Xót xa áo quan treo lên tận nóc nhà, mất 3 ngày chưa được an táng vì lũ dâng cao

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 21/10/2020 12:15 PM (GMT+7)

Nước lũ dâng cao, những gia đình không may có người tử vong đành phải treo áo quan lên giáp nóc nhà, đợi nước rút rồi mới đưa đi an táng.

Ngày 20/10, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nước lũ vẫn dâng cao. Rất nhiều đoàn từ thiện, cứu hộ đã có mặt tại đây để hỗ trợ người dân. Trong quá trình hỗ trợ, có nhiều cảnh tượng khiến các đoàn từ thiện cảm thấy xót xa vô cùng.

Đó là những gia đình có người không may tử vong vào đợt lũ, người thân đành treo áo quan lên tận nóc nhà chờ nước rút rồi mới mới an táng được. Thậm chí, có gia đình nước ngập quá cao không có chỗ để thi thể người mất, phải mang sang nhà người thân để gửi, đợi ngày an táng.

Bà L. (ở Đại Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) mắc bệnh hiểm nghèo tử vong ngày 17/10 nhưng vẫn chưa được an táng vì nước lũ quá cao. “Dù gia đình đã chuẩn bị mọi thứ vì bà L. mắc bệnh lâu ngày nhưng không ngờ bà lại ra đi đúng vào đợt lũ, chết rồi vẫn khổ”, một người hàng xóm bà L. chia sẻ.

Xót xa áo quan treo lên tận nóc nhà, mất 3 ngày chưa được an táng vì lũ dâng cao - 1

Quan tài bà L. được gia đình treo lên cao tận nóc nhà để tránh lũ.

Xót xa áo quan treo lên tận nóc nhà, mất 3 ngày chưa được an táng vì lũ dâng cao - 2

Nhà bà L. nhìn từ bên ngoài vào.

Ngày 20/10, do nước lên quá cao, gia đình bà L. đã phải chuẩn bị dụng cụ vừa kê đỡ bên dưới, vừa dùng dây thừng để treo lên tận nóc nhà. Trường hợp nước lũ tiếp tục dâng cao gia đình không biết sẽ phải làm sao vì xung quanh nhà ai cũng đã lụt quá nóc nhà. Hơn nữa, người sống còn trú nhờ được, chứ người chết đã quá 3 ngày chắc hẳn không ai muốn đưa vào nhà.

Ông Nguyễn Văn Hoàng – Chủ tịch xã Phong Thủy - cho biết trên địa bàn xã có một số người tử vong đúng đợt lũ lớn, chính quyền xã sẵn sàng có phương án để di dời thi thể người đã mất đến nơi an toàn, tổ chức an táng, tuy nhiên phía gia đình chưa đồng ý.

“Chính quyền cũng đã có thăm hỏi, động viên nhưng do phong tục nên gia đình vẫn muốn giữ người mất ở trong nhà, chờ nước rút rồi an táng. Hôm nay (21/10) nước không lên nữa nhưng rút cũng rất chậm”, ông Hoàng chia sẻ.

Cũng trên địa bàn huyện Lệ Thủy, một gia đình ở xã Thanh Thủy cùng mất đi 2 con nhỏ (cháu lớn 10 tuổi, cháu nhỏ 6 tuổi) trong cơn lũ dữ từ ngày 18/10, dự kiến hôm nay sẽ đưa đi an táng nhưng với tình hình nước lũ như hiện nay thì chưa thể nói trước điều gì.

Xót xa áo quan treo lên tận nóc nhà, mất 3 ngày chưa được an táng vì lũ dâng cao - 3

Áo quan của hai cháu bé liên tục được đôn cao lên bằng ghế nhựa.

Trước đó, gia đình quyết định đưa hai con sang ông bà nội ở gần đó để tránh lũ cho an toàn. Không ngờ khi mới di chuyển khỏi nhà khoảng 300 mét thì bất ngờ gặp sóng to, lật úp thuyền. Hai cháu nhỏ bị chìm vào nước lũ, nhiều người được huy động để tìm kiếm cháu bé nhưng đến 30 phút sau mới thấy được.

Do sợ nhà ngập chìm trong lũ nên thi thể hai cháu được đưa sang ông bà nội khâm niệm và chờ ngày mai táng. Nước lũ mỗi lúc một dâng cao, áo quan hai cháu liên tục được kê cao bằng gạch và những chiếc ghế xếp lại với nhau khiến ai chứng kiến cũng cảm thấy xót xa. “Tội hai đứa nhỏ, có nhà đó mà đến lúc chết cũng không được về...”, người thân cháu bé chia sẻ.

Đại diện chính quyền địa phương cũng cho biết đây là trường hợp tử vong hết sức thương tâm, hiện chính quyền cũng đã đến thăm hỏi động viên và dự kiến hôm nay sẽ đưa đi an táng.

Tính đến hết ngày 20/10, trong 2 tuần vừa qua, lũ lụt lịch sử ở miền Trung đã làm 106 người chết, 27 người vẫn còn đang bị mất tích và có tới 200.000 người phải sơ tán ra khỏi nơi có nguy cơ bị mất an toàn, hàng nghìn khu dân cư bị chia cắt và hàng vạn ngôi nhà bị ngập lụt.

Người cứu hộ lũ ở miền Trung: Lăn xả cứu dân nhưng đến người thân của mình lại bất lực
Trong khi đi cứu hộ người dân vùng lũ, chính người thân của Hùng cũng bị mắc kẹt cần giúp đỡ nhưng do bản thân ở xa nên lực bất tòng tâm.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mưa lũ lịch sử ở miền Trung