Bị kiến ba khoang đốt, tuyệt đối tránh làm việc này nếu không muốn người lở loét, mặt nở hoa

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 07/08/2021 14:34 PM (GMT+7)

Kiến ba khoang nếu biết cách phòng tránh sẽ ít gây hại cho con người hoặc không gây biến chứng khi không may bị đốt.

Bệnh nặng hơn khi cố gãi hoặc chà xát vùng tổn thương

Bác sĩ chuyên khoa 2 Quách Thị Hà Giang - Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết hiện nay mối quan tâm lớn nhất về vấn đề sức khỏe là dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, một số vấn đề khác người dân cũng cần tìm hiểu để trang bị kiến thức phòng tránh tốt nhất, trong đó có tình trạng viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây nên.

BS Giang cho biết, tình trạng này đang tăng mạnh tại Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận. Tuy nhiên, do đang thời điểm dịch bệnh phức tạp nên chỉ những trường hợp rất nặng mới đến viện để thăm khám và điều trị.

Hình ảnh một nữ bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công. Ảnh: BV Da liễu Trung ương.

Hình ảnh một nữ bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công. Ảnh: BV Da liễu Trung ương.

Điển hình như trường hợp của một nữ bệnh nhân ở Hà Nội bị tổn thương và viêm da tiếp xúc rất nặng ở vùng mặt phải nhập viện điều trị. Theo chia sẻ của người bệnh, ban đầu thấy có vệt đỏ khu vực mắt gây vướng, rát mắt.  Do không nghĩ là kiến ba khoang gây ra nên khi thấy ngứa, bà đã dùng tay quệt, gãi, dụi và tự mua kem (dạng mỡ) về bôi. Tổn thương không giảm mà ngày càng nặng nên bệnh nhân phải đi khám. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân ở trong tình trạng đau rát, khó chịu, không mở được mắt do mắt sưng nề, đỏ, má có một số mụn mủ tạo thành dải, vệt…

BS Giang cho biết viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là tình trạng kích ứng da do tiếp xúc với một số loài bọ cánh cứng thuộc giống Paederus. Bệnh còn được gọi là phát ban bọ cánh cứng, viêm da dạng dải, nhện liếm, bỏng ban đêm và viêm da Paederus. Những loại bọ thuốc giống Paederus tiết ra độc chất paederin làm mất liên kết giữa các tế bào, ức chế tổng hợp protein, tổng hợp DNA và phân bào gây nên các thương tổn da và cảm giác bỏng rát.

Tình trạng này tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu không biết cách xử lý thì có thể rất trầm trọng. Sai lầm hay gặp nhất là khi bị kiến ba khoang tấn công, nhiều người liền dùng tay đập, vô tình chà xát nọc độc trên da. Ngoài ra, khi da bị chất độc do kiến làm tổn thương gây khó chịu, nhiều người lại cào, gãi lên vết thương làm bội nhiễm tạo thành mủ, sốt, nhất là trẻ em. 

Tuyệt đối không dùng tay trực tiếp giết kiến ba khoang.

Tuyệt đối không dùng tay trực tiếp giết kiến ba khoang.

Một số trường hợp nhầm tổn thương do kiến ba khoang với bệnh zona thần kinh nên tự điều trị bằng thuốc bôi hoặc dùng thuốc dân gian đắp dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn.

“Việc tự ý điều trị có thể làm cho vết thương bội nhiễm, nhiễm trùng, loét, tăng sắc tố sau viêm thời gian dài. Tổn thương có thể lan rộng sang vị trí khác ngoài nơi tiếp xúc ban đầu, ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân”, BS Giang cho hay. 

Cần phân biệt với bệnh zona thần kinh

Viên da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể gặp ở mọi đối tượng và mọi nơi nhưng chủ yếu tập trung ở những vùng có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, nhất là vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.

Theo BS Giang, biểu hiện bệnh thường thấy là có ban đỏ dạng vệt xuất hiện 24-48 giờ sau khi tiếp xúc với kiến khoang, mọc mụn nước và mụn mủ sau 2-4 ngày. Các đặc điểm viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang bao gồm:

- Ban đỏ;

- Mụn nước và mụn mủ;

- Cảm giác nóng bỏng;

- Có “thương tổn dạng hôn nhau” ở nơi hai bề mặt uốn liền kề kết hợp với nhau.

- Viêm da quanh mắt, viêm kết mạc, viêm quy đầu do truyền chất độc qua tay.

Thương tổn dạng “nụ hôn” do kiến ba khoang.

Thương tổn dạng “nụ hôn” do kiến ba khoang.

Trong khi đó, bệnh zona lại có biểu hiện hoàn toàn khác, đó là:

- Là bệnh gây nên do virus varicella zoster;

- Thường có biểu đau nhức trước khi nổi mụn nước;

- Mụn nước đứng thành đám, số lượng từ vài chiếc đến vài trăm chiếc, mụn nước căng, chứa dịch trong, đôi khi dịch màu hồng.

- Tổn thương đi dọc theo dây thần kinh, ở một bên cơ thể, trừ những trường hợp suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV-AIDS;

- Đau nhức tại chỗ vùng tổn thương và kéo dài sau khi khỏi bệnh.

Xử trí và phòng tránh kiến ba khoang

BS Giang cho biết khi bị kiến ba khoang tấn công, bước đầu tiên nên rửa vùng bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước muối sinh lý, nước sạch trong 5-10 phút để loại bỏ độc tố pederin.

Sau khi làm sạch, hãy chườm mát và bôi kem làm dịu da, dùng cồn iốt có thể giúp khử trùng và trung hòa độc tố paederin. Ngoài ra, có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh, giảm viêm, giảm đau tại chỗ hoặc toàn thân (theo chỉ định của bác sĩ da liễu).Tuyệt đối không gãi, chà xát, đắp lá làm thương tổn lan rộng, bội nhiễm.

Để phòng tránh kiến ba khoang, BS Giang khuyến cáo các gia đình nên sử dụng lưới chống côn trùng vào ban đêm. Chọn nguồn sáng không phát ra tia UV và tắt đèn khi ngủ.

Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường xung quanh thông thoáng, quan sát, rũ sạch chăn ga, quần áo. Không loại bỏ côn trùng trực tiếp bằng tay, không làm nát côn trùng để tránh nhiễm độc.

Kiến ba khoang tấn công cư dân TP HCM, chuyên gia chỉ cách xử lý để không phải nhập viện
Khi bị kiến ba khoang tấn công, tuyệt đối không dùng tay chà xát mà nên nhẹ nhàng bắt, rồi rửa nhẹ nhàng khu vực ảnh hưởng bằng xà phòng và nước

Kiến ba khoang

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến ba khoang