Buổi sáng, kênh Nhiêu Lộc còn mờ sương, một người đàn ông khua nhẹ mái chèo bằng hai chân, đẩy chiếc thuyền con rẻ sóng lướt tới. Trong hốc bờ kè, một chai nhựa nhỏ nhô lên. Ông liền cho thuyền tiến tới dùng sào nhọn vớt vật ấy lên cho vào khoang.
Một ngày xuôi dọc dòng kênh
Mặt trời vừa ló dạng, bà con đi tập thể dục ở bờ kè kênh Nhiêu Lộc đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông trên chiếc thuyền ba lá cũ, án ngữ giữa dòng nước đen.
Người đàn ông ấy là Phan Văn Tấm. Sinh ra ở vùng đất nghèo xứ Long An, ông và cả nhà đã phải bôn ba nhiều nơi. Để rồi, Sài Gòn trở thành điểm dừng chân cuối cùng của gia đình ông.
Duyên số đã đưa ông Tấm gắn bó đời mình với cái nghề nhặt phế liệu. Năm 2009, dự án kênh Nhiêu Lộc được hoàn thành, người ta vứt rác ngổn ngang xuống dòng nước. Một ý nghĩ lóe lên, người đàn ông này đã tìm mua chiếc thuyền ba lá nhỏ với giá 300 ngàn đồng. Rồi từ độ ấy đến cái tuổi lục tuần bây giờ, ông vẫn lênh đênh trên sóng nước để tìm nhặt phế liệu mưu sinh…
Chân khua mái chèo rẽ nước, ông Tấm thong thả rảo mọi khúc kênh.
6 giờ sáng, từ xóm trọ nhỏ ở phường 15 (quận Bình Thạnh), thuyền ông men theo con rạch xuôi về cầu Kiệu (quận 1). Trên khoang thuyền, chai nước lọc và hai ổ bánh mì là tất cả mọi thứ mà ông mang theo trong suốt một ngày dài lao động trên dòng kênh từ cầu Kiệu (quận 1) cho đến tận Út Tịch (quận Tân Bình).
Số chai nhựa nhặt được, ông bán cho vợ chồng người em gái đang ở cùng nhà với giá 5.500 đồng mỗi kí. “Trung bình mỗi ngày, tôi kiếm được 50 ngàn. Số tiền không nhiều, nhưng cũng đủ giúp tôi rau cháo sống qua ngày” – ông Tấm chia sẻ.
Sống thanh nhản, không màng thị phi
Tấp vào chân cây cầu nghỉ mệt giữa trưa, ông Tấm lấy ổ bánh mì trong khoang ra ăn vội. Mồ hôi chảy thành dòng xuống đôi gò má xương xương.
Ông phì cười: “Đời tôi nó cực vậy nhưng không có khổ đâu. Cô chú đừng xót! Tôi không vợ, không con. Tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng đủ để tôi có đời sống thanh đạm”.
Ông không màng cái cách người khác nhìn mình. Dù, họ có xem thường một người vớt rác. Với ông, phế liệu giúp ông có được cái ăn và còn làm sạch dòng kênh. Việc có ích như vậy, ông gắn bó và luôn thấy thoải mái.
Ý thức người dân khu vực được cải thiện, rác rưởi ít bị vứt xuống dòng kênh. Vài người lo lắng cho miếng cơm của ông. Người ta thấy ông không còn xuất hiện thường nhật như trước.
Nhưng không, khoảng độ 2 đến 3 ngày, ông Tấm lại xuất hiện. Ông cười hiền giải thích: “Rác ít thì tôi đi cách ngày thôi chứ không thể xa con kênh này được. Những ngày ngồi nhà không, tôi thấy nhớ”.
“Tri túc thường lạc”, quan niệm của người đàn ông này về cuộc đời thật đẹp. Không cần ai biết mặt gọi tên, ông lặng lẽ làm sạch dòng kênh. Và hằng ngày, người ta vẫn nhìn thấy bóng chiếc thuyền nhỏ rẽ nước những sớm tinh sương giữa nội đô thành phố…