Bệnh viện Phụ sản trung ương sắp đón hơn 50 trẻ được sinh ra từ phương pháp mang thai hộ
Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực vừa tròn 1 năm đã gỡ bỏ rào cản tâm lý rất lớn đối với những phụ nữ không thể mang thai, sinh con theo cách bình thường. Hàng chục cặp vợ chồng đang đếm từng ngày chờ đứa con của mình chào đời.
“Mượn bụng”
Chị T.T.M (35 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh) lấy chồng gần 5 năm nhưng bao ngày chờ đợi, trông ngóng, chị vẫn chẳng hoài thai. Sau nhiều lần đi khám, bác sĩ kết luận chị bị dị tật tử cung bẩm sinh, vẫn có 2 buồng trứng nhưng do không có tử cung nên thai thiếu chỗ làm “tổ”. Muốn có con, chỉ còn cách duy nhất là chị phải nhờ người khác mang thai hộ. Nhưng vào thời điểm ấy, đây là điều cấm kỵ ở Việt Nam.
Chăm sóc cho trẻ ra đời từ thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản trung ương
Ngày 1-1-2015, tin vui đến với gia đình chị M. cũng như các cặp vợ chồng hiếm muộn khác khi Luật Hôn nhân và Gia đình cho phép mang thai hộ và chị họ của chị M. đã đồng ý cho “mượn bụng”. Hai vợ chồng tìm đến Bệnh viện (BV) Phụ sản trung ương nộp hồ sơ đăng ký mang thai hộ. Đến nay, chị M. đã mang thai được 30 tuần, thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Gia đình chị T.K.A (36 tuổi, ngụ TP Hà Nội) từng đứng trước nguy cơ tan vỡ sau khi đứa con đầu lòng mất do tai biến sản khoa lúc sinh vào 6 năm trước. Dù phải cắt bỏ toàn bộ tử cung nhưng chị không đầu hàng số phận.
Khi pháp luật cho phép việc mang thai hộ, chị A. đã vận động người thân. Lúc đầu, chồng chị và gia đình dè dặt vì sợ những hệ lụy nhưng sau khi hiểu mang thai hộ chỉ là “nhờ bụng” người khác thì cả nhà đồng ý. Giờ đây, chị A. đang khấp khởi chờ đợi cặp song sinh 28 tuần do người em gái mang thai hộ.
“Lúc em gái tôi đi siêu âm, bác sĩ thông báo song thai và đã có tim thai, tôi bật khóc như một đứa trẻ. Em gái tôi cũng đã trải qua 2 lần sinh nở “mẹ tròn con vuông”. Việc cho phép mang thai hộ đã đem lại hạnh phúc thật sự cho những phụ nữ không có điều kiện sinh nở như tôi, giúp những phụ nữ kém mắn có được đứa con một cách hợp pháp” - chị A. xúc động.
Theo bác sĩ Hồ Sĩ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia (BV Phụ sản trung ương), BV này đã thực hiện hơn 50 ca mang thai hộ thành công trong số hơn 70 hồ sơ nộp đến BV. Ca mang thai hộ lớn nhất cũng đã 33 tuần tuổi. Dự kiến, đứa trẻ sẽ ra đời trong tháng 1-2016.
Bác sĩ Hùng tiết lộ trong những hồ sơ gửi tới có bệnh nhân bị cắt tử cung do khối u, do băng huyết; có những người bị chứng bệnh dị tật bẩm sinh không có tử cung hoặc thuộc dạng nhi hóa, phôi thai không phát triển được.
Việt Nam có thể làm chủ kỹ thuật
GS-TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản trung ương) - khẳng định các bác sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được kỹ thuật mang thai hộ. Từ đầu năm 2015, đã có 3 BV được phép thực hiện kỹ thuật này là BV Phụ sản trung ương, BV Đa khoa trung ương Huế và BV Từ Dũ (TP HCM).
Để được phép thực hiện phương pháp mang thai hộ, các cặp vợ chồng phải hoàn tất bộ hồ sơ gồm rất nhiều giấy tờ, chứng nhận để bảo đảm thủ tục về mặt pháp lý. Hội đồng chuyên môn và hội đồng khoa học kỹ thuật của BV sẽ kiểm tra để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có đúng chỉ định được thực hiện kỹ thuật này hay không, sau đó sẽ tư vấn những điều kiện được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.
Theo giới chuyên môn, về kỹ thuật, bào thai mang hộ là sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng của vợ chồng được mang trong tử cung của một người khác nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đứa bé sinh ra mang gien di truyền của bố mẹ chứ không phải của người mang thai hộ. “Có những phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo, dù được thông báo việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi nhưng vẫn mạo hiểm đánh cược sinh mạng để sinh con cho bằng được. Những trường hợp này, nếu tìm được người mang thai hộ thì kết quả sẽ rất khả quan” - bác sĩ Hùng chia sẻ.
Dù đây là tin vui cho những cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng ngoài việc có điều kiện về kinh tế, các cặp vợ chồng phải đi qua một đoạn đường hết sức gian nan và khó khăn để hoàn tất thủ tục, giấy tờ. Theo đó, người mang thai hộ phải là người trong họ hàng và phải cùng hàng về quan hệ máu mủ như chị em ruột, chị em họ, không thể nhờ mẹ hay cô dì mang thai hộ. Ngoài ra, người mang thai hộ phải từng sinh con và có đủ điều kiện ổn định về sức khỏe, tâm lý. Mỗi cặp vợ chồng chỉ được nhờ mang thai hộ một lần. Người mang thai hộ cũng chỉ được thực hiện một lần.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết với những quy định hết sức chặt chẽ, khả năng mang thai hộ vì mục đích thương mại rất khó xảy ra. Tuy nhiên, cũng không loại trừ tình huống người mang thai hộ không muốn trao lại đứa trẻ hoặc vợ chồng nhờ mang thai hộ từ chối nhận con. Trong trường hợp này, có thể phải nhờ đến tòa án can thiệp.
Trường hợp nào được nhờ mang thai hộ? Mang thai hộ là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với mục đích nhân đạo, áp dụng cho các cặp vợ chồng chưa có con chung, người vợ không thể mang thai, sinh nở do các bệnh lý (tim, thận, gan, phổi) và bệnh lý sản phụ khoa, như: không có tử cung, phải cắt bỏ tử cung, sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần nhưng chuyển phôi thất bại... Còn những trường hợp hiếm muộn bởi các nguyên nhân khác như người vợ không có trứng hoặc tinh trùng của chồng có vấn đề thì đi xin trứng hoặc tinh trùng... đều không nằm trong các nhóm đối tượng được phép mang thai hộ. |