Lời gièm pha "đàn ông mà loè loẹt như đàn bà" và nỗi niềm của nghề "cô bóng"

Ngày 24/11/2019 00:09 AM (GMT+7)

Bôi son, trát phấn, vận chiếc áo dài sặc sỡ, cô bóng Hùng vừa “xoay” trên tay chiếc quạt lông công vừa cất tiếng hát bài rỗi, lúc sau lại dùng đầu chất chồng ghế cao vút, di chuyển theo điệu múa…

Múa bóng rỗi còn được gọi là múa bóng hoặc bóng rỗi, là một loại hình nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo của người Nam bộ. Loại hình này có từ thời khẩn hoang, lập ấp, theo dấu chân của các tiền nhân trong công cuộc Nam tiến cách đây hơn 300 năm. Múa bóng rỗi thường gắn với các dịp cúng bà (bà Chúa Xứ, bà Hỏa, Ngũ Hành nương nương…). Đặc biệt, ở một số ngôi đình Nam bộ, nhất là những ngôi đình có miễu bà Chúa Xứ thì múa bóng rỗi diễn ra hàng năm, thu hút đông đảo người dân từ các nơi đến tham dự.

Nỗi niềm cô bóng

Đến nhà nghệ nhân múa bóng rỗi Lê Minh Hùng (60 tuổi) ở TP Tân An (tỉnh Long An) khi ông đang tỉ mỉ cắt tạo hình từng mảnh giấy nhỏ xíu để trang trí mâm vàng, mâm bạc cho buổi diễn sắp tới. Dáng người cao ráo, bước đi nhẹ nhàng, ông cười vui vẻ: “Lúc diễn bóng rỗi, mình hóa trang thành nữ nên bước đi phải uyển chuyển, chứ cứng khừ ai coi. Riết thành quen”.

17 tuổi, “cô bóng” Hùng bắt đầu vào nghề bóng rỗi. Hồi đó ở miếu bà Thiên Hậu gần nhà ông có các “bà bóng” đến múa và đọc những câu văn cầu an, cầu phúc. Thấy hay hay nên ông lân la tìm hiểu rồi mê lúc nào không biết. Có năng khiếu múa cùng với sự chịu khó học hỏi, Hùng nhanh chóng thạo nghề.

Lời gièm pha amp;#34;đàn ông mà loè loẹt như đàn bàamp;#34; và nỗi niềm của nghề amp;#34;cô bóngamp;#34; - 1

Nghệ nhân múa bóng rỗi chông chênh đeo đuổi nghề

Biết bao lời dị nghị, gièm pha: “đàn ông mà ăn mặc lòe loẹt, múa may như đàn bà; đồng bóng…” mà cậu con trai mới lớn phải đối mặt. Gia đình cũng không ủng hộ. “Ba má và anh chị không cho tôi theo nghề vì không muốn con trai trở thành “bà bóng”.

Họ “oánh” dữ lắm! Tôi được giao giữ cháu nhỏ để vướng bận tay chân, đặng không đi diễn được. Nhưng hễ ở đâu mời múa bóng rỗi là tôi ẵm đứa cháu trốn nhà đi tham gia. Có lần bị phát hiện, tôi bị treo lên giữa nhà đánh một trận tưởng chết. Thấy tôi “thà chết chứ không bỏ nghề”, gia đình từ mặt. Dù rất buồn nhưng tôi nghĩ, rồi mọi người sẽ hiểu. Mới đó mà tôi đã múa bóng rỗi ngót nghét gần 45 năm”, cô bóng Hùng trải lòng.

Lời gièm pha amp;#34;đàn ông mà loè loẹt như đàn bàamp;#34; và nỗi niềm của nghề amp;#34;cô bóngamp;#34; - 2

Cô bóng Lê Minh Hùng diễn một tiết mục múa bóng rỗi

Tiếng bọn trẻ con hét lên “bà bóng kìa!”, những ánh mắt kỳ thị, xì xào bảo “nhỏ đó bóng, bê-đê, chuyển giới…” mỗi khi cô bóng Phi Phi (30 tuổi, ngụ Q.8) đi qua. Mới đầu còn xấu hổ, ngượng ngùng. Về sau cũng quen dẫu cũng có chút chạnh lòng.

Dặm lại phấn trên gương mặt đẫm mồ hôi, nghệ nhân bóng rỗi Phi Phi bảo quê Cần Thơ. Do chịu không nổi dư luận, cái thở dài mỗi đêm của tía má nên cậu bỏ xứ lên Sài Gòn. “Nghề nó chọn mình. Nhiều lần tôi bỏ nghề, đi phụ bán trái cây, bưng bê quán nước. Vậy mà, hễ nghe tiếng kèn, tiếng trống nổi lên, máu nghề cứ rần rần lên mặt. Cuối cùng cũng bỏ hết để trở về cái nghề múa bóng rỗi. Đi múa, tất cả vì một chữ duyên mình gieo nên chứ không hẳn là vì mưu sinh”, Phi Phi ngấn lệ.

Vượt qua giới hạn bản thân để theo đuổi nghiệp bóng rỗi, chàng trai trẻ có nghệ danh Phương Linh (26 tuổi) làm nghề được gần 3 năm qua nói mà như tự an ủi mình: "Nghề này bạc bẽo lắm. Vui thì họ xem, buồn thì họ lờ đi hoặc cười nhạo. Nghệ nhân hát rỗi chúng tôi luôn hiểu rằng nghề của mình không ai công nhận mà cũng không ai phản đối, cứ lẳng lặng ngày qua ngày. Đã theo nghề là phải thật đam mê, cho nên dù có bạc bẽo thế nào chăng nữa chúng tôi vẫn tôn trọng cái nghề đã chọn. Nếu như được chọn lựa lại một lần nữa, có lẽ tôi vẫn chọn múa bóng rỗi mà thôi".

Gian nan bám nghề

Múa bóng rỗi - loại hình nghệ thuật dân gian, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền miếu Nam Bộ. Dù là nghi lễ thờ cúng, múa bóng rỗi vẫn có sức hút lạ kỳ với công chúng nhờ sự hòa quyện giữa tiếng trống, tiếng song lang, tiếng đờn và giọng hát rỗi điêu luyện của các cô bóng. Múa bóng đòi hỏi quá trình luyện tập công phu và sự khéo léo, linh hoạt của người biểu diễn. Nhìn những cô bóng lắc lư uyển chuyển theo tiếng nhạc, dùng đầu, trán, lưng… điều khiển mâm vàng, lông công, cành bông huệ, múa dao, múa xoay đĩa, rót rượu bằng đầu… Có người nghĩ: “Nhờ Bà đỡ mới không rớt”.

Dạy múa bóng rối là truyền nghề kiểu “cầm tay chỉ việc”, chưa được ghi chép, hệ thống thành bài bản. Muốn học nghề, đòi hỏi người múa phải có năng khiếu, đặc biệt tổng hợp về ca, diễn và múa. Người thực hiện phải có sức khỏe, khéo léo, dẻo dai, nhạy bén trong cảm âm và có chất giọng tốt. Chính vì vậy mà “cô bóng” thường là nam nhiều hơn nữ.

Lời gièm pha amp;#34;đàn ông mà loè loẹt như đàn bàamp;#34; và nỗi niềm của nghề amp;#34;cô bóngamp;#34; - 3

Trang điểm trước khi múa

“Cúng bái thì cũng phải có nghi thức, cách thức đàng hoàng hẳn hoi chứ không phải muốn múa hát gì cũng được. Phải theo đúng phong tục, bài bản, hát phải có vần có điệu thì người ta mới thích. Làm nghề phải có cái tâm mới được, phải từng ngày học hỏi, nâng cao thì mới sống bền với nghề”, cô bóng Ba Thanh cho biết.

Có tận mắt theo dõi người múa bóng rỗi biểu diễn mới thật sự cảm nhận hết tâm huyết với nghề của họ. Những giọt mồ hôi thấm áo, giọng nói có thể khàn đi vì phải hát mấy tiếng đồng hồ. Cũng trang điểm phấn son, cũng quần áo lộng lẫy, sặc sỡ nhưng người múa bóng rỗi không phải như một nghệ sĩ được ủng hộ bằng nhiều tiếng vỗ tay của khán giả, hay được hát dưới ánh đèn sân khấu, được tung hô ngưỡng mộ. Họ chỉ là những “cô bóng” đúng nghĩa ca hát, múa may dưới khói nhang, đèn và hoa quả mà thôi.

Nguyễn Hữu Lợi, nghệ danh Ngọc Lợi (23 tuổi), là một trong những học trò của nghệ nhân Lê Minh Hùng kể, chỉ một lần đi xem thầy múa bóng là “mê” và theo học luôn. Lúc mới học rất khó, ban đầu thầy chỉ cho tập giữ thăng bằng bằng cây huệ, sau đó là múa dao. Từ 2 dao, sau lên 4, rồi 6 con dao, để thăng bằng trên đầu cây trúc... Lúc đầu cũng sợ nhưng vì đam mê nên Lợi quyết tâm theo.

Lời gièm pha amp;#34;đàn ông mà loè loẹt như đàn bàamp;#34; và nỗi niềm của nghề amp;#34;cô bóngamp;#34; - 4

Chông chênh nghề "cô bóng"

Thời điểm múa bóng rỗi “sống được nhất” vào từ khoảng tháng Giêng cho đến tháng tư âm lịch. Người ta thường gọi đây là mùa giao xuân nên thường mời các “cô bóng, bà bóng” về cúng bái cầu an. “Cát-sê” một buổi cúng miễu khoảng 2 tiếng, tiền thu được chia tam chia tứ, mỗi người nhận từ 400.000-600.000 đồng. Ở những đình miễu nhỏ hoặc vùng xa, thù lao tối đa chỉ 200.000 đồng. Mùa cao điểm, nhiều nhất mỗi nhóm cũng chỉ dám nhận 2 buổi cúng lễ/ngày. Thu nhập không đủ sống, mà học nghề lại đòi hỏi nhiều công phu nên nhiều người trẻ không mặn mà đeo bám.

Lo thất truyền

Đã có một giai đoạn vàng son, múa bóng rỗi rất được yêu thích và trọng thị, một ngày các cô bóng phải chạy tới chạy lui diễn 3-4 nơi từ miếu, đình cho đến diễn tại gia đáp ứng nhu cầu về tâm linh và giải trí của người dân. Nay, thời vàng son trôi vào dĩ vãng, múa bóng rỗi cũng hết đất dụng võ. Nếu không vào các dịp rằm, cúng cầu an hay các ngày lễ, các cô bóng phải làm thêm rất nhiều việc để mưu sinh. Nhiều nhất là họ nhận những buổi diễn mừng tân gia, mừng thọ, đám cưới và cả hát đám ma chay...

Theo nhiều nghệ nhân bóng rỗi, học nghề hát bóng rỗi không khó, kiên trì sẽ học được. Cái cốt yếu đến với nghề là phải giữ được hồn cốt của môn nghệ thuật này. Bởi ngày nay, có không ít cô bóng trẻ, mới vào nghề nhưng không gìn giữ được nguyên bản các giá trị truyền thống, lời văn chúc, họ đọc không đúng nhịp phách, không có ý nghĩa, cốt dùng tiếng nhạc và điệu ngân nga làm mất âm, qua chữ, không thể hiện được nội dung.

Lời gièm pha amp;#34;đàn ông mà loè loẹt như đàn bàamp;#34; và nỗi niềm của nghề amp;#34;cô bóngamp;#34; - 5

Đa số “cô bóng” đều là nam chứ ít khi có nữ

Bên cạnh đó, do các nhóm bóng rỗi gần như hoạt động ngoài luồng, tự phát, ít có cơ hội kiếm sống; một số bóng do thuộc giới tính thứ 3 bị xã hội kỳ thị, e dè dẫn đến ít người muốn theo nghề. Bởi vậy, nghệ thuật bóng rỗi đang đối diện với nguy cơ thất truyền.

Để lưu giữ được bộ môn nghệ thuật dân gian, nghệ nhân Lê Minh Hùng đi hát nhạc Tây, biểu diễn múa tạp kỹ trong các đám ma. Khi không có show đám ma hay đám múa bóng, ông phụ vợ và con gái bán ở sạp trứng trước nhà. Khó khăn là vậy nhưng hễ ai có nhu cầu học múa bóng rỗi là ông Hùng nhận dạy miễn phí, thậm chí “bao” luôn cơm nước. Tính đến nay, có hàng chục “cô bóng” thạo nghề từ sự chỉ dạy và giúp đỡ của ông Hùng.

“Tôi chẳng sợ lời gièm pha của thiên hạ, chỉ sợ mai này mình già yếu rồi, không còn được múa bóng rỗi nữa thì lấy ai mà tiếp nối bộ môn nghệ thuật dân gian này. Chính vì vậy bây giờ còn sức, còn cơ hội thì tôi sẵn sàng truyền nghề. Tôi không muốn bộ môn này dần mai một”, cô bóng Hùng bộc bạch .

Theo TS Mai Mỹ Duyên (Chi hội Văn nghệ dân gian tại ĐH Văn hóa TPHCM) cho rằng, các bà bóng có một câu châm ngôn: “Bà vui thì dân vui. Dân vui thì bà vui”. Với ý nghĩa đó, múa bóng rỗi là một tục thờ cúng tốt đẹp, đồng thời cũng là một nghệ thuật diễn xướng đặc sắc. Tiếc rằng, khi hầu đồng ở miền Bắc đã được công nhận ở tầm quốc tế thì múa bóng rỗi vẫn chưa được quan tâm nhiều.

2 lần chồng bỏ đi cưới vợ và câu chuyện đẫm nước mắt của cô gái chuyển giới
"Khát khao làm phụ nữ trong tôi lớn đến nỗi tôi chấp nhận tất cả mọi thứ để được làm đàn bà, dù là một người đàn bà xấu..", Cát Thy nói trong nước...
Uyên Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật