Không chỉ có nghề truyền thống, làng cổ Ước Lễ còn gây ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp bình dị đậm chất thôn quê, trường tồn mãi với thời gian.
Ngoài những ngôi làng cổ nổi tiếng ở Hà Nội như Đường Lâm, Cựu Lễ, Đông Ngạc… chúng ta không thể không nhắc đến Ước Lễ (Tân Ước, Thanh Oai). Nơi đây nổi tiếng khắp cả nước với nghề truyền thống làm giò chả cùng khung cảnh làng quê thanh bình giữa chốn thị thành xô bồ.
Làng có nghề truyền thống nổi tiếng khắp cả nước
Các cụ cao niên trong làng cổ cho biết, nghề làm giò chả ở làng có cách đây gần 500 năm. Theo đó sử sách chép rằng vào thời nhà Mạc (1527 - 1592) có một cung tần trong triều đình vốn là người làng Ước Lễ về xây cổng làng và dạy cho dân làng nghề làm giò chả. Sau đó gười dân đã lưu giữ và truyền nghề cho các thế hệ đến tận bây giờ.
“Nghề làm giò chả cần thị trường tiêu thị ở các thành phố lớn, thị xã… nên người dân trong làng tôi đã toả đi khắp nơi để làm ăn, duy trì cái nghề truyền thống của làng. Song đến dịp rằm tháng Giêng, người dân xa quê lại tụ họp về để tảo mộ cũng như tham gia hội làng, tôn vinh Thành Hoàng làng cũng như ông tổ nghề Giò Chả”, ông Tâm (65 tuổi) – một người dân trong làng tự hào.
Đặc sản của làng Ước Lễ.
Cũng theo người đàn ông này, sản phẩm của làng Ước Lễ gồm rất nhiều loại giò chả như giò lụa, gò bì, giò xào, chả quế, chả rán… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là giò lụa và chả quế. “Nhiều người thắc mắc rằng giò chả ở đâu cũng như nhau, được chế biến từ các nguyên liệu giống nhau, vậy cớ sao giò cả Ước Lễ lại nổi tiếng? Thực sự giò chả quê tôi khác với nơi khác, từ công đoạn chế biến cho đến chọn nguyên liệu”, ông Tâm nói.
Theo đó muốn làm được giò chả ngon, người dân làng Ước phải chọn được thịt ngon, phải biết cân bằng âm dương, phải biết cân đối về âm dương thì mới luyện ra thành phần ra sản phẩm mới giòn, dẻo, bắt mắt, đẹp, ăn ngon. Sau đó đem xay bằng máy với nguyên lý hoạt động nhiệt không được lớn hơn nhiệt độ trong cơ thể con lợn thì giò chả ăn mới ngon.
Sản phẩm của làng Ước Lễ gồm rất nhiều loại giò chả như giò lụa, gò bì, giò xào, chả quế, chả rán… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là giò lụa và chả quế.
Về phần ngũ vị cũng quan trọng không kém: nước mắm, mật, đường, muối cân bằng ngũ vị mới ra sản phẩm tốt được. Đặc biệt, giò chả ngon khi cắt ra phải bóng mặt, nhiều lỗ khuất trạch.
“Rõ là ngày nay sức lao động được giải phóng, nhưng nhiều người ở làng tôi vẫn giữ cách làm truyền thống. Đó là gói giò bằng lá chuối để được thơm ngon, dậy mùi hơn so với cách làm giò gói bằng ống nhôm. Vì thế lá chuối cũng phải chọn kỹ càng và khi luộc chín xong phải thả ngay vào nồi nước lạnh thì mới thơm ngon.
Quả thực nghề làm giò chả này đã đem lại cho người dân làng tôi cuộc sống đủ đầy với mức thu nhập cao hơn so với các nghề khác”, người đàn ông ở làng cổ nói.
Mang vẻ đẹp bình dị với cổng làng cổ đặc biệt
Không chỉ có nghề truyền thống, làng cổ Ước Lễ còn gây ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp bình dị đậm chất thôn quê, trường tồn mãi với thời gian. Chỉ cần đặt chân đến đây, du khách sẽ choáng ngợp với chiếc cổng làng – công trình kiến trúc bề thế, có hình dáng như cổng thành với những nét đặc trưng mang phong cách nghệ thuật thời Mạc.
Cổng làng Ước Lễ nằm sau cây cầu uốn cong bắc qua một con hào nhỏ. Trên cổng đề ba chữ: “Ước Lễ môn” có nghĩa là “Cổng Ước Lễ” với hàm ý người quân tử dù học hành cao rộng vẫn phải tôn trọng lễ giáo... Hai bên cổng có đôi câu đối bằng chữ Hán thể hiện niềm mong cầu người dân của làng ra ngoài làm ăn thuận lợi, công thành danh toại.
Cổng làng Ước Lễ nằm sau cây cầu uốn cong bắc qua một con hào nhỏ.
Phía dưới cổng là tường gạch để mộc, ở giữa có một cổng vòm rộng. Bên trên là vọng lâu có tấm biển đề 4 chữ “Mỹ tục khả phong” nghĩa là “Phong tục hay nên theo”. Dòng lạc khoản đề trên tấm biển cho biết, 4 chữ này do triều đình ban tặng vào năm Tự Đức thứ tư (1851) bởi làng từng có quỹ "Nghĩa thương" chuyên cứu tế dân nghèo. Điều này cho thấy đây là một ngôi làng khá giả, có truyền thống tương thân tương ái và trọng lễ nghĩa.
Bao quanh cổng và toàn bộ ngôi làng là con hào nhỏ cùng lũy tre ken dày mang lối kiến trúc điển hình của làng quê Bắc Bộ. Nó hàm ý bảo vệ làng xóm khỏi trộm cướp, nhờ đó cuộc sống của người dân luôn yên bình.
Một góc của cổng làng.
Ngoài cổng cổ, làng Ước Lễ vẫn còn tồn tại hệ thống di tích với mật độ dày đặc, gồm 6 đình, chùa, nhà thờ, 6 giếng cổ cùng chợ làng, cây đa cổ thụ và những nếp nhà cổ mang nét đặc trưng của xứ Đoài. “Ở làng còn có tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng – Tể tướng Lữ Gia, vị anh hùng trong cuộc chiến tranh chống quân Nam Hán xâm lược. Hiện chúng tôi thường tổ chức Lễ hội đình Ước Lễ để tưởng nhớ ngài vào ngày 12 tháng Tám (âm lịch) hằng năm.
Ngoài ra, làng có một phong tục khác vô cùng độc đáo – đó là tục ăn “Tết bù” vào ngày rằm tháng Giêng. Phong tục xuất phát từ việc dân làng thường bận làm giò chả phục vụ nhu cầu ăn Tết của người dân khắp nơi nên không thể chuẩn bị Tết chu đáo. Vì thế, thời điểm này mới là dịp các gia đình ở Ước Lễ quây quần ăn “Tết bù””, ông Tâm nói.