Hai cô gái đã quyết “đổi phận làm trai” để trở về với chính mình nhưng họ phải trải qua một “hành lộ nan” với nhiều nỗi đau và hệ lụy khó lường bởi Việt Nam chưa có luật về chuyển giới…
Chịu đau đớn và nguy hiểm để “đổi phận làm trai”. Tôi bấm điện thoại gọi cho cô gái có tên Đỗ Ngọc Minh Châu, nhưng lại nghe phía bên kia giọng của một chàng trai mới lớn. Tôi biết mình không nhầm số, bởi Minh Châu đang trên hành trình “cãi” lại ông trời, để chuyển giới từ nữ sang nam và ngay cả chất giọng nữ vốn thỏ thẻ giờ cũng đã biến thành trầm ấm đầy chất đàn ông.
Tôi vào quán café như đã hẹn với Châu, bỗng hoang mang khi ngồi trước mặt mình là một thanh niên đẹp trai, tóc ngắn, dáng vẻ vạm vỡ trong bộ đồ đầy chất phủi bụi. Đó là Đỗ Ngọc Minh Châu – 24 tuổi quê ở tỉnh Phú Thọ, chứng minh nhân dân và giấy khai sinh ghi rõ giới tính nữ, nhưng tôi chẳng hề thấy biểu hiện “liễu yếu đào tơ” nào cả. Để có ngoại hình đó là cả một quá trình “lột xác” đầy đau đớn.
Châu tâm sự với tôi bằng chất giọng đang vỡ ra: “Năm cấp 3, em đã mơ hồ về giới tính của mình. Lúc ấy em đang là một nữ sinh nhưng cảm giác đó chỉ là cái vẻ bên ngoài, còn tính cách, sở thích và cả tâm hồn của mình đều thuộc giới tính nam. Em dấu kín điều này và thử yêu một bạn trai nhưng không có cảm xúc. Điều đó làm em càng thêm nghi ngờ giới tính của mình, càng ngày em càng tin mình là đàn ông trong vẻ ngoài của một cô gái”.Tốt nghiệp cấp 3, Châu xuống Hà Nội học Đại học Nội vụ và quyết định cho mình một cơ hội khi quyết định bày tỏ tình cảm với cô gái cùng lớp. Cô gái ấy từ chỗ rất quý Châu bỗng quay ra ghét bỏ. Sang năm thứ 2 đại học, Châu yêu một cô gái Hải Phòng, cuộc tình kéo dài hơn hai năm thì người yêu đột ngột đi lấy chồng Hàn Quốc.
Châu ngày càng cảm thấy thấy cô đơn, lạc loài trong thể xác của một cô gái, nhưng luôn khao khát được sống thật với chính mình: Làm một người đàn ông đúng nghĩa. Châu quyết định cắt mái tóc dài, thay đổi cách ăn mặc khiến ngày đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm và các bạn sốc cứ ngỡ như có một nam sinh viên nào vào nhầm lớp. Mẹ thấy Châu biến đổi quá nhanh, nghĩ con mình ảo giác vì thuốc lắc. “Mình có nên chuyển giới để trở thành một người đàn ông không?”, câu hỏi đó dày vò Châu suốt hai năm trời.
Sau hai năm, Châu quyết định chuyển giới, mặc cho gia đình phản đối quyết liệt. Đó là quyết định như đánh bạc với số phận, bởi vì chuyển giới từ nữ sang nam chỉ có cách tiêm hormone vào cơ thể nhưng đều phải thực hiện “trong bóng tối” và không có gì đảm bảo cho cho sức khỏe lẫn tính mạng.
Ở Việt Nam, vấn đề dùng hormone để thay đổi giới tính nói riêng và chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới chưa được pháp luật thừa nhận. Tìm hiểu trong cộng đồng LGBT (đồng tính nữ - Lesbian, đồng tính nam - Gay, song tính - Bisexual, chuyển giới – Transgender), Châu được biết có người chuyên bán Hormone xách tay từ Thái Lan về bán. Hormone trên thị trường cũng thật giả lẫn lộn, lỡ tiêm vào hàng giả có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng một khi hormone chuyển giới ở Việt Nam đang bị cấm, chất lượng của loại thuốc chưa được kiểm định, kiểm soát và có cơ quan nào chịu trách nhiệm thì những người như Châu đành “nhắm mắt đưa chân”. Châu “liều” nhờ một y tá tiêm hocmone. Đó là ngày 16.8.2017, một ngày Châu bắt đầu hành trình đau đớn “cãi” lại ông trời để trở về với chính mình.
Khi mũi kim tiêm đâm vào da thịt đau nhói, Châu nhắm mắt hồi hộp chờ đợi điều gì sẽ đến với mình. Nếu chẳng may tiêm phải hormone dởm có thể trả giá bằng chính mạng sống. Liều hormone làm Châu choáng váng, lên cơn sốt rét, nằm li bì ở nhà trọ mà không có ai bên cạnh. Hành trình “lột xác” đầy vật vã và cô đơn ấy cứ kéo dài mãi. Ba tuần một lần, Châu lại tiêm một mũi hormone. Đến mũi thứ 5, giọng nói Châu bắt đầu thay đổi, như trẻ con bị vỡ giọng. Mũi thứ 6, thứ 7, lông chân, lông tay mọc lên, cơ bắp bắt đầu phát triển. Mũi thứ 10, Đỗ Ngọc Minh Châu hết hành kinh.
Lan Hương trước khi chuyển giới
Chàng trai ngồi trước mặt tôi trong áo khoác đen lịch lãm, nụ cười đầy nam tính, chẳng ai ngờ cách đây chưa lâu còn là một cô gái với tên khai sinh Nguyễn Lan Hương sinh ra lớn lên ở Hà Nội. Lan Hương cũng đã trải qua hành trình chuyển giới đầy vật vã. Năm học cấp 3, em bắt đầu tự hỏi mình là ai, em ghét bản thân mình, vì chẳng thấy mình không giống ai. Em phát hiện thấy mình là con trai trong cơ thể của nữ giới. Lan Hương đã mất hai năm để suy nghĩ xem có cần chuyển đổi giới tính hay không? Ngày nào cũng đối diện với câu hỏi đó. Khao khát được trở về với giới tính thật của mình đã khiến Hương quyết định tìm hormone . Hương mua hormone nhập lậu của một bạn ở Hà Nội và tìm người tiêm hộ. Y tá hộ lý không dám tiêm vì họ không biết nguồn gốc của thuốc.
Lan Hương sau khi chuyển giới và đổi tên thành Hưng
Một người có chuyên môn về ngành y tiêm nhận lời tiêm giúp và dĩ nhiên họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu có điều gì không hay xẩy ra. Mũi tiêm đầu tiên làm Hương choáng váng. Cứ thế, 3 tuần một lần tiêm, Hương bắt đầu cảm nhận có những sự thay đổi lớn bên trong cơ thể mình như mặt to ra, cơ bắp dày hơn, quần áo mặc không vừa nữa…
Giờ đây, Nguyễn Lan Hương đã mang ngoài hình của một thanh niên đẹp trai và đổi tên thành Hưng và sẽ phải tiêm hormone đến hết đời. Xung quanh Hưng nhiều người chuyển giới đang gặp rất nhiều vấn đề khi tiêm hormone. Có người bị hỏng gan, hỏng thận, có người bị liệt vì tiêm vào tĩnh mạch. Có người tiêm phải thuốc dởm và qua đời. Có người đang tiêm hormone thì dừng lại hoặc 3 tháng mới tiêm một lần vì không có tiền mua thuốc. Có trường hợp bị sốc thuốc ngưng tim ngưng thở, có trường hợp bị áp-xe nặng phải uống kháng sinh điều trị. Trường hợp bị phun máu xảy ra rất nhiều tại điểm tiêm.
Gặp nhiều rào cản, chưa được quan tâm đúng mức
Bác sĩ Trần Thế Trung – chuyên gia về nội tiết nhận định vấn đề sử dụng hoóc môn tiêm vào cơ thể để chuyển giới được bán trên mạng hoặc “hàng xách tay từ Thái Lan” trong cộng đồng LGBT hiện nay cần được quan tâm đúng mức.
Rất nhiều người đã bỏ qua nhưng cảnh báo về sức khỏe vì sự mong muốn chuyển đổi giới tính quá lớn, lớn hơn cả việc nghĩ đến tác hại lâu dài. Việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chỉ định, không được bác sĩ theo dõi, không đúng liều lượng có thể gây ra những nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Năm 2015, cộng đồng người chuyển giới đã lên tiếng để quyền của người chuyển giới được thừa nhận trong bộ Luật Dân sự.
Bộ luật Dân sự 2015 đã nhắc đến quyền được xác định lại danh tính, thay đổi họ tên, giới tính “ theo luật định” và đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay, theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 300.000 - 500.000 người chuyển giới. Tuy nhiên, nước ta chưa có cơ chế pháp lý để công nhận chuyển đổi giới tính. Trong khi đó, trên thế giới đã có 71 quốc gia ban hành luật này. Hệ lụy là nhiều người chuyển giới thường tự mua Hormone qua đường xách tay, qua mạng Internet, liều dùng do họ tự ấn định …Đó là sự thiệt thòi lớn đối với cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam.
Vì vậy, việc ban hành luật Chuyển đổi giới tính thực sự rất quan trọng. Năm 2016 Chính phủ đã phân công Bộ Y tế soạn thảo dự luật tuy nhiên đến nay sau 3 năm vẫn chưa được trình lên Quốc hội. Bộ Y tế đã hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ thủ tục theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đưa dự thảo dự Luật Chuyển đổi giới tính trình Quốc hội. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, Bộ cũng đang trình lên Quốc hội 4 dự luật khác, nên Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vẫn còn đang trong giai đoạn “xếp hàng”.