Căn cứ vào các dấu hiệu của vật thể lạ và hướng gió, các lực lượng sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm về phía Tây đảo Thổ Chu.
Tiếp tục cập nhật...
5h55 ngày 10/3
Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết: Sáng nay (10/3), sẽ cho thủy phi cơ DHC6 bay ra khu vực nghi có cửa thoát hiểm máy bay, đồng thời triển khai sở chỉ huy ở đảo Phú Quốc để tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn chiếc máy bay mất tích.
Phía Việt Nam cũng đang xem xét cấp phép cho 2 tàu của Trung Quốc và 1 tàu của Mỹ tham gia công tác tìm kiếm. Căn cứ vào các dấu hiệu của vật thể lạ và hướng gió, các lực lượng sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm về phía Tây đảo Thổ Chu.
Các tàu chuyên dụng của vùng 5 Hải quân cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, chờ lệnh lên đường đi cứu hộ.
23h35 ngày 9/3
Một quan chức Mỹ tham gia vào chiến dịch tìm kiếm cứu nạn đã xác nhận với CNN rằng, vật thể lạ trông giống cửa thoát hiểm trôi nổi trên biển không phải là một mảnh vỡ từ chiếc máy bay bị nạn.
23h5 ngày 9/3
Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngay khi nhận được thông tin cho rằng cửa thoát hiểm máy bay rơi ở khu vực, đơn vị đã cử 1 tàu kiểm ngư số hiệu 774 và tàu cảnh sát biển 2003 tiếp cận địa điểm trên. Đến 22h55, hai tàu này đã tiếp cận được vị trí nghi có vật thể lạ. Tuy nhiên, do trời tối nên hai tàu chưa tìm được vật thể lạ trên.
22h50 ngày 9/3
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã liên hệ với tàu Hải Quân, Cảnh sát biển. Thông tin từ tàu Cảnh sát biển báo về, các lực lượng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm quanh khu vực nghi có vật thể lạ. Hiện tại, các tàu chưa tìm thấy vật được nghi là cửa thoát hiểm của máy bay.
Lúc 22h50, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vẫn đang cập nhập thông tin từ máy bay và tàu đang tiếp cận hiện trường
21h20 ngày 9/3:
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, khoảng 30 phút nữa, tàu cảnh sát biển gần nhất sẽ tới vị trí vật thể hình vuông rất giống với cửa thoát hiểm và xác định nó là vật thể gì. Trên biển sóng đánh ban đêm lớn nên vật thể chắc cũng di chuyển và khả năng tìm được ngay cũng là khó.
9h30 phút, Trung tướng Võ Văn Tuấn, (ảnh thứ 2 từ trái qua) Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thông tin về vật thể rơi. Ảnh: Đức Nguyễn
Trong cuộc họp chiều nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói, các lực lượng đang thực hiện giai đoạn 1, giai đoạn tìm kiếm cứu nạn, dù sự việc máy bay mất tích đã hơn một ngày nhưng các đơn vị tham gia không được quyền nghĩ là những người trên máy bay đã không còn nữa. Các lực lượng cứu hộ phải tiếp tục kiếm tìm và nếu cứu được người nào đó là trách nhiệm của các đơn vị tham gia tìm kiếm. Tiếp đó Việt Nam đang chuẩn bị giai đọan 2, giai đoạn điều tra vụ việc.
Khi phát hiện vật thể lạ, Việt Nam cũng đã thông báo cho Malaysia để họ phối hợp tìm kiếm.
18h30 ngày 9/3:
Sau nhiều giờ quần thảo trên biển, tàu bay DHC6 báo về đã tìm thấy một mảnh vỡ nghi là của máy bay ở tọa độ có vị trí 8 độ 47 phút 32 giây vĩ bắc, 103 độ 22 phút 26 giây độ kinh đông, cách đảo Thổ Chu 80 km. Nhưng do trời tối, việc trục vớt vật thể này chưa tiến hành được.
Chấm trắng được cho là mảnh composit văng ra từ tàu bay mất tích. Ảnh: Giaothongvantai.com.vn
17h00 ngày 9/3:
Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp với đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Cục hàng không cùng các bên liên quan để nghe báo cáo tình hình về việc máy bay Malaysia mất tích.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Quốc Phòng, Bộ Giao thông phải hỗ trợ tối đa các phương tiện máy bay, tàu tham gia cứu hộ cứu nạn. Những lực lượng tham gia cứu hộ phải luôn phiên nhau tìm kiếm 24/24h.
Đồng thời Phó thủ tướng cũng đồng ý với phương án của Bộ Giao thông đề xuất lập Sở chỉ huy ở đảo Phú Quốc với mục đích tập hợp thông tin và ra phương án nhanh nhất, tập trung tìm kiếm với hy vọng hành khách vẫn sống sót trong trường hợp máy bay rơi.
Đặc biệt, các đơn vị liên quan cũng phải chuẩn bị các phương án sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra là thấy chiếc máy bay rơi ở vị trí khả nghi. Phía Việt Nam cũng tạo điều kiện hết sức cho phía nước bạn tham gia vào việc cứu hộ cứu nạn.
16h15 ngày 9/3:
Hai máy bay của Không quân Việt Nam là Mi 17102 và Mi 17104 đã hạ cánh xuống sân bay Cà Mau. Ngay sau đó Đại tá Trần Văn Quang - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370 Không quân Việt Nam) thông tin: "Trong quá trình tìm kiếm có phát hiện một số vật thể lạ, tổ bay đã hạ độ bay để kiểm tra, nhưng xác định những vật thể lạ đó không phải của máy bay bị nạn”.
Máy bay vừa tìm kiếm cứu nạn trở về sân bay Cà Mau
Về việc phát hiện vết dầu loang, đại tá Quang khẳng định: “Do đây là khu vực Bãi cạn, có dòng chảy màu vàng cam, nên ở trên cao nhìn xuống thì giống vết dầu loang. Nhưng khi tổ bay hạ độ cao để kiểm tra thì xác định không phải vết dầu loang”.
Dự kiến, hai chiếc máy bay của Việt Nam sẽ được tiếp nhiên liệu, để thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn vào ngày 10/3.
15h50 ngày 9/3:
Máy bay của Hoa Kỳ tiếp tục một vật thể lạ tại vị trí 6 độ, 48' 27giây N-103 độ, 29' 21 E. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ quốc phòng tính đến 16h chiều nay đã có 21 máy bay và 39 tàu tham gia tìm kiếm.
15h30 ngày 9/3:
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, vị trí vật thể lạ được nghi là mảnh vỡ của máy bay nằm cách đảo Thổ Chu 100km.
Hiện tại các đơn vị đang điều tàu hải quân, cảnh sát biển ra khu vực xuất hiện vật thể lạ. Đăc biệt, một máy bay thủy phi cơ DHT6 được điều từ đảo Phú Quốc ra khu vực vật thể lạ.
Bên cạnh đó, một máy bay AN26, cũng từ TPHCM bay ra khu vực vật thể lạ, dự kiến khoảng 17h, máy bay sẽ tới địa điểm có vật thể lạ. Khoảng 18h, tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2003 sẽ tới vị trí.
15h ngày 9/3:
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, một máy bay C130 của Singapore đang tìm kiếm trên khu vực nghi máy bay rơi thì phát hiện một vật thể lạ ở tọa độ 103 độ 13 phút 30 giây độ Bắc, 8 độ 21 phút 36 giây Đông
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN, điều hai tàu SAR 413S, CSB 2003 chỉ đạo trực tiếp ra khu vực đó để xác minh thông tin.
14h20 ngày 9/3:
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, phía Việt Nam và Malaysia đã thống nhất để cho không quân của Malaysia mở rộng vùng tìm kiếm khoảng 50.000 km2 theo vết dầu loang, tại khu vực nghi máy bay mất tích.
Khu vực chấm đỏ là vết dầu loang, các máy bay, tàu đang tìm kiếm tại khu vực.
14h00 ngày 9/3:
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến thời điểm này, tổng các phương tiện tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia rơi là 17 máy bay, 35 tàu.
Trong đó Việt Nam có 5 máy bay, 7 tàu. Malaysia có 6 máy bay, 6 tàu. Mỹ: 1 máy bay, 2 tàu. Trung Quốc: 2 máy bay, 14 tàu. Philippines: 1 máy bay, 3 tàu. Singapore: 2 máy bay, 3 tàu.
Các đơn vị tham gia tìm kiếm cứu nạn đến khu vực chỉ định, sẽ tăng cường quan sát, phát hiệt vết dầu lạ, sẽ liên tục báo cáo 2h/lần.
Tại Trung Quốc:
Ngày 9/3, tại sân bay Bắc Kinh, thân nhân của những người có mặt trên chuyến bay MH370 vẫn đang rất lo lắng dõi theo mọi tin tức về số phận của chiếc máy bay này.
Tại khu vực chờ đợi dành riêng cho thân nhân những người gặp nạn được bố trí riêng tại khách sạn Lidu gần sân bay Bắc Kinh, bầu không khí vô cùng căng thẳng và nặng nề, và những người chờ đợi ở đây càng lúc càng tỏ ra giận dữ vì quá thiếu thông tin về số phận của những người thân yêu.
Một phụ nữ bật khóc khi tới sân bay Bắc Kinh
Người phụ nữ này bức xúc bỏ ra ngoài vì hãng hàng không không cung cấp cho họ thông tin gì
12h10 trưa nay: Sau gần 18 giờ sau khi đáp xuống sân bay Cà Mau để tiếp nhiên liệu, họp khẩn cấp (vào khoảng 16 giờ 30 phút chiều ngày 8-3) và sẵn sàng chờ lệnh, hai chiếc máy bay Mi 17102 và Mi 17104 của Không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917-Sư đoàn 370) đã cất cánh lên đường tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn máy bay Malaysia bị nạn tại hai điểm nghi vấn.
Đó là khu vực cách Bãi Cạn Cà Mau (Nhà giàn DK10) khoảng 50 km, cách Mũi Cà Mau khoảng 250 km, trên vùng biển phía Tây Nam và vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia.
2 máy bay của Không quân Việt Nam vừa cất cánh tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia gặp nạn.
11h45: Đoàn ủy viên quân sự của hai nước Singapore và Malaysia đã sang Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam để gặp gỡ, trao đổi thông tin tìm kiếm máy bay mất tích.
Trung Tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết, 8h50 máy bay của Việt Nam phát hiện vết dầu loang rộng 10km, dài 80km, ở phía tây Tây Nam,
Tuy nhiên theo nhận định vết dầu loang này là vết dầu loang phát hiện ngày hôm qua trôi dạt sang. Một đội thợ lặn của Việt Nam cũng được đưa lên tàu hải quân 858 để đến vị trí nghi máy bay rơi. Khi xác định được ví trị chính xác sẽ cho thợ lặn xuống tìm. Hiện tại đơn vị đang cử tàu có rada ngầm và tàu thợ lặn cơ động về vị trí nghi xuất hiện vết dầu ngày hôm qua để tìm kiếm.
Vết dầu loang phát hiện ngày hôm qua. (Ảnh trái) Vết dầu loang phát hiện lúc 8h50 phút sáng nay (Ảnh phải). Ảnh: Đức Nguyễn
Đoàn Ủy viên của Singapore và Malaysia sang cập nhập thông tin về vụ rơi máy bay. Ảnh: Đức Nguyễn
Thứ trưởg Tiêu chỉ vị trí vết dầu loang cho Đoàn Ủy viên của Singapore và Malaysia. Ảnh: Đức Nguyễn
Tại cuộc họp, thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết, hiện tại các đơn vị đang triển khai dựng một sở chỉ huy ở phía nam của đảo Phú Quốc. Ngày mai sẽ bắt đầu triển khai thực hiện, tạo điều kiện cho các phương tiện cứu hộ của các nước bạn đáp xuống cứu hộ.
11 giờ 40: Chuẩn đô đốc, Doãn Văn Sở- Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết: "Các tàu tìm kiếm vẫn chưa phát hiện dấu vết liên quan đến nghi vấn máy bay gặp nạn. Các tàu này cũng chưa tiếp cận được vết dầu loang. Hiện việc phối hợp tìm kiếm vẫn đang được thực hiện khẩn trương."
Trưa 9/3, Trung tá Bùi Xuân Hoạt, Chính trị viên nhà giàn DK1-10 cho biết: “Nhận được thông tin máy bay Malaysia mất liên lạc, nghi gặp nạn bãi cạn Cà Mau, nơi khu vực nhà giàn DK1-10 đóng quân, chúng tôi đã lên kế hoạch quan sát. Khoảng cách quan sát bằng mắt thường trong khoảng 10 hải lý.
Nếu phát hiện dấu hiệu máy bay rơi sẽ báo về sở chỉ huy là Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, sau đó phối hợp với các tàu cứu hộ của Hải quân vùng 5 để ứng cứu. 2 ngày nay khi quan sát trên biển vẫn chưa phát hiện dấu hiệu máy bay rơi. Nhưng đã có 2 chiếc tàu và 2 lượt máy bay bay ngang khu vực này để tìm kiếm. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên lạc với nhiều ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển này tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Trưa cùng ngày 9/3, Đại tá Lê Văn Minh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Vùng 4 thông tin: Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm tại khu vực nghi máy bay của hãng hàng không Malaysia bị mất tích nhưng vẫn chưa phát hiện được gì. 2 tàu cứu hộ mang số hiệu CSB 2001 và CSB 2002 của Cảnh sát biển Vùng 4 hiện đang tiếp tục tìm kiếm tại khu vực chỉ định thông báo nghi máy bay gặp nạn. Đến thời điểm này, tàu số hiệu 413 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 (Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn) đang có mặt tại hiện trường và chỉ huy các tàu của Cảnh sát biển và Hải quân tham gia tìm kiếm.
Hiện lực lượng không quân vẫn đang bay rà soát trên vùng trời tại khu vực nghi máy bay của hãng hàng không Malaysia mất tích. Tại Cà Mau, 2 hai trực thăng Mi 17102 và Mi 17104 của không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917- Sư đoàn 370) trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh.
11h20: Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết:" Máy bay cứu hộ phát hiện vết dầu loang rộng 10km, dài 80km, rộng hơn hôm qua khoảng 4 lần". Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tính đến 7h sáng 9/3, đã có 13 máy bay, 29 tàu tham gia tìm kiếm.
10h10: Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mư trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng có mặt tại đây để chỉ đạo, điều hành, liên hệ với các máy, tàu chiến phối hợp tìm kiếm.
Trung tướng Tuấn cho biết, máy bay CASA212 là máy bay tuần thám của Cảnh sát biển sẽ bay từ sân bay Gia Lâm vào sân bay tân Sơn Nhất. Dự kiến 10h sẽ xuất phát tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, thủy phi cơ số hiệu DHC6 (Quân chủng Hải quân), cũng đang trên đường từ sân bay Cam Ranh bay vào sân bay Tân Sơn Nhất để chờ lệnh.
Hiện có tổng số 15 máy bay, 35 tàu tham gia cứu hộ tìm kiếm cứu hộ, trong đó Việt Nam có 3 máy bay, 7 tàu.
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tính đến 7h sáng 9/3, đã có 13 máy bay, 29 tàu của các quốc gia đã đến vùng nghi máy bay rơi.
Trong đó, Malaysia có 6 máy bay, 6 tàu. Trung Quốc: 2 máy bay, 14 tàu. Dự kiến sẽ có 2 tàu Nam Hải cứu và 1 tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đến hiện trường. Philippines có 1 máy bay, 3 tàu. Singapore 1 máy bay C130. Việt Nam 3 máy bay, 5 tàu.
9h00: Tại Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đang liên hệ với các tàu, máy bay để cập nhập thông tin.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đang liên hệ với các tàu, máy bay để cập nhập thông tin. Ảnh: Đức Nguyễn
Ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn 3 cho biết, hiện nay 2 tàu của cơ quan này đang nỗ lực tìm kiếm tại khu vực nghi vấn nhưng vẫn chưa phát hiện điều gì.
Khi được hỏi về vết "loang", ông Hiển cho hay, mỗi tàu và mỗi đơn vị được giao tìm kiếm ở một khu vực khác nhau trong vùng biển rộng lớn. 2 tàu này của cơ quan này được phân công tìm kiếm ở một địa điểm khác và chưa thấy gì bất thường.
Hơn 8h sáng: Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, các nỗ lực tìm kiếm tàu bay B772, chuyến bay MAS370 của Malaysia Airlines, đang được tiếp tục tăng cường. Hiện tại có 5 tàu của Vùng 5 Hải quân, Cảnh sát biển và Trung tâm Hàng hải khu vực 3 đang triển khai công tác tìm kiếm tại khu vực nghi vấn.
Sáng 9/3, AN26 số hiệu 286 cất cánh lúc 6h52, AN26 số hiệu 261 cất cánh lúc 7h23, AN26 số hiệu 287 làm nhiệm vụ chỉ huy. Một máy bay tìm kiếm từ độ cao 2.100m trở lên. Máy bay còn lại tìm kiếm từ độ cao 2.400m trở lên. Lực lượng tàu bay Việt Nam sẵn sàng mở rộng khu vực tìm kiếm, để tránh chồng lấn với vùng tìm kiếm của Singapore.
Lực lượng tìm kiếm của Malaysia có tàu bay trực thăng CL41-RES101 bắt đầu tìm kiếm từ lúc 7h13, độ cao từ 600m trở lên, BE200-RES33 từ lúc 7h15 tìm kiếm từ 750m trở lên, BE200-RES65 cất cánh lúc 8h20 tìm kiếm từ 1.500m trở lên.
Một tàu bay P3 của Không quân Hoa Kỳ sẽ tăng cường lúc 11h49 để tìm kiếm từ IGARI theo đường R208 về phía Malaysia. Dự kiến sẽ có thêm 2 tàu bay của Trung Quốc và 1 tàu bay của Philippines.
8h15 sáng (9/3), Chuẩn đô đốc, Doãn Văn Sở-Tư lệnh Vùng 5 Hải quân thông tin: “Tàu hải quân HQ 954 đã đến vị trí khu vực biển nghi máy bay Malaysia gặp nạn lúc 3h 30 phút sáng ngày 9/3. Còn tàu HQ 637đến vị trí này khoảng 6 giờ sáng. Hiện tại 2 tàu đang tích cực tìm kiếm tại 2 điểm khác nhau trong khu vực biển này, theo chỉ định của Binh chủng Hải Quân. Việc tìm kiếm bắt đầu từ khu vực phía bắc của vết dầu loang mà máy bay AN 26 đã phát hiện được vào chiều hôm qua”.
Ngoài ra, nhiều tàu khác của lực lượng Hải quân vùng 5 trong tư thế đang sẵn sàng chờ lệnh điều động lên đường cứu hộ máy bay mất tích.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Long Hoai – Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, lực lượng của đơn vị đã trực 24/24, tuy nhiên tính từ sáng ngày 8/3 đến hiện tại vẫn chưa nhận được thông tin báo về của đơn vị nào.
7h20 sáng nay (9/3): Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Nhật (Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam) cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa tàu nào tiếp cận được với vết "loang" lạ trên biển.
Theo ông Nhật, khoảng 9h sáng nay, các tàu mới tới vị trí nghi là dấu vết của chiếc máy bay gặp nạn.
Cũng trong sáng nay, Đại tá Lê Dũng Anh (Phó chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia tìm kiếm cứu nạn) cho biết, khoảng 3h sáng, tàu CSB2001 của Việt Nam là chiếc tàu cứu hộ cứu nạn đầu tiên tiếp cận khu vực tìm kiếm ở ranh giới biển giữa Maylaysia và Việt Nam. Tuy nhiên vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chiếc máy bay bị nạn ở khu vực trên.
Trước đó, tối 8/3, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5 cho biết: “Theo kế hoạch, dự kiến đến 6 giờ 30 ngày 9/3, hai tàu cứu hộ cứu nạn của Hải quân Vùng 5 sẽ tiếp cận khu vực nghi ngờ máy bay Malaysia gặp nạn, cách đảo Thổ Chu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) 153 hải lý (gần 300 km)”.
Lúc 15 giờ 35 phút, hau tàu của lực lượng Hải quân vùng 5 mang số hiệu và HQ 637 và HQ 954 đã rời căn cứ Vùng tại đảo Phú Quốc tiến thẳng đến khu vực biển nghi máy bay gặp nạn. Theo Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, trên hai tàu Hải quân vùng 5 được “trang bị” đầy đủ biên chế, lực lượng tinh nhuệ nhất, đủ cơ số thuốc men, xuồng cứu sinh… để cứu nạn. Lương thực dự trữ đủ phục vụ cho lực lượng tìm kiếm suốt 3 tháng trên biển…
Ông Vũ Thế Chiến, Phó Chánh Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, chiếc máy bay AN 26 lúc 17 giờ 17 phút, phát hiện 2 vết dầu loang có chiều dài 15 đến 20 km, rộng khoảng 500m, song song nhau. Cách vị trí mà thông tin được cho là máy bay bị nạn mất tín hiệu khoảng 115 km.
Theo ông Chiến, đây chỉ là một thông tin tham khảo, không có sở để khẳng định là vết dầu từ máy bay mất tích: “Chỉ là thông tin tham khảo bởi vì vết dầu cách địa điểm được cho là máy bay mất tích về phái Đông Nam, trong khi đó thời tiết và gió Đông cấp 4, dòng chảy Tây Tây Bắc, tốc độ 0,5 hải lý/ giờ, không thể đẩy vết dầu về hướng Việt Nam được. Tuy nhiên, không loại trừ đó là một vết dầu của tàu khác gây ra”, ông Chiến cho hay.
Theo thông tin tìm hiểu từ một chuyên gia hàng không, máy bay Boeing 777 sử dụng dầu máy bay loại nhẹ (TC1), nên khi hòa vào nước biển khó để lại dấu vết dầu rõ rệt.
Trong một diễn biến khác, theo thông tin từ Văn phòng hợp tác Quân sự Hoa Kỳ tại Hà Nội thì cho hay, phía Malasia phát hiện có đám rác trôi ở vị trí 6 độ 42 và 103 độ 29 phút vào lúc 17 giờ 30 phút.
Chưa tìm thấy nạn nhân nào trên biển
Điểm vết dầu loang được phát hiện trên biển nằm phía tây nam, cách Bãi Cạn, Cà Mau (Nhà giàn DK10) khoảng 50 km. Tính từ Mũi Cà Mau ra đến nơi phát hiện vết dầu loang khoảng 250 km.
Tại Cà Mau, chiều tối ngày 8/3, Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370 Không quân Việt Nam) cho biết: “Ngay khi đáp xuống Cà Mau, trong thời gian các trực thăng chờ xe tiếp nhiên liệu từ TP. Cần Thơ xuống (khàng 180km) thì lực lượng không quân Việt Nam cũng đang hành trình trên biển bằng chuyên cơ AN26 để tìm vị trí vết dầu loang trên mặt biển, nghi là dấu vết chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia mất liên lạc rạng sáng 8/3.
Vệt màu vàng giống như vết dầu loang rộng khoảng 15-20km nghi là điểm máy bay Malaysia gặp nạn. Ảnh do tổ bay cung cấp (Theo: Tiền Phong)
Vết dầu loang khoảng 20 km, nằm phía tây nam, cách Bãi Cạn Cà Mau (Nhà giàn DK10) khoảng 50 km, điểm tìm thấy vết dầu loang cách Mũi Cà Mau khoảng 250 km, nghi dấu vết chiếc máy bay gặp nạn”.
Trực thăng của Không quân Việt Nam đang đậu tại Sân bay Cà Mau, sẵn sàng chờ lệnh.
Tối ngày 8/3, ông Nguyễn Thanh Luận, Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: lúc 16 giờ ngày 8/3, hai trực thăng chuyên dụng, số hiệu MI 17102 và MI17104 (Trung đoàn 917, Sư đoàn 370) của Không quân Việt Nam đáp xuống sân bay Cà Mau, chờ lệnh khởi hành ra biển cứu hộ hành khách trên máy bay gặp nạn của Malaysia. Chiều tối cùng ngày, thêm 3 trực thăng của Trung đoàn 917 sẽ từ TP. Cần Thơ đáp xuống sân bay Cà Mau chờ lệnh khởi hành hỗ trợ tìm kiếm vào sáng ngày 9/3.
Ông Lê Hoàng Phúc - Chính trị viên, đồn biên phòng xã đảo hòn Chuối (Bộ đội biên phòng Cà Mau) cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ, không có chuyên máy bay rơi, bị gãy đôi gần đảo hòn chuối”. Chúng tôi cũng đã liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, người phát ngôn của UBND tỉnh Cà Mau…, đều khẳng định không có máy bay rơi gần đảo Hòn Chuối mà ngư dân phát hiện. đầu giờ chiều ngày 8/3, xuất hiện tin đồn máy bay Malaysia bị rơi, gãy đôi được ngư dân phát hiện gần đảo hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Trước đó, Trung tâm chỉ đạo cứu nạn của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nhận được thông tin máy bay AN26 phát hiện trên vùng biển có vệt loang tọa độ 7,55 độ Vĩ Bắc, 103,1852 độ kinh Đông. Nhưng do trời sắp tối, không tiếp cận được, nên cả hai máy bay tìm kiếm đã quay trở về.
Đại tá Phạm Văn Tỵ (Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn) cho biết, qua phân tích dữ liệu truyền về, khu vực máy bay mất tích có rất nhiều tàu đánh cá đang hoạt động. Các tàu này cũng đã được thông báo và đang phối hợp tìm kiếm, sẵn sàng tham gia cứu nạn.
Đại tá Tỵ (giữa) đang chỉ đạo tại Trung tâm Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn
17h45: Trung tá Nguyễn Hồng Soi (Trưởng ban tuyên huấn Hải quân vùng 5) cho hay, chiếc máy bay có thể bị nạn ở vị trí cách đảo Thổ Chu khoảng 200km, đây là hải phận của nước bạn Malaysia.
Vùng 5 đã cử hai tàu đi làm nhiệm vụ vào khoảng 16h chiều nay. Dự kiến trong 6 tiếng tàu sẽ ra đến đảo Thổ Chu. Còn để ra vị trí tìm kiếm còn mất thêm một khoảng thời gian nữa. Tuy nhiên theo Trung tá Soi, chưa chắc máy bay có bị nạn trên tại khu vực biển như tính toán hay không.
16h40, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Thanh Luận, cho biết: Khoảng 16h30 phút cùng ngày, Không quân Việt Nam điều 2 máy bay Mi-17102 và Mi 17104 (thuộc Trung đoàn 917-Sư đoàn 370) đáp xuống sân bay Cà Mau, tiếp nhiên liệu, họp khẩn cấp… chuẩn bị khởi hành ra biển phối hợp, tìm kiếm hành khách trên máy bay Malaysia gặp nạn.
Đại uý Trịnh Văn Khoắn - Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2 (Bộ đội Biên phòng Cà Mau) cho biết đến thời điểm này, ngư dân đang hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển Hòn Chuối và một số khu vực lân cận thuộc vùng biển tỉnh Cà Mau vẫn chưa phát hiện hay trục vớt nạn nhân trong vụ máy bay gặp nạn của Malaysia.
Trung tá Nguyễn Hùng Tráng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối (Cà Mau) thông tin, ngoài việc thông báo rộng rãi đến các ngư dân đang tham gia khai thác trên biển phối hợp tìm kiếm, trục vớt, cứu nạn, Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau đã chuẩn bị ít nhất 4 tàu chuyên dụng, sẵn sàng nhận lệnh ra biển cứu hộ cứu nạn bất cứ lúc nào. Trong đó, Hải đội Biên phòng 2 là 2 tàu, Đồn Biên phòng Hòn Chuối và Hòn Khoai (mỗi nơi 1 tàu chuyên dụng).
Ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 tại Tp.Vũng Tàu - Vungtau MRCC- cho biết, tàu cứu nạn SAR 413 đã rời cảng bắt đầu hành trình ra khu vực máy bay Malaysia bị rơi để tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Ông Hiển cho biết, hành trình của tàu SAR 413 đến vị trí máy bay gặp nạn mất khoảng 30 giờ.
Hơn 16h, trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Nhật (Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, Cục Hàng hải cũng đã huy động một tàu cứu nạn vào khu vực được cho là máy bay mất tích để tham gia tìm kiếm.
Cục Hàng hải cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuẩn bị sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn.
Lúc 15 giờ 30 phút ngày 8/3, Đại tá Đậu Khải Hoàn- Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Hải Quân vùng 5 cho biết: “Hiện phương tiện và lực lượng đã sẵn sàng, trong vài phút nữa 2 tàu của lực lượng Hải quân vùng 5 sẽ lên đường cứu hộ máy bay Malaysia gặp nạn”.
Theo đại tá Đậu Khải Hoàn, cách đây vài phút, Hải quân vùng 5 nhận được lệnh từ Bộ Quốc phòng cho điều 2 tàu nhanh chóng lên đường thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn máy bay Malaysia bị mất tích trên biển, các mũi Cà Mau khoảng 120 hải lý.
“Đến thời điểm này vẫn chưa xác định vị trí chính xác máy bay gặp nạn, nên trên đường đi chúng tôi sẽ trực tiếp liên lạc, trao đổi thông tin với lực lượng của nước bạn (Malaysia) để cùng phối hợp tìm kiếm, cứu hộ hiệu quả nhất”- đại tá Hoàn nói.
Theo Chuẩn đô đốc, Chính ủy Hải quân Vùng 5, ông Ngô Văn Phát, tàu hải quân xuất phát từ Phú Quốc, phải mất khoảng 10 tiếng đồng hồ mới tiếp cận khu vực vùng biển mà máy bay gặp nạn.
Được biết, ngoài 2 tàu nhận lệnh lên đường, hiện 3 tàu khác của Hải quân vùng 5 và 2 tàu Cảnh sát biển ở Phú Quốc (Kiên Giang) và Hòn Khoai (Cà Mau) đang trong tư thế sẵn sàng đợi lệnh.
Phản ứng của Việt Nam về thông tin máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Hàng không Malaysia bị mất tích Hà Nội Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc và chia sẻ nỗi lo của các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay. Ngay sau khi nhận được thông tin chuyến bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia bị mất tín hiệu, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bên liên quan xác minh thông tin và triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn.”. Theo TTXVN |
Hơn 14h chiều nay, Cục Hàng không VN cũng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng của Quân chủng Phòng không Không quân, Quân chủng Hải quân và Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đang triển khai phương án phối hợp tìm kiếm tại khu vực giáp ranh giữa vùng chuyển giao kiểm soát (FIR) Hồ Chí Minh và FIR Kuala Lumpur (Malaysia), nơi tàu bay mất liên lạc và kiểm soát ra đa.
Một tàu bay AN26 của Quân chủng Phòng không Không quân đã cất cánh tham gia tìm kiếm lúc 14h30. Tàu Hải quân và tàu tìm kiếm cứu nạn Hàng Hải đang tiếp cận khu vực tìm kiếm. Hai tàu bay AN26 và một tàu trực thăng MI171 chuẩn bị sẵn sàng tại Sân bay Tân Sơn Nhất lên đường làm nhiệm vụ.
Tất cả tàu, thuyền hoạt động trong khu vực này cũng đã được thông báo cung cấp thông tin và tham gia ứng cứu cho tàu bay lâm nạn.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã phối hợp với các cơ quan điều động tàu bay của Việt Nam tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích.
Như đã đưa tin, chuyến bay MAS370 của Malaysia chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đã bị mất tích khi đang trên đường bay tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Máy bay bị mất tín hiệu khi đến vùng chuyển giao kiểm soát từ Kuala Lampur (Malaysia) sang TP. HCM (Việt Nam).
Theo Cục Hàng không VN, Trung tâm quản lý bay đường dài (ACC) ở TP. HCM đã chủ động thiết lập liên lạc với tàu bay nhưng không được. ACC HCM đã thông báo lại với ACC Singapore và ACC Kuala-Lumpur về việc trên. Sau nhiều nỗ lực ACC HCM và các cơ quan điều hành bay có liên quan cũng như các tàu bay trong khu vực trách nhiệm vẫn không thiết lập liên lạc được với tàu bay này.
Vị trí phỏng đoán máy bay mất tích theo tọa độ 6o56' Bắc, 103o35' Đông do Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn cung cấp
ACC HCM cũng đã báo động cho tất cả các cơ quan có liên quan theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)
Hiện Công ty Quản lý bay miền Nam đã liên lạc với nhà khai thác tàu bay của Malaysia và các cơ quan hàng không liên quan để xác định tình trạng của chuyến bay; đã thông báo ngay với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khẩn quốc gia báo cáo Cục Hàng không Việt Nam để làm thủ tục báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã kích hoạt Sở chỉ huy tại Công ty Quản lý bay miền Nam và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không điều động lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Các bên liên quan của Hàng không dân dụng, Hàng hải và Quân sự Việt Nam, hàng không dân dụng của Malaysia và Singapore đều đã vào cuộc.
Sở chỉ huy cũng đã báo cáo Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, Quân chủng phòng không không quân làm thủ tục cho tàu bay của Malaysia và Singapore vào phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. 3 máy bay tìm kiếm cứu nạn của Malaysia và 1 máy bay C130 của Singapore đều đã cất cánh khoảng 12h30 – 13h00 (giờ địa phương) vào khu vực tìm kiếm cứu nạn.
Các cơ quan liên quan ở Việt Nam cũng điều động tàu bay tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam tham gia tìm kiếm.
Theo CNN và Tân Hoa Xã, Thủ tướng Trung Quốc – ông Lý Khắc Cường đã quyết định điều 2 tàu cứu hộ lập tức tới hiện trường tại khu vực tiếp giáp giữa vùng biển Việt Nam và Malaysia (cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Kiên Giang khoảng 153 hải lý).
Bên cạnh đó , Philippines cũng đã cử 3 tàu tuần tra hải quân và một máy bay do thám cùng tham gia trợ giúp Malaysia tìm kiếm những người mất tích.
Hiện tại vẫn chưa rõ về số người thương vong trong vụ việc kể trên. Tuy nhiên, đây là lúc các nước ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cần phải đoàn kết để tìm kiếm các nạn nhân.
Mời độc giả theo dõi toàn bộ thông tin về vụ việc Máy bay Malaysia mất tích trên tin tức EVA. Chúng tôi liên tục cập nhật diễn biến của vụ việc: Người thân nín thở ngóng tin chuyến bay mất tích Máy bay mất tích: TQ gửi 2 tàu cứu hộ tới Biển Đông Máy bay rơi cách Phú Quốc 153 hải lý Máy bay Malaysia mất tín hiệu gần Mũi Cà Mau |