Khi bị kiến ba khoang tấn công mọi người không nên dùng tay chà xát kiến, bởi như vậy sẽ làm độc tố lan rộng gây bỏng da.
Thời gian gần đây, kiến ba khoang bắt đầu “tái xuất” ở khu vực Hà Nội, đặc biệt là các khu chung cư nằm ở ngoại thành. Theo chia sẻ của người dân, năm nào cũng vậy sau mua gặt, kiến ba khoang không còn chỗ trú ngụ tại các cánh đồng, nên chúng thường tìm đến các khu chung cư.
Chị Thanh Anh ở khu vực Hoài Đức (Hà Nội) 3 tuần nay cuộc sống đảo lộn vì kiến ba khoang tấn công. Theo đó, cứ vào mỗi buổi tối kiến tấn công mọi ngõ ngách trong nhà, con gái chị mới gần 1 tuổi bị kiến tấn công mọi bộ phận trên cơ thể khiến chị phải gửi con về nhà ngoại lánh nạn.
“Kiến tấn công tay, cổ, mặt, đùi và bẹn con gái tôi. Cứ bôi thuốc khỏi chỗ này thì lại bị chỗ kia. Khi đưa về nhà ngoại được vài hôm thì tình trạng cải thiện hẳn”, chị Anh nói. Thậm chí, bản thân chị không biết con bị kiến tấn công lúc nào, chỉ khi da bị chóc thì mới biết.
Hình ảnh bé gái bị kiến ba khoang tấn công khắp cơ thể.
“Mỗi tối vợ chồng tôi bắt được hàng chục con trong nhà. Tôi thường tắt điện, dùng đèn pin để một chỗ dụ kiến đến rồi bắt, nhưng bắt mãi không hết được”, người mẹ trẻ nói.
Mới chuyển về khu chung cư ở Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chị Quỳnh An choáng váng khi có ngày hai vợ chồng chị bắt đến gần 100 con kiến ba khoang trong nhà. Con gái chị An hiện được 7 tháng tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt, mà vẫn không tránh được sự tấn công của loại kiến này.
“Ngày tôi đi làm phải dặn bà trông con cẩn thận. Ban ngày ngủ cũng phải mắc màn nhưng hôm trước vẫn bị kiến bò vào tay. Nhà có con nhỏ nên gia đình tôi chỉ dám bắt thủ công, chứ không dám phun thuốc, khó để tiêu diệt hết kiến”, chị An nói.
Bác sĩ Duy cảnh báo độc tố có trong kiến ba khoang cao hơn cả rắn hổ.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy – Phụ trách Trung tâm Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng… Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn…
Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động, bị chà xát hoặc bị giết. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da có thể nhầm với tổn thương trong bệnh zona thần kinh. Tổn thương thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, hai tay…
Không chà xát kiến ba khoang khi phát hiện ra.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, khi bị chất độc của kiến ba khoang dính vào da, mọi người cần phải:
1. Lấy nước sạch mát rửa chỗ kiến đốt rồi cho xà phòng rửa. Bạn phải hết sức nhẹ nhàng nếu không sẽ làm trầy xước hoặc vỡ vết thương.
2. Nhanh chóng bôi hồ nước (có bán ở các hiệu thuốc)
3. Những ngày sau đó, tùy vào mức độ bị kiến đốt bạn có thể sử dụng một số loại thuốc sau bên cạnh việc bôi hồ nước đều đặn.
4. Khi nốt ban đỏ bị chuyển sang nốt mụn mủ, phồng rộp lên, bạn nên dùng thêm mỡ Oxyde kẽm, mỡ kháng sinh để bôi lên da.
5. Nếu vết đốt có dấu hiện lở loét, nhiễm khuẩn, bị rỉ mủ, bạn bôi thêm dung dịch xanh metilen 1% và để yên tâm bạn nên đến các cơ sở Y tế để khám và điều trị kịp thời.
6. Mỗi ngày bạn nên bôi thuốc thành 2 lần, trước khi bôi bạn rửa sạch vết thương với nước muỗi loãng (có bán ở các hiệu thuốc).
Viêm da do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên rửa nhẹ nhàng tại nơi tiếp xúc bằng nước muối sinh lý (0,9%) ngay lúc vừa tiếp xúc để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da, sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.
Gặp kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, phải xử trí thế nào? - Không nghiền nát, chà xát kiến khi thấy nó xuất hiện trên thân mình để tránh độc tố tiết ra. - Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương. Không tiếp xúc các vùng da lành với nơi bị dính độc tố. - Rửa sạch vết thương (nhất là ở vùng mắt) càng nhanh càng tốt khi bị dính chất độc, bôi thuốc, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. - Bàn tay nếu lỡ đập chết kiến ba khoang cần rửa sạch bằng xà phòng, càng sớm càng tốt, để tránh độc tố kiến dính vào. - Khi da bị tổn thương tấy đỏ, lan rộng phải đi khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa Corticoid, chất giải độc tố…nên cần có bác sĩ chỉ định mới được dùng. |