Báo động tình trạng nhập viện do kiến ba khoang: Sai lầm khiến người bệnh tổn thương nặng hơn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 02/10/2020 09:13 AM (GMT+7)

Việc tự ý điều trị, nhầm lẫn tổn thương do kiến ba khoang với bệnh khác,…sẽ khiến tình trạng ngày càng nặng hơn, dẫn đến người bệnh phải nhập viện.

Có ngày bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công 

Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm thất thường, cùng với đó là nhiều nơi ở miền Bắc đang bắt đầu vào mùa gặt vì thế không ít nhà dân, khu dân cư, chung cư đang bị kiến ba khoang tấn công. Đã có rất nhiều người phải nhập viện trong thời gian gần đây, thậm chí là cả gia đình. Theo các chuyên gia, nhiều người bị viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang ở trong tình trạng nặng, tổn thương lan rộng là do thói quen sai lầm khi tự ý điều trị hoặc bắt côn trùng.

Ths.BS Quách Thị Hà Giang – Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, riêng tại bệnh viện này trong 2 tuần vừa qua số người nhập viện có liên quan đến kiến ba khoang tăng đột biến. Cao điểm có ngày tiếp nhận hơn 100 trường hợp đến bệnh viện thăm khám vì viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang.

Đã 4 ngày qua anh Hoàng Huy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã phải xin nghỉ làm vì bị viêm da ở nhiều bộ phận trên cơ thể người vì kiến ba khoang. Anh Huy cho biết, gần chung cư anh ở có một dự án xây dựng cây cối mọc um tùm, mới đây chủ đầu tư đến dọn dẹp để chuẩn bị khởi công, đó có thể là nguyên nhân khiến kiến ba khoang mất chỗ trú ngụ và tấn công vào nhà dân.

Báo động tình trạng nhập viện do kiến ba khoang: Sai lầm khiến người bệnh tổn thương nặng hơn - 1

Tổn thương do kiến ba khoang khá nặng nề và phải nhập viện điều trị.

“Có 1 tối tôi bắt được mấy chục con kiến ba khoang ở các bóng điện sáng, thậm chí đèn ngủ gần giường. Khi tìm bắt liên tục kiến con chui vào tủ quần áo ẩn nấp”, anh Huy chia sẻ. Khi bị viêm da, anh Huy ra hiệu thuốc gần nhà mua tuýp thuốc mỡ về bôi, tuy nhiên sau 4 ngày không đỡ nên phải đến viện viện thăm khám.

Bác Hoa (Hoài Đức, Hà Nội) cũng phải nhập viện trong tình trạng khu vực xung quanh mắt bị viêm da kích ứng nặng. Nguyên nhân cô Hoa bị viêm da là do sau khi giết kiến ba khoang cô nhỡ tay gãi vùng mặt nên bị độc tố của kiến ba khoang làm phồng rộp da.

Sai lầm thường gặp là giết xong không rửa tay, nhầm với bệnh khác

Bác sĩ Hà Giang cho biết, có hai sai lầm thường gặp nhất khiến tổn thương do kiến ba khoang ngày càng nặng đó là sau khi giết, chà sát kiến ba khoang xong không rửa sạch tay sau đó bôi ra khắp các bộ phận trên cơ thể, khiến tổn thương lan rộng. Điều thứ 2 là nhiều người hay nhầm lẫn kiến ba khoang với zona thần kinh, tự ý mua thuốc về bôi, điều trị khiến bệnh càng nặng hơn.

“Nếu điều trị không đúng, bôi sai thuốc, tự ý đắp lá thì tổn thương do độc tố của kiến ba khoang có thể bội nhiễm, nhiễm trùng, loét, tăng sắc tố sau viêm thời gian dài. Tổn thương lan rộng sang vị trí khác ngoài vị trí tiếp xúc ban đầu thì bệnh nhân có thể tổn thương vùng da khác như mắt sinh dục ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân”, bác sĩ Giang cảnh báo.

Báo động tình trạng nhập viện do kiến ba khoang: Sai lầm khiến người bệnh tổn thương nặng hơn - 2

Sau khi bắt kiến ba khoang phải rửa tay ngay không bôi lên các bộ phận khác trên cơ thể.

Để phân biệt tổn thương do kiến ba khoang gây ra với bệnh zona, BS Giang chỉ rõ, với zona thì mụn nước mọc thành chùm, khu trú; còn viêm da tiếp xúc do kiến khoang thường bệnh nhân thấy nóng rát trước sau đó thì xuất hiện rát đỏ, tổn thương đi theo thành từng vệt. Khi bệnh nhân gãi chà xát thì lan sang các vị trí khác, chủ yếu là cảm giác nóng rát hơn là cảm giác đau nhức của zona.

Tuyệt đối không được tay không bắt kiến

Khi phát hiện ra kiến ba khoang, người dân không nên dùng tay bắt trực tiếp, tốt nhất nên đeo găng tay, tuyệt đối không chà xát để tránh làm nọc độc lan rộng. Không tự ý điều trị làm chất độc lan rộng, không đắp bài thuốc dân gian khiến thời gian hồi phục lâu hơn.

Báo động tình trạng nhập viện do kiến ba khoang: Sai lầm khiến người bệnh tổn thương nặng hơn - 3

Không dùng tay không để bắt kiến ba khoang.

Nếu bị dính độc tố, cần nhanh chóng rửa sạch bằng xà bông, nếu có cồn có thể rửa sạch và sát trùng bằng cồn. Rửa càng sạch sẽ càng hạn chế được tác hại của độc tố kiến ba khoang. Sau khi sơ cứu người dân nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc đúng cách, thông thường vết thương do kiến ba khoang sẽ ổn định từ 5-7 ngày.

Theo các bác sĩ, về cơ bản, nếu xử lý đúng cách, vết thương do kiến ba khoang rất nhanh hồi phục. Để hạn chế tổn thương da do côn trùng này gây nên thì có thể xử lý ngay tại chỗ, dùng nước muối sinh lý rửa vết thương hoặc để vị trí da có tiếp xúc với côn trường dưới vòi nước để loại bỏ bớt độc chất tiếp xúc với da đi. Thời gian để tổn thương da dưới vòi nước khoảng 5-10 phút.

Khuyến cáo phòng kiến ba khoang của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế):

- Đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.

- Ngủ trong màn, tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt.

- Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

- Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng.

- Có thể xử lý diệt kiến bằng phun deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người.

Nhiều trẻ viêm da do dùng đồ hóa trang Halloween, cha mẹ lưu ý điều sau để bảo vệ con
Hàng năm, cứ đến dịp Halloween, Bệnh viện Da liễu TP.HCM lại tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị viêm da tiếp xúc do sử dụng các sản phẩm hóa trang...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến ba khoang