Những ngày đầu hè, kiến ba khoang xuất hiện là nỗi lo sợ của tất cả mọi người. Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều hoang mang trước ảnh hưởng của loại côn trùng này.
Vài tuần gần đây, kiến ba khoang lại xuất hiện và “tấn công” khá ồ ạt vào các nhà dân ở Hà Nội. Đây đang là mối đe dọa với người dân không chỉ ở khu vực ẩm thấp mà ngay cả ở các khu chung cư, nhà cao tầng. Nhiều trường hợp bị kiến đốt cháy cả mảng da mặt, phổng rộp chân tay thậm chí suýt mù mắt.
Kiến ba khoang là loai côn trùng thường sống trong các ruộng lúa, vườn cây. Kiến ba khoang thường tiết chất dịch nhờn và ảnh hưởng tới da nếu vô tình tiếp xúc. Nhiều trường hợp bị kiến đốt cháy cả mảng da mặt, phổng rộp chân tay thậm chí suýt mù mắt.
Cháy da mặt vì bị kiến đốt
Anh Nguyễn Tất Đạt (Trần Thái Tông, Cầu Giấy) cũng từng là “nạn nhân” của kiến ba khoang trước ngày cưới. Anh cho biết, anh là người rất cẩn thận khi đi đường. Anh đặc biệt sợ côn trùng và bụi ảnh hưởng đến mắt nên luôn chăm chỉ đeo kính. Thậm chí buổi tối khi đi ra đường anh cũng đeo kính râm chuyên dụng. Vào đúng ngày quên không dùng kính khi dừng đèn đỏ tại ngã tư Trung Kính, anh bị côn trùng bay vào mắt. Anh dừng xe lại dụi mắt thì lấy ra được con kiến.
Tay bé Thỏ bị kiến ba khoang đốt
Về nhà, anh cứ nghĩ con bọ bình thường nên chủ quan không rửa mắt và cứ thế đi ngủ. Đến nửa đêm, mắt đau rát, anh chờ đến sáng hôm sau đi viện khám. Đến lúc này hai bên mắt anh sưng húp. Thậm chí da mặt bị “cháy” 1 mảng do khi dụi mắt dịch chảy xuống má.
Anh Đạt được bác sĩ chẩn đoán bị bỏng giác mạc do côn trùng và phải nhập viện ngay vì tình hình khó tiên lượng. Sau đó 2 tuần anh phải nằm tại viện điều trị, uống và nhỏ thuốc. Mắt anh thời gian nằm viện gần như trong tình trạng “băng bó”, đau. Mắt này mở thì mắt kia lại nhắm lại, hiện tượng mỏi mắt diễn ra triền miên. Kiên trì trong 2 tuần, chăm sóc mắt cẩn thận và kiêng cữ theo lời chỉ dẫn của bác sĩ nên anh Đạt được ra viện. Rút kinh nghiệm từ lần ấy, giờ đi đâu anh cũng kè kè mang kính khi ra đường.
Bé Thỏ nhà chị Phương Anh cũng điều trị hơn 1 tuần do bị kiến ba khoang đốt. Chị kể lại, tối nằm ngủ chị vẫn buông màn cho con đầy đủ. Kiến chui vào màn lúc nào không biết, đến sáng hôm sau chị phát hiện tay Thỏ có vệt mẩn đỏ như muỗi đốt. Chị dùng kem đánh răng bôi lên vết sưng cho con nhưng không đỡ. Đến trưa ngày hôm sau, những vết sưng cứ to dần và lên mủ nước. Chị đưa Thỏ đến viện thì được chẩn đoán bị kiến ba khoang đốt. Chị bôi thuốc, điều trị cho con hơn 1 tuần sau thì may mắn khỏi.
Hình ảnh bé Long bị kiến ba khoang đốt và lan sang tai
Bé Nguyễn Long ( ngõ Trạm điện, Hà Đông) vẫn còn sợ khi nghĩ đến những vết lở loét do kiến ba khoang đốt. Do chơi ở sàn nhà và không để ý côn trùng, Long bị kiến đốt sau tai. Ban đầu vết đốt chỉ mẩn đỏ như một chấm bi nhưng 1 ngày sau bắt đầu chỗ ngứa bị rát và lan dần sang khắp phần tai, cổ. Long đi khám thì biết bị kiến ba khoang đốt. 1 tuần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, Long đã đỡ và không gặp phải biến chứng đáng tiếc.
Phòng tránh kiến ba khoang như thế nào?
Rất nhiều trường hợp bị kiến ba khoang đốt nhưng chủ quan nghĩ là muỗi hay côn trùng bình thường nên không điều trị ngay. Đến khi những vết phồng rộp, mẩn đỏ, vết loét lan rộng mới tá hỏa đến viện khám.
Về cách phòng bệnh, theo Thạc sĩ Phạm Thị Mai Hương – Bệnh viện Nhi Trung ương: Độc tố trong kiến ba khoang sẽ làm tổn thương da, gây bỏng rát. Trong những trường hợp bị kiến ba khoang đốt cần áp dụng những biện pháp sau:
- Trong những ngày đầu hè chuẩn bị đối phó với “bão kiến”, nhiều gia đình nên có những biện pháp ngăn ngừa, vệ sinh xung quanh nhà cửa, vườn tược tránh tình trạng làm tổ của côn trùng.
- Không được dùng tay trần trực tiếp để bắt, giết côn trùng.
- Không cho trẻ gãi đề phòng ảnh hưởng đến các vùng da lành.
- Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng sau đó dùng thuốc sát trùng.
- Tuân thủ tuyệt đối chỉ định của các cơ sở y tế, không nên tự ý bôi thuốc, chữa trị tại nhà.