Người giúp việc đón giao thừa trong bệnh viện: Ngày kiếm tiền triệu, đêm về lại ôm điện thoại khóc

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 26/01/2023 09:40 AM (GMT+7)

Với những người làm giúp việc, chăm người ốm trong bệnh viện vì cơm áo, vì trách nhiệm với công việc họ phải ở lại nơi đất khách, quê người. Dù tiền được trả cao nhưng đêm về gọi điện cho gia đình họ lại ôm điện thoại khóc vì nhớ nhà.

Tết ai chẳng muốn về bên gia đình nhưng đi làm cần có trách nhiệm với công việc

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, chị Bùi Vân (SN 1986) vẫn đang tất bật với công việc của mình tại Bệnh viện 103. Hết cho bệnh nhân ăn, đến bưng bô, đổ rác rồi lại ngồi nắm bóp tay chân cho một cụ bà ngồi nằm trên giường bệnh. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ chị là một điều dưỡng chuyên nghiệp, nhưng không,  chị chỉ là một “ô sin bệnh viện”. “Gọi tôi là ô sin hay giúp việc đều được hết. Vì đây là một nghề, là lao động và kiếm tiền chính đáng mà”, chị Vân nói.

Tết đã đến gần nhưng những người làm nghề như chị Vân chẳng dám hẹn ngày về với chồng, con và những người thân hai bên nội ngoại. Do đặc thù công việc, nếu người bệnh được ra viện thì chị Vân mới được về, còn không chị phải ở lại làm việc xuyên Tết. Khi đó, tiền công sẽ được trả gấp đôi ngày thường, nhưng thực tâm chị Vân chẳng muốn.


Vì công việc chị Vân phải ở lại bệnh viện trông người bệnh, còn thật tâm chị vẫn muốn được về nhà dịp Tết.

Vì công việc chị Vân phải ở lại bệnh viện trông người bệnh, còn thật tâm chị vẫn muốn được về nhà dịp Tết. 

“Tâm lý ai cũng vậy thôi, Tết là muốn về với gia đình, người thân. Thế nhưng mình đi làm cần phải có trách nhiệm, chứ đừng vì lợi ích cá nhân bỏ bê người bệnh, như thế lương tâm mình cũng không cho phép”, người phụ nữ này chia sẻ.

Đến bây giờ chị Vân cũng không nhớ có bao nhiêu cái giao thừa phải xa gia đình, may mắn thay cả gia đình đều hiểu công việc chị đang làm và chấp nhận “ra Giêng ăn Tết”. “Xa gia đình vào dịp giao thừa buồn lắm, tủi thân lắm. Gọi điện về mà nước mắt trực rơi ra, rồi mẹ con, vợ chồng lại động viên nhau cố gắng, không khóc vì sẽ “dông năm mới”. Còn phía gia đình người bệnh, họ cũng vì công việc nên mới phải thuê người xa lạ chăm sóc cho người thân, hơn nữa mình làm nhiều quen tay chăm tốt hơn họ nên phải chấp nhận tạm hy sinh lợi ích cá nhân để giúp họ”, chị Vân tâm sự.

Với chị Tết ở bệnh viện chỉ cần được lời hỏi thăm của người thân bệnh nhân, hay với gia đình quan tâm hơn, cho chị chiếc bánh, khoanh giò, thậm chí là cả con gà luộc… đó là điều hạnh phúc nhất và có không khí Tết ở bên.

Khi xa nhà, nhất là vào dịp Tết, qua cuộc gọi cho người thân chị Vân cảm thấy tủi thân, nhớ nhà.

Khi xa nhà, nhất là vào dịp Tết, qua cuộc gọi cho người thân chị Vân cảm thấy tủi thân, nhớ nhà.

Khi người đàn ông đi làm giúp việc

Anh Nguyễn Văn Hữu (SN 1972, ở Vô Tranh, Hạ Hòa, Phú Thọ) hiện đang làm giúp việc cho người ốm tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Khi biết công việc của anh, ai cũng đặt câu hỏi: “Sao đàn ông lại đi làm ô sin, giúp việc”. Với người hiểu chuyện anh Hữu sẵn sàng chia sẻ, còn người hỏi với ngụ ý coi khinh anh chỉ biết cười cho qua chuyện.

Anh Hữu cho biết, nghề giúp việc được chia làm nhiều “mã ngạch” khác nhau. Có giúp việc theo giờ kiểu dọn nhà, trông trẻ. Rồi giúp việc toàn thời gian ở với gia đình. Còn giúp việc bệnh viện, tức đi chăm người ốm như anh là vất vả nhất. Một lý do nữa khiến anh Hữu chọn và gắn bó với nghề này hơn 10 năm nay đó là có thu nhập cao hơn việc làm ruộng ở quê nhà.

Anh Hữu đã chọn công việc giúp việc và gắn bó hơn chục năm qua.

Anh Hữu đã chọn công việc giúp việc và gắn bó hơn chục năm qua.

“Nam giới làm công việc này có lợi hơn là nữ giới vì cần phải có sức khỏe. Có bệnh nhân là thanh niên nặng gần một tạ, nếu chị em chăm sóc thì rất khó khăn trong việc nâng lên, đặt xuống. Khi đó nam giới có sức khỏe sẽ làm tốt hơn”, anh Hữu tâm sự.

Theo người đàn ông này, đặc thù của chăm người ốm đó là phải “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm việc tăng cường, thường thôi về thu nhập”. Nhìn vào công việc chăm bệnh nhân, nhiều người đặt câu hỏi với anh Hữu rằng: “Là nam giới nếu phải chăm bệnh nhân nữ thì sao?”. “Tôi luôn coi họ là người thân của mình. Mà đã là người nhà thì việc vệ sinh, tắm rửa là chuyện thường tình, có gì phải ngại”, anh Hữu trả lời.

Anh Hữu cho biết, thời khắc giao thừa gọi về cho gia đình mà người bản lĩnh, cứng rắn như anh cũng không cầm được nước mắt.

Anh Hữu cho biết, thời khắc giao thừa gọi về cho gia đình mà người bản lĩnh, cứng rắn như anh cũng không cầm được nước mắt. 

Dù là trụ cột gia đình, nhưng trong ngày Tết nếu bệnh nhân chưa ra viện anh Hữu vẫn sẵn sàng ở lại trông thông Tết. Bởi đã đi làm thì phải làm hết trách nhiệm của mình, nếu bỏ dở giữa chừng lần sau không ai dám thuê mình làm việc.

“Tôi ở lại làm Tết thường xuyên. Thậm chí lúc giao thừa người bệnh cần chăm sóc còn chẳng kịp gọi điện về cho gia đình, nhưng vì công việc biết làm sao được. Rồi sáng mùng một khi gọi điện về chúc Tết, gia đình gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, khóc khóc, cười cười, … cảm xúc khi đó vô cùng khó tả”, anh Hữu tâm sự.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, anh Hữu và chị Vân gửi lời chúc tới tất cả những người đồng nghiệp, tới mọi người luôn có thật nhiều sức khỏe và hãy thật có trách nhiệm với công việc mình làm. Đồng thời nhắn gửi người thân, nếu Tết này lại không về mọi người hãy đừng buồn, vì đó là công việc, vì gia đình nên phải chấp nhận!.

Người giúp việc đón giao thừa trong bệnh viện: Ngày kiếm tiền triệu, đêm về lại ôm điện thoại khóc - 5

Người giúp việc cho các nạn nhân vụ rơi máy bay MH17 ngày giáp Tết: Gia đình họ đang cười, như không có nỗi đau nào cả
Khi nói đến người giúp việc, chắc hẳn ai cũng nghĩ đến những người làm việc tại các gia đình, hay giúp việc theo giờ… chứ ít ai nghĩ đến có những người hàng ngày đang cần mẫn làm giúp việc cho những người đã khuất.

Tết nguyên đán

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán