Ngăn chặn sự tràn lan của các kênh Youtube "bẩn": Cấm quảng cáo chỉ là giải pháp ép buộc

Ngày 23/06/2019 06:00 AM (GMT+7)

Trước sự tràn lan của các kênh Youtube, Facebook có nội dung nhảm nhí, vô bổ, phản cảm,... nhiều doanh nghiệp đã phải gỡ bỏ quảng cáo của mình đang được phát trên các kênh này. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế.

Thu nhập "khủng" kiếm được nhờ các video trên Youtube đã khiến nhiều Youtuber ôm mộng làm giàu khi tạo ra các video có nội dung độc hại, nhảm nhí, gây sốc để "câu view". Nhằm hạn chế sự tràn lan của các video này, mới đây, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Cục vừa công bố danh sách 40 doanh nghiệp và nhãn hàng quảng cáo trong các clip phản động, có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước trên Youtube.

Theo đó, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi công văn đến doanh nghiệp và nhãn hàng quảng cáo, yêu cầu dừng ngay việc phát tán những quảng cáo này và trả lời công văn của Cục trước ngày 27/6/2019.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng quảng cáo trên các clip phản động trong thời gian gần đây đã trở lại. Đầu tháng 6/2019, đã có 21 nhãn hãng lớn bị Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị ngừng những quảng cáo có chứa nội dung độc hại của Youtube…

Ngay sau khi nhận được công văn về việc nhãn hàng của doanh nghiệp đang có quảng cáo trong các clip mang nội dung phản động, chống phá nhà nước trên Youtube, nhiều nhãn hàng cho biết đã dừng quảng cáo trên Youtube và sẽ siết chặt quảng cáo trên kênh này.

Ngăn chặn sự tràn lan của các kênh Youtube amp;#34;bẩnamp;#34;: Cấm quảng cáo chỉ là giải pháp ép buộc - 1

Banner quảng cáo bên cạnh các video có nội dung độc hại, nhảm nhí

Luật sư nói gì?

Tham khảo ý kiến của Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình, anh cho biết, hiện nay chưa thực sự có luật nào cấm các doanh nghiệp không được phát quảng cáo trên các kênh có nội dung xấu.

"Nếu video/clip có nội dung phản động phát tán trên mạng thì đó là trách nhiệm do của đơn vị tạo trang mạng xã hội/thông tin điện tử đấy không kiểm duyệt nội dung trước khi đăng. Và vì không kiểm duyệt nội dung nên khi nó chèn quảng cáo vào video/clip đấy thì nền tảng này sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì chưa có luật cấm nên thường những nền tảng này sẽ bị xử phạt hành chính. Còn trách nhiệm hình sự thì bên sản xuất ra video/clip có nội dung xấu sẽ phải chịu", luật sư Hùng chia sẻ.

Muốn ngăn chặn cần có sự phối hợp của nhiều bên

Theo Blogger Truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long, các giải pháp để kiểm soát quảng cáo trên những kênh có nội dung xấu phụ thuộc vào nhiều bên. "Bên thứ nhất là cơ quan quản lý, cần phải quyết liệt hơn trong việc luật hóa để quản lý và chống lại các nội dung độc hại. Những nội dung được cho là độc hại là xúi giục hút thuốc phiện, chơi khăm người khác, những hành động nguy hiểm,… Nếu muốn ngăn chặn thì chúng ta phải đưa những điều đó vào trong luật. 

Khi những nội dung đó được luật hóa thì các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube dù họ theo luật quốc tế thì họ cũng phải theo luật ở Việt Nam. Họ sẽ có những hành động cần thiết như hạn chế sự xuất hiện hoặc xóa những nội dung đó đi. Những người cho phép các nội dung đó được xuất bản thì sẽ phải bị xử lý.

Ngăn chặn sự tràn lan của các kênh Youtube amp;#34;bẩnamp;#34;: Cấm quảng cáo chỉ là giải pháp ép buộc - 2

Blogger Nguyễn Ngọc Long chia sẻ ý kiến dưới góc nhìn của người làm truyền thông

Thứ 2 là về người tạo ra nội dung xấu. Họ phải có nhận thức là khi mình làm ra những nội dung ấy thì nó tác động tiêu cực đến xã hội, cộng đồng và chính bản thân họ. Để làm được điều đó, chúng ta phải truyền thông, tuyên truyền. Các tổ chức xã hội, các cơ quan đoàn thể, trường lớp phải phân tích về những tác hại để họ hiểu.

Thứ 3 là về người tiêu thụ nội dung tức là chính chúng ta. Chúng ta cũng phải có nhận thức là chúng ta không được dễ dãi trong việc hùa theo những nội dung độc hại, không tạo ra được giá trị gì tốt đẹp cho bản thân mình và xã hội.

Thứ 4 là những người làm nội dung tốt. Chúng ta không thể chỉ ngăn cấm những nội dung xấu mà phải có những cái tốt thay thế. Nếu nó hay hơn thì người ta sẽ đổ về những cái tốt để xem.

Thứ 5 là về phía các nhãn hàng. Các nhãn hàng phải có ý thức trong việc lựa chọn những kênh mà mình quảng cáo. Phải gây sức ép lên chính cái nền tảng mà họ đang thu tiền quảng cáo của các nhãn hàng. Ví dụ như họ thấy quảng cáo của mình đang được phát trên những nội dung không tốt, trái với pháp luật Việt Nam thì họ phải có ý kiến. Nếu chỉ lẳng lặng làm hoặc rút quảng cáo thì cũng chưa phải là bày tỏ quan điểm".

"Tôi nghĩ phải có sự vào cuộc của tất cả các bên", anh Ngọc Long kết luận.

Các doanh nghiệp có trách nhiệm ra sao?

Trước công văn của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), hầu hết các doanh nghiệp đã có động thái dừng phát quảng cáo của mình trên các kênh Youtube và gửi báo cáo giải trình. Tuy nhiên, Blogger Nguyễn Ngọc Long cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế chứ chưa có tác động về lâu dài.

"Nếu chỉ dùng pháp luật, chế tài để nói thì nó chỉ theo chiều hướng ép buộc các doanh nghiệp phải làm theo. Nhưng nếu chỉ cho họ thấy được là nếu họ làm thế thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực của họ, ảnh hưởng đến doanh thu và nhãn hiệu của họ thì đương nhiên họ sẽ chủ động cân nhắc và quản lý các quảng cáo của mình chạy trên kênh nào. Ví dụ sản phẩm của bạn là hàng xa xỉ thì không thể mang ra chợ để bán. Bạn bán một mặt hàng nghiêm túc thì không thể mang ra một chỗ nhí nhố để quảng cáo. Tất cả chúng đều có tác động qua lại với nhau", Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.

Kênh Youtube bẩn: Đổ trứng vào mẹ, sử dụng ma túy và những trò lố bất chấp để câu view
Dù bị cộng đồng mạng lên án dữ dội, nhưng lượt xem và lượt người theo dõi vẫn tăng vùn vụt nên các Youtuber vẫn cho ra đời những video có nội dung...
H.M
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Xã hội