Trong 7 ngư dân trên tàu QB 93256 bị Trung Quốc bắt giữ bi đát nhất là gia đình anh Trần Văn Tuấn (24 tuổi). Mẹ anh bị tai biến nên liệt tay chân, 4 người em bị thiểu năng trí não.
Chuyến xa khơi đầu tiên không may
Sau khi thông tin về việc 7 ngư dân ở 2 xã Quảng Phú và Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị Trung Quốc bắt và tạm giữ ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), phóng viên đã tìm về gặp người thân của những ngư dân này.
Chị Nguyễn Thị Hiền lo lắng cho số phận của chồng và anh em trai.
Chị Nguyễn Thị Hiền (31 tuổi, vợ của máy trưởng Lê Văn Thanh, em của thuyền trưởng Nguyễn Văn Thành, chị thuyền viên Nguyễn Anh Hùng) cho biết tàu QB 93256 TS vừa được mấy anh em trong nhà góp vốn mua lại và tu bổ hết hơn 800 triệu đồng.
Anh Thành chưa kịp làm thủ tục sang tên thì đã vội lên đường cho kịp vụ cá. Trên tàu gồm 7 người, nhưng chỉ có anh Thanh cùng 2 anh em ruột của chị là có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ, số còn lại đều chỉ mới lần đầu đi xa khơi dài ngày.
"Chiếc tàu được mua vào 9/6 và lên đường vào 16/6. Theo thông báo mà tôi nhận được thì tàu bị phía Trung Quốc bắt sau đó 4 ngày (20/6). Đến 27/6 mới có người đến nhà cho biết chiếc tàu cùng các ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ", chị Hiền cho biết.
Danh tính của các thuyền viên trên tàu bị Trung Quốc bắt: Nguyễn Văn Thành (33 tuổi), Lê Chí Thanh (36 tuổi), Nguyễn Anh Hoàng(29 tuổi) đều trú thôn Hải Đông, xã Quảng Phú; Nguyễn Văn Hoàng (22 tuổi) và Trần Văn Thuỷ (27 tuổi) đều trú thôn Phú Xuân; Nguyễn Văn HIển (28 tuổi) và Trần Minh Tuấn (24 tuổi) cùng trú thôn Xuân Hoà, xã Quảng Xuân. |
"Chúng tôi dành dụm được ít tiền, vay thêm từ ngân hàng mới mua lại được con tàu. Ai ngờ, mới đi chuyến đầu tiên thì đã bị bắt giữ. Tôi không rõ các anh em bị bắt giờ đang ở đâu và bị tội gì nhưng chỉ mong mọi người được khoẻ mạnh, mau chóng trở về", chị Hiền nói.
Đếm từng ngày chờ con về
Tìm đến nhà anh Trần Văn Thuỷ, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hoàn cảnh của ngư dân này. Tiếp phóng viên là bà Phạm Thị Phương (80 tuổi) và Trần Văn Kiểu (83 tuổi) - cha mẹ anh Thủy.
Thuỷ là con trai út trong 8 người con của 2 ông bà. Các anh chị của Thuỷ đều lập gia đình ra ở riêng, chỉ còn anh sống chung với bố mẹ. Anh là lao động chính nuôi 4 người gồm cha mẹ già yếu và vợ cùng cô con gái mới 2 tuổi.
Anh Trần Văn Thuỷ là lao động chính nuôi bố mẹ già và vợ cùng con gái.
"Chúng tôi ngày nào cũng xem tivi, nghe đài để theo dõi tin tức của thằng Thuỷ. Vợ nó nấu cơm cho tôi xong thì bồng con sang ăn cơm bên nhà ngoại, nó không ăn ở đây vì sợ hết gạo của 2 ông bà già này", bà Phương nói.
Tại nhà ngư dân Nguyễn Văn Hoàng, bố mẹ anh tiếp chúng tôi với tâm trạng đầy lo âu sau khi biết con trai bị bắt vẫn chưa được thả về.
"Nó thật thà lắm, xong lớp 6 thì nghỉ học đi biển từ năm 12 - 13 tuổi giúp bố mẹ. Chẳng biết nó ở bên ấy có bị người ta đánh đập gì không nữa...", nói đến đó rồi bà Nguyễn Thị Thầm (59 tuổi, mẹ anh Hoàng) khóc thút thít.
Ông Dạt cho rằng con trai mình rất khó trở về sớm.
Ông Nguyễn Văn Dạt (66 tuổi, cha anh Hoàng) rất ít nói khi phóng viên đến nhà, nhưng sau một lúc nghe chuyện về con trai, người đàn ông này chợt lên tiếng cùng những giọt lệ trên đôi mắt đỏ hoe.
"Tôi sợ thằng Hoàng chưa về được. Tôi từng đi lính nên hiểu phần nào tình hình hiện nay. Biển Đông đang căng lắm nên e rằng nó chưa thể về trong nay mai...", ông nói. Hoàng cũng là lao động chính trong gia đình. Nhà chỉ có 2 anh em, anh cả đã lấy vợ ra ở riêng, nên chỉ còn Hoàng làm lụng nuôi bố mẹ già.
Những ngư dân đáng thương
"Ba nó cũng đi biển nhưng gần bờ kiếm vài cân cá ăn hoặc bán lấy tiền mua gạo. Thuốc men cho mấy đứa em nó đều trông chờ vào thằng Tuấn cả. Không biết nó có về được không nữa....", bà Nguyễn Thị Hoan (48 tuổi) oà khóc khi chúng tôi đến nhà Trần Minh Tuấn ở thôn Xuân Hoà, xã Quảng Xuân.
Trong số 7 thuyền viên trên tàu QB 93256 TS, ngoài 3 anh em thuyền trưởng Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Anh Hùng cùng trưởng máy Lê Văn Thanh có kinh tế đỡ hơn một chút, còn lại 4 thuyền viên đều có hoàn cảnh rất khó khăn và đều là lao động chính trong những gia đình nghèo.
Người mẹ đang mang trong người máy tạo nhịp tim từng ngày mong con trở về.
Nhưng bi đát hơn cả là hoàn cảnh gia đình của Trần Văn Tuấn. Trước đây, Tuấn nhiều lần đi biển nhưng chủ yếu gần bờ, đi trong ngày hoặc dài lắm thì khoảng 1 tuần.
Nghe có tàu mới rủ đi biển dài ngày, trả lương cao (khoảng 7 - 8 triệu/tháng) nên Tuấn liền xin bố mẹ lên đường. Chàng trai mới 24 tuổi này dù chỉ học hết lớp 5 nhưng là lao động chính nuôi 9 miệng ăn trong gia đình (Tuấn là con đầu).
Ngày 11/7, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã đến TP.Tam Á, đảo Hải Nam để thăm hỏi, động viên 7 ngư dân Quảng Bình đang bị tạm giữ tại đây.
Đại diện sứ quán Việt Nam đã hỏi số điện thoại và gọi điện về cho chị Hiền vào 11/7, thông báo cho gia đình biết toàn bộ các thành viên trên tàu QB 93256 TS vẫn khoẻ mạnh và đang ở lại tàu. Mọi người chỉ bị hạn chế đi lại. Đại sứ quán Việt Nam đang đàm phán với phía Trung Quốc để giải quyết các vấn đề xung quanh tàu cá này cùng 7 ngư dân Quảng Bình để mọi người được nhanh chóng trở về với người thân. Bà Hoan vừa vượt qua cơn tai biến mạch máu não, vẫn đang chống nạng đi sau khi bị liệt 1 tay 1 chân. Tuấn có 5 đứa em thì chỉ có cậu em thứ 3 là Trần Văn Toàn (19 tuổi) là khoẻ mạnh. |
Đứa em gái kém Tuấn 2 tuổi bị thiểu năng, đang ở Sài Gòn trông con giúp người ta để kiếm tiền phụ gia đình. Ba đứa em trai là Trần Chí Văn (17 tuổi), Trần Ngọc Hoài (11 tuổi), Trần Thái Dương (8 tuổi) đều bị thiểu năng và được gia đình gửi học tại trường khuyết tật Quảng Xuân.
Đáng thương nhất là cậu em út Trần Thái Dương vừa bị thiểu năng trí não lại vừa bị câm. Dù bị câm nhưng Dương lại nghe và hiểu được một số điều người khác nói nên cậu bé thường lên cơn phá phách mọi thứ, trèo lên nóc nhà hoặc chạy lung tung trong xóm khiến mọi người lo lắng.
"Nó vẫn hay lên cơn động kinh, nằm la hét, tay đấm chân đạp mọi thứ xung quanh. Cả 3 thằng bị thiểu năng thì trường khuyết tật giữ lại 2 đứa em học tiếp, còn thằng anh bị người ta cho nghỉ học rồi. Nó 17 tuổi nhưng học mãi không qua lớp 5 và không nhớ gì cả", bà Hoan cho biết.
Bốn đứa con đều bị thiểu năng trí não nhưng theo như bà Hoan thì không một người nào được hưởng chế độ trợ cấp.