thảo, thân phân nhánh gần gốc, mọc thẳng đứng, có thể cao tới 1m, thân xù xì. Toàn thân cây đều có phủ lớp lông trắng nhạt, tập trung nhiều ở ngọn và lá non. Lá đơn mọc cách quanh thân, phiến lá có hình thuôn dài, xẻ thùy nông. Để phân biệt ngải dại với cây ngải cứu, có thể thông qua đặc điểm về mùi của chúng. Mùi vị của loại cây này hơi hắc chứ không có mùi thơm đặc trưng như ngải cứu.

Ngải dại thường mọc hoang thành đám trên đất ẩm ở ven đường đi, ven rừng, trên nương rẫy gần bờ khe suối. Những tỉnh có nhiều ngải dại là Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu với trữ lượng rất lớn. Tại đây, bà con lâu đời đã biết sử dụng loại rau dại này như một thực phẩm hằng ngày trong bữa ăn. 

Hoa của cây ngải dại.

Hoa của cây ngải dại.

Ngọn và lá non có mùi vị không quá nồng, ăn rất lạ miệng với vị đắng nhẹ. Sau khi thu hái, lá đem vò kỹ rửa sạch cho hết bọt, chần qua bằng nước sôi sau đó nắm kiệt nước, phần thu được có thể xào hoặc nấu canh với tôm tép, mắm cua… Một số nơi còn dùng lá ngải dại để thay thế lá ngải cứu làm món bánh ngải nổi tiếng Sơn La để cho mùi vị thơm đặc trưng hơn. Tuy nhiên, không được sử dụng lá ngải dại chưa nấu chín vì có khả năng nhiễm độc cao.

“Cây ngải dại thường được xem là cỏ dại. Thi thoảng cây mọc nhiều, nhà tôi hái về làm một bữa rau ngải nấu canh tôm vừa thơm vừa mát…”, ông Minh Huy (Lạng Sơn) chia sẻ về bụi rau ngải dại mọc đầy vườn nhà. Ăn canh ngải dại không chỉ lạ miệng, đổi vị cho bữa ăn mà còn rất tốt cho sức khoẻ vì nhiều công dụng của nó trong điều trị bệnh.

Ngoài ra, ông Huy còn cho biết, nhiều người thấy món rau ngải dại lạ lùng này đã ngỏ ý muốn lấy số lượng lớn để bán. “Rau ngải dại được xem là thực phẩm “siêu sạch” do mọc tự nhiên, không có phân bón, thuốc trừ sâu và là bài thuốc tốt cho sức khỏe. Vì vậy, ngày càng có nhiều thực khách đặt mua rau này về ăn”, ông Huy chia sẻ thêm. Do số lượng có hạn cùng với nhu cầu được thưởng thức rau ngon và sạch ngày càng tăng, ngải dại là một trong số những loại rau rừng trở thành đặc sản, có giá khá cao nhưng vẫn được nhiều người tìm kiếm.

Loại rau đặc sản xưa mọc dại đầy không ai hái, lên phố thị 90.000đồng/kg chị em tranh nhau mua - 4

Ngải dại mọc dại khắp vườn nhà và được người dân sử dụng làm các món ăn.

Ngải dại mọc dại khắp vườn nhà và được người dân sử dụng làm các món ăn.

Canh ngải dại nấu tôm

Canh ngải dại nấu tôm

Theo đó, tìm đến một tài khoản Facebook chuyên kinh doanh các đặc sản Lạng Sơn, chị Yến Vy (Hà Nội) cho biết rau ngải dại rất đắt khách, nếu có hàng chị Vy bán từ 5 - 7kg mỗi ngày với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. So với rau ngải cứu, ngải dại đắt hơn rất nhiều nhưng vẫn được khách hàng tin tưởng. Ngoài ra, trên sàn thương mại điện tử còn có loại rau ngải dại sấy khô được dùng để làm thuốc, giá 90.000 đồng/kg.

Loại rau đặc sản xưa mọc dại đầy không ai hái, lên phố thị 90.000đồng/kg chị em tranh nhau mua - 7

Không chỉ là một loại rau dại được ưa chuộng trong những bữa cơm nhà dân dã, rau ngải dại từ lâu đã được dùng làm thuốc để chữa các bệnh như đau đầu, đau bụng, chảy máu, rối loạn kinh nguyệt. Một số cơ sở dược phẩm ở các tỉnh có nhiều dược liệu này cũng khai thác thu mua ngải dại thay ngải cứu để sản xuất thuốc điều kinh và xuất khẩu. Một số nghiên cứu tại Ấn Độ chỉ ra rằng, phần lớn hoạt chất chứa trong cây ngải dại đều là tinh dầu. Chúng đóng vai trò như một chất kháng nấm, kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên.

Loại cây dại xưa không ai hái, giờ thành đặc sản 100.000đồng/kg được săn lùng, có tiền cũng khó mua
Rau dền gai là thứ rau vô cùng quen thuộc với nhà nông vì mọc dại khắp các luống rau như cỏ dai. Giờ đây, nó trở thành thứ rau đắt đỏ được nhiều người...

Đặc sản 4 phương

H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương