Nhiều ngày qua, người dân sinh sống trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 7 liên tục bị kiến ba khoang 'tấn công' làm cho sưng tấy, mưng mủ khắp người.
Nhiều điểm dân cư bùng phát nạn kiến ba khoang
Nhiều ngày nay, người dân tại TP.HCM tỏ ra hoang mang, lo lắng về tình trạng kiến ba khoang đang ngày càng bùng phát và tấn công vào các khu dân cư. Nhiều người cho rằng nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì kiến ba khoang sẽ nhanh chóng phát triển thành “đại dịch” gây nhiều căn bệnh về viêm da.
Ký túc xá trường Đại học quốc gia TP.HCM là một trong những điểm dịch của kiến ba khoang “lộng hành”. Em Nguyễn Hoàng Anh (sinh viên trường đại học Công nghệ thông tin ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Nhiều ngày gần đây, không hiểu vì sao kiến ba khoang lại xuất hiện rất nhiều ở kí túc xá. Cứ vào chiều tối, mở đèn lên lại thấy kiến ba khoang bay vào làm ảnh hưởng không ít đến việc học tập. Mặc dù khi đi ngủ mọi người đều mắc màn nhưng vẫn bị kiến tấn công”.
Nhiều bạn sinh viên, dùng chai nhựa để bẫy kiến ba khoang.
Tại Trạm y tế kí túc xá ĐHQG TP.HCM, rất nhiều sinh viên phải xếp hàng dài để nhận thuốc vì bị kiến ba khoang đốt. Bạn Trần Thị Hồng Nguyên (sinh viên trường Đại học KHXH&NV) chia sẻ: “Chỉ vài tiếng sau khi bị kiến ba khoang tấn công, trên cơ thể em đã nổi không ít mụn nước. Trong quá trình sinh hoạt, những mụn nước này vỡ ra và lây lan da các vùng da xung quanh. Sau ít ngày, vết thương chưa kịp xử lí đã lở loét gây ra cảm giác đau rát và khó chịu. Em và một số bạn cùng cảnh ngộ xuống trung tâm y tế của kí túc xá xin thuốc bôi lên nhưng nhiều ngày sau vết thương vẫn đỏ tấy, ngứa ngáy và tiếp tục đau rát. Nhiều bạn sinh viên do vết thương quá nặng nên đành phải nghỉ học vài ngày để điều trị”.
Ông Trần Thanh An, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX cho biết trung tâm đã tiến hành đợt phun thuốc diệt côn trùng và kiến ba khoang trên diện rộng, bao gồm tất cả khu A và B, khuôn viên và tất cả các phòng ở của sinh viên. Trung tâm kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Q.Thủ Đức đã huy động 18 máy phun thuốc để phun thuốc trên toàn bộ khu vực KTX ĐHQG. "Chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền về tác hại cũng như các biện pháp phòng chống kiến ba khoang bằng các biện pháp như dùng bóng đèn, vệ sinh phòng ở... Khi tiếp xúc với kiến ba khoang thì cần có những biện pháp sơ cứu để tránh các tác hại do kiến ba khoang gây ra cho toàn thể sinh viên KTX ĐH Quốc gia”.
Nhiều điểm khác trên địa bàn TP.HCM cũng có dấu hiệu bùng phát dịch như các quận, huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè...
Anh Lê Văn Phúc (31 tuổi, ngụ Q.7) cho hay: “Mặc dù đã tắt điện tối om vào mỗi buổi tối nhưng vẫn bị kiến ba khoang tấn công. Thậm chí, chúng tôi lấy cả bình xịt côn trùng nhưng vẫn không có tác dụng gì với loại kiến có nhiều nọc độc này. Nhiều khu chung cư, dân cư đều phun thuốc diệt trừ các loại côn trùng theo định kì 2-3 tháng/lần, vậy mà, mỗi ngày người dẫn vẫn phải sống trong nỗi ám ảnh vì không có cách nào kiểm soát được sự xuất hiện của kiến ba khoang”.
Vết cắn của kiến ba khoang, vết thương nổi đỏ và đã có những mụn nước chỉ sau vài tiếng đồng hồ.
Nhiều biện pháp phòng chống được đưa ra
Trước tình trạng này, có không ít người đặt ra câu hỏi rằng, liệu có phải kiến ba khoang có xu hướng đột biến gen và ngày càng chứa nhiều nọc độc hơn. Những vết sẹo do kiến ba khoang để lại cả vài tháng trời mà vẫn không có dấu hiệu mờ đi.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho đến thời điểm này, thành phố chưa nhận được báo cáo của các trung tâm y tế dự phòng về việc xuất hiện đột biến của kiến ba khoang. Thông thường, kiến ba khoang thường làm ổ ở những khu vực rậm rạp, các bãi đất trống. Để ngăn chặn việc tấn công của kiến ba khoang đối với cuộc sống của người dân thì cần phải tìm được các ổ sinh sôi, sau đó, trung tâm sẽ tiến hành phun hóa chất để diệt tận gốc.
Trao đổi nhanh với bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Da Liễu TP.HCM, bác sĩ Tường cho biết: “Kiến ba khoang thường phát triển mạnh vào mùa mưa. Thông thường khi gặp kiến ba khoang người dân thường tìm cách giết chúng. Tuy nhiên, nhiều người không hề biết các dịch tiết của kiến ba khoang dễ gây kích ứng, có thể gây viêm da khi tiếp xúc phải dịch này. Điều này đã khiến cho trên da của người bệnh xuất hiện những vết mẩn màu đỏ, bề mặt, kèm theo đó là cảm giác ngứa hay loét. Bệnh sẽ phát nặng trong 3 ngày đầu nhưng từ ngày thứ 5-7 sẽ giảm dần”.
"Đa số bệnh viêm da do kiến ba khoang gây ra đều được trị khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu. Sau khi điều trị khỏi, các vết thâm và sẽ mất dần theo thời gian. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nặng thì mất khoảng 2-3 tháng thì vết thâm mới mờ dần.
Cho đến thời điểm hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp có di chứng để lại do kiến ba khoang gây ra. Hơn nữa, bệnh viêm da do kiến ba khoang gây ra không hề lây lan như người dân xôn xao bàn tán. Việc nhiều người trong một gia đình cùng bị viêm da do kiến ba khoang gây ra là vì cùng tiếp xúc với nọc độc của loại côn trùng này", bác sĩ Tường nói thêm.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngủ mắc màn, tắt bớt đèn điện không cần thiết vào buổi tối, có thể trồng những cây có tác dụng đuổi côn trùng như sả, dạ hương quanh khu vực sinh sống. Lưu ý không được chà xát làm độc tố của chúng lan rộng ra vì độc tố của chúng có thể gây tổn thương da lan tỏa.
Khi bị kiến ba khoang đốt, rửa sạch vết đốt với xà phòng, sau đó có thể bôi bằng hồ nước, các thuốc có chứa corticoid chỉ định cho các loại côn trùng đốt. Khi da bị tổn thương phồng rộp có thể rửa bằng thuốc tím (KMnO4), thuốc xanh Metylen lên vùng da, thuốc kem bôi có chứa corticosteroids như: Korcin; Betnovate; Betnovate-GM; Gentrisone.