Nghề giáo không phải là một nghề cao quý. Mấu chốt của vấn đề là, nghề đó chỉ có thể được hoàn thành trọn vẹn bằng “Phần Cao Quý” trong trái tim của mỗi người bình thường.
Mấy hôm trước trường tôi hội khoá. Tôi ở xa theo dõi qua Facebook, thấy các thầy cô giáo ngày xưa lập cập quanh đám học trò đang ở tuổi đỉnh cao của sự nghiệp. Kỳ lạ thật, khi mỗi gương mặt của thầy cô không gợi lại một chút gì có liên quan đến kiến thức, mà toàn là những kỷ niệm vui, buồn, giận giữ, xúc động, hối hận và thăng hoa.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai, giảng dạy chuyên ngành Quản trị Quốc tế và Giao tiếp Đa văn hoá tại Đại học Khoa hoạc Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Chị là tác giả cuả hai cuốn sách "Tôi là một con lừa", và "Con đường Hồi giáo". |
Trong dòng chảy ồ ạt của quá khứ, tim tôi nhói lại khi nhớ đến một chuyện. Lát cắt tuổi thơ này hằn sâu vào ký ức hơn hẳn vì nó liên quan đến ông cụ thân sinh đã quá cố của tôi.
Hồi ấy, tôi học rất giỏi văn, chắc tại viết báo nên giọng văn của tôi không bị "mặc đồng phục" như các bài văn mẫu. Năm nào tôi cũng đi thi học sinh giỏi thành phố và đoạt giải Nhất.
Vào một năm tôi chuyển sang lớp mới, ba tôi đi họp phụ huynh về trông rất buồn. Tôi gặng hỏi thì ông bảo: "Con là học sinh duy nhất của trường đi thi học sinh giỏi và đoạt giải, mà lại tận hai giải: giải Nhất Văn và giải ba Sinh học.
Vậy mà, cô giáo chủ nhiệm không hề nhắc đến trong cả buổi họp liệt kê hàng loạt các thành tích lặt vặt như bạn A, bạn B làm nhiệm vụ cờ đỏ tốt. Chuyện vinh dự như vậy mà cô coi như không hề xảy ra. Hay là con hư khiến cô không thích...?"
Ba tôi có lên chào nhưng cô cũng chỉ có thái độ xã giao, không chúc mừng phụ huynh, dù là phụ huynh mới. Ông băn khoăn và buồn mất mấy tuần liền. Khi ấy, tôi mới 17 tuổi, vừa xuất bản tuyển tập truyện ngắn đầu tiên, có một khoản nhuận bút kha khá, được đài truyền hình đến tận trường quay phim, được thầy hiệu trưởng dành hẳn một buổi gặp riêng chúc mừng gia đình.
Ấy vậy, với cô chủ nhiệm tất cả đều vô hình. Không những lờ tịt ba tôi đi, cô còn không hề chia sẻ niềm vui với chính bản thân tôi, dù chỉ là một nụ cười.
Bức ảnh phụ huynh xếp hàng quỳ hôn chân cô giáo của con mình cuối khoá học tại Sri Lanka
Tôi không bao giờ có thể lý giải được thái độ của cô. Đứa bạn thân đề ra hàng chục gợi ý, nào là chắc tại cô vốn không ưa thầy chủ nhiệm cũ của tôi nên ghét sang tôi, hoặc tại tôi vốn là dân lớp chuyên, nay chuyển sang lớp cô nên cô muốn dằn mặt cho tôi không có mầm mống kiêu căng.
Với tính cách của tôi hồi đó, khá trầm và thu mình, lý do nào nghe cũng đáng buồn và vô lý. Vì thái độ thờ ơ cuả cô mà những ý nghĩ tự ti thốt nhiên len lỏi vào tim, và tôi bỗng dưng nghi ngờ khả năng của chính mình.
Đó chỉ là một chuyện buôǹ trong muôn vàn chuyện vui. Kỷ niệm ấy cũng là câu chuyện buồn duy nhất với cô trong muôn vàn kỷ niệm khác. Nhưng chỉ một ký ức nhỏ xíu ấy thôi mà nó ám ảnh suốt thời niên thiếu, thi thoảng vẫn quay trở lại dằn vặt. Chắc tại có liên quan đến tinh cảm của cha và con gái.
Mỗi khi ông tự hào kể với bạn bè về cô con út vẫn không nén nổi, mà cứ phải nhắc lại câu chuyện học sinh giỏi. Đến chết ông vẫn không thể lý giải nổi tại sao niềm kiêu hãnh của ông không được chính người đứng trên bục giảng sẻ chia?
Sau này, tôi thỉnh thoảng vẫn tới thăm cô, vì truyêǹ thống và cũng vì muốn hoá giải chuyện cũ. Đó là những câu chuyện và lần tiếp xúc cá nhân đầu tiên giữa cô và trò.
Cô sống một mình, khắc kỷ và nghiêm nghị với cả thế giới. Tôi có gặng hỏi, cô không còn nhớ chuyện ngày xưa. Có thể những điều cô làm chỉ là vô tình. Nhưng càng nói chuyện càng thấy thương yêu. Càng nói chuyện càng thấy sự trìu mến lấp đầy xa cách và nghi ngờ. Chỉ tiếc rằng sự kết nối đồng cảm ấy không xảy ra khi tôi còn là một cô bé con hoang mang với giá trị bản thân, và ba tôi vẫn còn là một nguời cha bị tổn thương vì niềm kiêu hãnh của ông bị coi là vô hình.
Vì bản thân là người dạy học, tôi không chọn một câu chuyện xuć động hay tôn vinh để kể với các bạn trong ngày này như mọi người đang làm. Tôi biết, vì tôn trọng thầy cô, chúng ta thường chỉ nhắc đến những điều hàm ơn và giấu đi những uẩn ức. Không có một học trò nào trải qua thời đi học mà không có oan khiên và cay đắng. Nhưng ai cũng có thể ảo tưởng nếu chỉ nghe những điều đẹp đẽ.
Những câu chuyện xúc động mà ta thường chia sẻ dù đúng nhưng phiến diện một chiều. Nó chỉ nhìn thấy maù hôǹg mà quên đi mảng xám, chỉ nhìn thấy vinh quang mà quên đi cực nhọc, chỉ nhìn thấy thaǹh quả mà quên đi hậu quả, chỉ nhìn thấy hoa hôǹg và quên đi gai sắc có thể đâm người chảy máu. Vì vậy, tôi chọn một chuyện buồn để răn mình.
Làm thầy làm cô rất khó, vì làm thầy làm cô có rất nhiều “quyền lực”, nhất là với hệ thống giáo dục và quan điểm xã hội như hiện nay. Ngoài bố mẹ ra, thầy cô giáo là những người có quyền năng tạo lập tính cách, vun trồng tài năng, khai mở nhân cách, thức tỉnh đam mê, khơi nguồn lý tưởng sống.
Tuy nhiên, họ cũng là những người có sức mạnh tàn phá sự tự tin, thui chột sự sáng tạo, đặt mầm mống cho thói quen gian dối, hèn nhát, và thái độ trên tiền. Quyền lực giúp kẻ cao thượng thành người cứu rỗi. Quyền lực cũng biến phần vô cảm vô tình trong mỗi con người thành những lớp sóng có sức tàn phá dữ dội ngoài ý muốn.
Nghề giáo là một trong những nghề nắm trong tay nhiều quyền lực với con người và xã hội hơn hẳn các nghề khác. Nó đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm nặng nề với thứ quyền lực do đặc thù công việc mang lại. Người làm những nghề nắm trong tay quyền lực ấy có thể tạo ra cả thiên thần lẫn ác quỷ. Chính vì vậy, họ gánh tránh nhiệm nặng nề.
Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều đang làm nghề giáo. Cuộc đời chúng ta luôn có những khoảng khắc làm thầy người khác. Đó là những khoảnh khắc mà phần cao quý trong mỗi con người chúng ta phải lên tiếng.
Vì nhà giáo có quyền năng taọ ra cả ánh sáng và bóng tối, bản chất của nó không hề cao quý. Mấu chốt cuả vấn đề là, nghề đó chỉ có thể được hoàn thành trọn vẹn bằng PHẦN CAO QUÝ trong trái tim của mỗi người bình thường.