Trong gần 10 năm kể từ khi thành lập, khoảng 700 sinh viên đại học đã tình nguyện đi khắp 16 tỉnh thành và chụp hơn 70.000 tấm ảnh cưới cho hơn 2.500 người cao tuổi.
Nỗi tiếc nuối về người ông quá cố
Năm 2010, chàng thanh niên Trung Quốc Yu Jinwen khi đang là sinh viên năm thứ 2 bất ngờ nhận tin ông nội qua đời. “Chỉ đến khi gia đình tôi chuẩn bị tang lễ mới phát hiện không thể tìm thấy một bức ảnh nào của ông có thể dùng làm chân dung”, Yu Jinwen nhớ lại.
Gia đình cậu khi đó đã phải lấy ảnh CMND của ông, thực hiện chỉnh sửa để làm ảnh chân dung. Điều này trở thành nỗi tiếc nuối mà Yu Jinwen không thể xóa bỏ trong lòng.
4 năm trôi qua trong chớp mắt, năm 2014, Yu Jinwen sau khi được giữ lại trường có ý tưởng thành lập nhóm “Dự án hiện thực hóa ước mơ”, đưa sinh viên đến nhiều nơi và chụp lại những bức "ảnh trăm năm” cho người già. Anh không muốn nỗi tiếc nuối về ông xảy ra với nhiều gia đình nữa.
Ảnh cưới do "Dự án hiện thực hóa ước mơ" chụp.
Để thực hiện kế hoạch, Yu Jinwen đã đến thăm nhiều cộng đồng và khu vực nông thôn trong suốt cả năm 2014. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, anh phát hiện ngay cả khi mình muốn chụp “ảnh trăm năm” miễn phí cho người già, điều này cũng không dễ được họ chấp nhận.
“Vì cái chết thường là chủ đề bị tránh né nên người già sẽ ngừng nói về nó ngay khi họ nghe thấy “ảnh trăm năm””, Yu Jinwen cho biết nhiều người già xua tay từ chối khi anh ngỏ lời.
Nhưng Yu Jinwen không dễ dàng bỏ cuộc. Anh nhận thấy nhiều người cao tuổi ở nông thôn thường có ảnh cưới của con cái hoặc ảnh sinh nhật của các cháu nhưng bản thân lại không có ảnh tập thể hay ảnh cưới của mình. Lúc này, anh đã thay đổi quyết định, không còn theo đuổi việc chụp những bức “ảnh trăm năm” nữa mà thay vào đó là tặng họ bức ảnh cưới đầy ý nghĩa.
Và rồi, “Dự án hiện thực hóa ước mơ” chính thức được thành lập vào năm 2015. Trong năm đầu tiên, Yu Jinwen cùng tổng cộng 15 sinh viên đã tới huyện Jianshi thuộc khu vực Enshi ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Họ đến thăm nhiều khu dân cư và viện dưỡng lão, gõ cửa từng nhà để mời người cao tuổi chụp ảnh cưới miễn phí.
Dùng nhiều cách quyên góp tiền, mượn váy cưới để "hiện thực hóa ước mơ"
Những năm qua, để gây quỹ cho các hoạt động, thành viên trong nhóm đã nghĩ ra nhiều cách như tổ chức các cuộc thi; mở gian hàng trong mùa tốt nghiệp để bán quần áo chưa sử dụng, sản phẩm chăm sóc da, tài liệu ôn thi sau đại học... Để có váy cưới phục vụ chụp ảnh, họ đến các studio chụp ảnh hỏi mượn. Một số phụ huynh mở studio ảnh cưới khi biết đến dự án đã quyên góp quần áo để tạo điều kiện cho nhóm hoạt động.
Bên cạnh những khó khăn trong khâu chuẩn bị, việc giao tiếp với người cao tuổi cũng là một thách thức với nhóm các bạn trẻ này. Yu Jinwen còn nhớ lần đầu tiên anh nói về việc chụp ảnh cưới miễn phí, nhiều người tỏ ra không tin. Phải đến khi ảnh cưới được in ra gửi tận tay họ, những hiểu lầm mới được xóa bỏ.
“Dự án hiện thực hóa ước mơ” triển khai đã được gần 10 năm nhưng làm thế nào để giao tiếp hiệu quả với người cao tuổi vẫn là bài toán khó đối với nhóm sinh viên này. Nhiều khi, họ không hiểu được tiếng địa phương của người cao tuổi và cần sự trợ giúp của người dân tại chính nơi đó.
Các thành viên của "Dự án hiện thực hóa ước mơ" đã đến Lishui, Chiết Giang để chụp ảnh.
Trong quá trình thực hiện, nhóm bạn trẻ này có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Chỉ cách đây vài ngày, một ông cụ vốn đồng ý chụp ảnh cưới đột nhiên gọi điện lại báo rằng, vì vợ ông xấu hổ nên sẽ không chụp ảnh nữa. Lúc này, các thành viên của nhóm phải cố vận dụng vốn từ địa phương của mình, thuyết phục ông bà đồng ý.
“Với chúng tôi, việc chụp ít đi một vài bức ảnh không sao nhưng nếu để lại cho người già sự tiếc nuối thì đó sẽ là tổn thất rất lớn”, một thành viên của nhóm nói.
Đằng sau 70.000 bức ảnh cưới là nhiều kỷ niệm ấm áp
Trong 10 năm qua, Yu Jinwen đã cùng các thành viên trong "Dự án hiện thực hóa ước mơ" chụp tổng cộng hơn 70.000 bức ảnh cưới cho hơn 2.500 người cao tuổi. Những câu chuyện ẩn sau các bức ảnh này cũng đã trở thành tài sản sống của nhóm bạn trẻ.
Họ mãi không quên kỷ niệm về vợ chồng ông He Wenzao và bà Zhang Jiaoyun. Hai người kết hôn năm 1951, vì điều kiện khó khăn mà không thể tổ chức đám cưới và càng chẳng có bức ảnh nào. Không lâu sau khi kết hôn, ông He lên đường nhập ngũ, bà Zhang ở nhà một tay chăm sóc, nuôi nấng các con.
Ảnh cưới do "Dự án hiện thực hóa ước mơ" chụp.
"Gần như bà là người đã một mình nuôi nấng 3 người con. Hai vợ chồng họ giờ đây tóc đã bạc trắng, trong nhà có rất nhiều ảnh của con cháu nhưng chẳng có lấy một bức ảnh chụp chung", một thành viên nhóm nhớ lại. Vậy là họ trang điểm đơn giản cho bà, chuẩn bị cho cặp đôi bộ trang phục màu đỏ và một bức ảnh cưới đơn giản đã ra đời.
Còn rất nhiều câu chuyện đáng nhớ như vậy. Một lần, khi nhóm của họ đến Nội Mông, có một cô gái trẻ đã bày tỏ mong muốn mời nhóm chụp ảnh cưới cho ông bà tại nhà mình. Họ nhanh chóng nhận lời và đến như đã hẹn, giúp ông bà chụp một bộ ảnh để bù đắp những tiếc nuối trong quá khứ.
Trong quá trình chụp, bà của cô gái ngượng ngùng hỏi ông: “Chúng ta đã ở tuổi này rồi, chụp ảnh cưới có muộn không?” Ông đã đáp lại vợ mình rằng: “Chỉ cần trong lòng chúng ta còn tình yêu thì không bao giờ là quá muộn”.
Chụp ảnh cưới vẫn là hoạt động chính của "Dự án hiện thực hóa ước mơ". Điều khiến Yu Jinwen rất mừng là với sự thay đổi quan niệm, ngày càng có nhiều người lớn tuổi sẵn sàng chụp cho mình một bức “ảnh trăm năm". Anh cho biết, đến nay nhóm đã chụp được hơn 1.000 bức ảnh ý nghĩa này cho người cao tuổi.