Khi mắc virus Zika, người bệnh có thể bị biến chứng Guillain-Barre, biểu hiện của biến chứng này là liệt từ chân, lan lên bụng rồi đến cơ hô hấp, dẫn tới người bệnh không thể thở được và tử vong.
Lâu nay, bệnh do virus Zika vẫn được các nhà khoa học cảnh báo không mấy nguy hiểm, thậm chí chưa ghi nhận ca tử vong trực tiếp nào liên quan đến loại virus này. Có chăng chỉ là biến chứng dị tật đầu nhỏ ở thai nhi đối với những bà mẹ thai thai dưới 3 tháng.
Tuy nhiên, trong ngày 10/4 các nhà khoa học Brazil và Mỹ đã công bố nghiên cứu khiến cả thế giới bàng hoàng đó là virus Zika còn tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương ở cả người lớn, gây ra căn bệnh viêm não tủy cấp lan tỏa, hay còn gọi là ADEM.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ADEM thường xảy ra do hậu quả của một căn bệnh nhiễm trùng nào đó, gây sưng dữ dội trong não và tủy sống, làm thiệt hại myelin, các lớp phủ bảo vệ màu trắng xung quanh sợi thần kinh. Kết quả khiến cơ thể mệt mỏi, tê, mất thăng bằng, tầm nhìn và một số triệu chứng tương tự như bệnh đa xơ cứng.
Theo các chuyên gia, mặc dù nghiên cứu nhỏ nhưng có thể cung cấp bằng chứng khẳng định việc virus Zika có tác động lên não nhiều hơn so với các nghiên cứu trước đó.
Biến chứng Guillain-Barre có thể khiến cơ thể bị liệt, thậm chí là tử vong.
Trước nghiên cứu này, nhiều người Việt Nam không khỏi lo lắng khi nước ta đã phát hiện virus Zika ở Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chính Minh, đáng nói hơn các chuyên gia còn nhận định virus Zika rất dễ bùng phát trên diện rộng vì nước ta lưu hành sẵn vét tơ truyền bệnh đó là loại muỗi vằn.
Không chỉ có vậy, cũng trong ngày 10/4, trong chương trình Truyền hình trực tuyến: Cảnh giác cao độ với virus Zika và Sốt xuất huyết, Ths.BS Nguyễn Quốc Thái (Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh do virus Zika cũng có những biến chứng nặng, trên thế giới hiện nay cũng đã có 1 số trường hợp tử vong do bệnh nhiễm virus zika, chứ bệnh này không phải lành tính tuyệt đối.
BS Thái cho biết, biến chứng nặng có thể làm cho người bệnh tử vong đó chính là biến chứng Guillain-Barre, hay chúng ta còn gọi là viêm đa dây rễ thần kinh. Biểu hiện của biến chứng này là người bệnh bị liệt, liệt từ chân, lan lên bụng rồi đến cơ hô hấp, dẫn tới người bệnh không thể thở được, dẫn tới tử vong.
Mặc dù tỉ lệ gặp biến chứng này rất là thấp nhưng không phải là không có, vì thế chúng ta cần phải cảnh giác. Chúng tôi khuyên rằng, dù người bệnh có biểu hiện bệnh nhẹ vẫn cần phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, để được khẳng định xem mình có bị bệnh virus zika hay không và kế hoạch theo dõi bệnh phù hợp, đề phòng các biến chứng bệnh nặng.
Để phòng bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch mang thai không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch. Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành vi rút Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Những trường hợp phải xét nghiệm phát hiện virus Zika Vi rút Zika có ảnh hưởng không lớn đến sức khỏe của người dân bình thường; tuy nhiên trước nguy tiềm ẩn tác động của vi rút Zika gây chứng đầu nhỏ đối với trẻ sơ sinh, Bộ Y tế khuyến cáo: 1. Người dân nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc cần đến cơ quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán xác định bệnh. 2. Người dân không nên tự xét nghiệm xác định vi rút Zika khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế. Việc xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika chỉ tiến hành khi có chỉ định của cơ quan y tế. 3. Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu, sống trong vùng có dịch hoặc đã từng đến vùng có dịch nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định vi rút Zika. 4. Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu có chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm vi rút Zika dương tính nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định vi rút Zika. 5. Để chủ động phòng ngừa bị nhiễm vi rút Zika, người dân chủ động áp dụng các biện pháp tránh bị muỗi đốt và tích cực tham gia diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy). |