“Tính tổng, tôi có 9 bé, trong đó có 2 bé đã qua đời. Hiện tại thằng lớn đã lên thành phố mưu sinh, tự nuôi bản thân. Còn đám nhỏ ở cùng tôi trong căn nhà của má", người phụ nữ 39 tuổi tâm sự.
Việc sinh con không chỉ còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Vì vậy sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hoá dân số. Và theo các văn bản của nhà nước khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.
Vậy mà đâu đó trên dải đất hình chữ S vẫn có cặp vợ chồng sinh hơn 2 con, thậm chí sinh một lèo 9 đứa con, như người phụ nữ tên Nguyễn Thị Thuý Hồng San (39 tuổi) dưới đây.
Chị Hồng San hiện sống tại Tân Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) trong căn nhà cấp 4 rộng vỏn vẹn chục mét vuông. “Đây là nhà của má tôi. Xưa nó là túp lều xập xệ, quanh năm mưa rột nắng chiếu. Sau đó chính quyền địa phương cùng mạnh thường quân đã giúp đỡ để xây dựng căn nhà bằng gạch, xi măng này.
Ngôi nhà chật chội nhưng lại là nơi sinh sống của hàng chục người đó! Các chị em gái của tôi lấy chồng, không có nhà riêng nên cũng dọn về đây sinh sống. Giáng sinh năm ngoái, má tôi bị tai biến phải nằm một chỗ nhưng cái giường tử tế cũng chẳng có. Tôi xót xa lắm”, người phụ nữ 39 tuổi tâm sự.
Chị Hồng San và những đứa con bé bỏng.
“Mẹ chị có mấy người con gái ở cùng, vậy mà vẫn khó khăn đến mức đó?”, khi được hỏi chị Hồng San thành thật cho biết tất cả đều đông con, không có việc làm ổn định, cuộc sống nghèo khó... vì thế chẳng thể đỡ đần gì được mẹ trong việc thuốc thang và đi châm cứu. “Chúng tôi chỉ có thể thay nhau chăm sóc mẹ, còn thuốc thang và tiền đi châm cứu 100.000 đồng/lần phải chạy vạy khắp nơi đó”, chị nói.
Về hoàn cảnh của chị Hồng San, có lẽ bi đát nhất trong các chị em ruột và ở vùng này không ai như thế. Chị cưới chồng từ năm 17 tuổi, sau đó hạ sinh một bé trai sinh năm 2002. Sau đó không lâu chị và chồng “đường ai nấy đi”.
Một thời gian sau, chị Hồng San đến với người chồng thứ 2 và có đến 8 đứa con. “Tính tổng, tôi có 9 bé, trong đó có 2 bé đã qua đời. Hiện tại thằng lớn đã lên thành phố mưu sinh, tự nuôi bản thân. Còn đám nhỏ ở cùng tôi trong căn nhà của má.
Thực sự giờ vợ chồng tôi đuối lắm rồi, chẳng thể gồng gánh nuôi nổi đám nhỏ ăn học nữa. Hai đứa sinh năm 2008, năm 2009 mới đây phải nghỉ học vì tôi hết khả năng đóng học phí. Một đứa đang học lớp 1 phải đi bộ hàng cây số vì không có xe đạp để chạy”, chị Hồng San không giấu nổi sự nghèo đói của gia đình.
Nhắc đến chuyện vì sao không dùng các biện pháp tránh thai để thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình của nhà nước, người phụ nữ 39 tuổi không ngần ngại thừa nhận bản thân thiếu hiểu biết, lại “không có duyên” với việc uống thuốc tránh thai nên cứ bầu là đẻ.
“Tôi có uống thuốc tránh thai đó. Nhưng có lẽ cơ địa của tôi không phù hợp với thuốc nên không hiệu quả, vẫn có thai bình thường. Khi bụng lớn tôi mới biết bản thân mình lại tiếp tục có bầu.
Nhiều người bảo tôi tại sao không bỏ bớt đi, đã nghèo lại đẻ lắm làm gì. Tôi nghĩ rằng “trời sinh voi ắt sinh cỏ”, con mình dù chỉ là một sinh linh bé bỏng nhưng cũng có số mệnh. Vì thế tôi quyết định giữ lại và sinh con ra để chúng được nhìn thấy ánh mắt trời, cuộc sống đời nên sống”, chị Hồng San tâm sự.
Hiện thực khắc nghiệt đã “quật ngã” vợ chồng chị Hồng San, đập tan suy nghĩ “trời sinh voi ắt sinh cỏ”. Cặp đôi ngày ngày phải đối diện với muôn vàn khó khăn khi sinh quá nhiều con. Chị phải lo cái ăn cái mặc và tiền học hành, sách vở cho các con.
“Đám nhỏ có thể mặc quần áo cũ hoặc đồ mạnh thường quân cho, chứ tôi làm sao dám để chúng nhịn ăn. Nhiều bữa tôi nhìn các con ăn cơm với nước mắm, rau luộc mà xót xa vô cùng. Tôi tự trách bản thân mình thiếu hiểu biết để rồi không lo cho các con cuộc sống đủ đầy”, chị Hồng San chia sẻ.
Hiện tại chị Hồng San ngoài việc chăm sóc đàn con nhỏ đã tranh thủ đi mò cua bắt cá bán cho người ta. Còn ông xã đi làm phụ hồ với đồng lương ít ỏi, chẳng đủ để chi trả phí sinh hoạt. Chị hi vọng rằng các con luôn khoẻ mạnh, chăm ngoan để hai vợ chồng an tâm làm lụng cho cho chúng.
Kế hoạch hóa gia đình là quá trình kiểm soát khả năng sinh con, điều chỉnh khoảng cách sinh con và số con trong gia đình. Có rất nhiều cách ngừa thai an toàn và hiệu quả, giúp các cặp vợ chồng thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Kế hoạch hóa gia đình bao gồm việc sử dụng cách ngừa thai tự nhiên, các biện pháp tránh thai, cách ngừa thai ngoài ý muốn và cả những cố gắng giúp cho các cặp vợ chồng khó sinh đẻ có thể mang thai. Có thể phân chia kế hoạch hóa gia đình làm 2 loại là kế hoạch hóa gia đình âm tính (giảm phát triển dân số) và kế hoạch hóa gia đình dương tính (tăng phát triển dân số). Trong đó, chủ yếu là kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm phát triển dân số, góp phần ổn định dân số, xây dựng xã hội phát triển. |