"Có thông tin khẳng định khách trả giá cả tỷ đồng để mua 1 con trâu hồng nhưng ông không bán?", khi được hỏi người đàn ông Tây Ninh phủ nhận đó chỉ là tin đồn.
Vừa qua, dư luận được phen xôn xao trước câu chuyện người đàn ông ở Tây Ninh sở hữu đàn trâu có màu lạ, có người trả tỷ đồng/con nhưng không bán. Nhiều người tò mò không biết đàn trâu độc lạ ở điểm nào mà giá trị đến thế. Song một số người lại hoài nghi về sự thật của câu chuyện, đồng thời khẳng định trâu thường giá chỉ vài chục triệu đồng/con, chứ lấy đâu vài tỷ.
Ông Tư (SN 1964) - chủ nhân của đàn trâu cho biết bản thân vốn là cán bộ xã Tiên Thuận (Bến Cầu). Sau đó ông nhận ra trên địa bàn xã có nhiều nguồn thức ăn để nuôi trâu: cỏ tự nhiên, lục bình nhiều, rơm rạ sau mỗi vụ trồng lúa...
Năm 1988, người đàn ông quyết định dồn tiền tiền tiết kiệm sang Campuchia mua một con trâu cái đang mang thai, có làn da màu hồng đẹp lạ, khác hẳn giống trâu Việt Nam với giá 17.5 triệu đồng. "Số tiền 17.5 triệu đồng tại thời điểm đó không phải nhỏ. Có người nói tôi bị lừa, không biết lựa chọn giống trâu... Tôi mặc kệ vì thích thì tậu giống trâu cò đó thôi", ông Tư nhớ lại.
Một trong những con trâu hồng của ông Tư Lòn.
Vài tháng sau, chú trâu cò đẻ ra một con nghé màu hồng độc lạ. Sau đó ông Tư quyết định phối giống cho con trâu cái, đẻ thêm nhiều con nghé màu hồng. "Trâu hồng phải phối với trâu đực hồng mới ra được nghé hồng. Còn trâu hồng phối với trâu đen ta sẽ ra màu đen. Vì thế nghé cái được tôi giữ lại để sinh sản, còn nghé đực nuôi một thời gian đem bán. Hiện tại gia đình tôi nuôi chừng 20 con trâu, trong đó có 10 con sở hữu làn da màu hồng", ông Tư cho hay.
Ngoài sở hữu màu da hồng, giống trâu cò của ông Tư còn có sự đặc biệt ở sức cày bừa, đặc tính sinh đẻ... và tính cách hiền lành. So về giá trị kinh tế, nó không khác biệt so với trâu đen, tức tương đương nhau.
"Xưa ở Tây Ninh có một vài hộ nuôi giống trâu cò này nhưng giờ có lẽ chỉ còn gia đình tôi. Nhiều người hay tin tôi sở hữu đàn trâu da hồng đã tìm đến để chiêm ngưỡng, mục sở thị xem đúng hay không.
Họ từ Sài Gòn, các địa phương lân cận ghé tới và đương nhiên tôi đều tiếp đón nồng nhiệt. Họ ngắm xong xin quay phim, chụp hình... thậm chí có người ngỏ ý mua về sinh sản nhưng tôi từ chối", ông Tư kể.
Trâu hồng cái phối giống với trâu hồng đực sẽ ra con nghé hồng.
"Có thông tin khẳng định khách trả giá cả tỷ đồng để mua 1 con trâu hồng nhưng ông không bán?", khi được hỏi, người đàn ông Tây Ninh phủ nhận đó chỉ là tin đồn. Sau đó ông Tư giải thích rằng trước đây có người đàn ông mua một con trâu đực màu hồng về cày bừa. Họ làm nên sự nghiệp nhờ con trâu đó nên trước khi mất đã dặn các con không cho con trâu đó làm nữa và để lại nuôi chứ không được bán.
"Ông ấy căn dặn con cái người ta trả giá bao nhiêu cũng không được bán, chứ không phải con trâu hồng được trả tiền tỷ cũng không bán. Tôi cũng chưa bao giờ dám hô giá bán đắt đỏ như thế. Bởi trâu hồng có giá bằng trâu đen, tầm 24-25 triệu đồng/con", ông Tư nói.
Ông Tư nhớ lại hành trình nuôi trâu hồng của bản thân.
Hiện tại, ông Tư chăn trâu một mình. Cứ 13h ông thả trâu ra đồng, bãi cỏ... rồi 17h30 đuổi về chuồng. Ông bảo trong việc chăn nuôi gia súc gia cầm thì nuôi trâu kinh tế nhất. Vì nó chỉ tốn công sức, còn chi phí mua thức ăn không nhiều, chủ yếu là cỏ ngoài đồng ruộng. Do đó chúng chính là vật nuôi giúp gia đình ông khấm khá hơn.