Thiên nhiên đã, đang và sẽ còn bị con người phá hoại một cách vô cùng tàn nhẫn chỉ vì lợi ích của các cá nhân và tổ chức. Cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên và hành tinh không đơn giản mà sẽ vô cùng khó khăn, lâu dài.
Thập niên 2010-2019 có lẽ là khoảng thời gian con người chứng kiến sự thay đổi rõ ràng nhất của thiên nhiên và những cụm từ như "biến đổi khí hậu", "tình trạng khí hậu khẩn cấp" hay "thảm họa thiên nhiên" xuất hiện ở khắp mọi nơi, trở thành đề tài nóng nhưng dai dẳng mãi không thể giải quyết được.
Tại Hiệp định Paris phòng chống biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ - UN) khi ấy là ông Ban Ki-moon đã phát biểu: "Các quốc gia đã cùng nhau có một lựa chọn mang tính lịch sử. Họ đã quyết định cùng nhau chung tay giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất của thời đại chúng ta". Nói thì dễ nhưng để đi đến hành động còn là cả một quá trình dài, và thực tế đã chứng minh con người không những không bảo vệ Trái đất, ngược lại còn đang tiếp tục phá hủy chính nơi mình sống một cách mạnh mẽ và tàn nhẫn hơn.
Ô nhiễm nhựa
Indonesia đã từng là một quốc đảo xinh đẹp với những bãi biển trải dài trong nắng, những bãi cát trắng tuyệt đẹp, là điểm đến du lịch nổi tiếng và cũng là nơi cư ngụ của nhiều loại sinh vật khác nhau. Tuy nhiên trong những năm gần đây, một trong những hoạt động thường xuyên tại đây lại không phải đi tắm biển hay đánh cá nữa, mà là đi nhặt rác thải. Theo hãng thông tấn AFP, Indonesia là nước xả rác thải ra biển nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Hai quốc gia này đã xả ra 1/3 lượng rác nhựa trên tất cả các đại dương.
Rác nhựa kinh hoàng trên các bãi biển ở Việt Nam.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), có khoảng 13 triệu tấn rác nhựa bị đổ ra biển mỗi năm, trong đó chỉ riêng châu Á đã chiếm 80%. Và đó chỉ là một phần nhỏ trong số 300 triệu tấn rác nhựa cả thế giới thải ra mỗi năm. Rác nhựa và nilon có mặt ở khắp mọi nơi, gây ra thảm họa mà người ta vẫn gọi là "ô nhiễm trắng".
Thế giới đang phải đối mặt với hơn 9 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên bề mặt Trái đất. Kể cả một lượng rác nhựa đã được đưa đi chôn vẫn phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm nữa mới phân hủy được. Điều này sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, xói mòn đất, ngăn cản oxy qua đất, đất không giữ được nước và chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sinh trưởng của thực vật, không còn nơi cư trú và thức ăn cho động vật, từ đó còn kéo theo hàng loạt tác hại khác như gây ra thiên tai, lũ lụt...
Một chú chim tại quần đảo Midway Atoll chết do ăn phải quá nhiều rác thải nhựa.
Loài ó biển tại đảo Grassholm (nước Anh) đang vùng vẫy vì bị mắc kẹt trong lớp rác nhựa nổi trên mặt biển.
Trong khi đó, các loài sinh vật biển vẫn đang "kêu cứu" khi hàng triệu tấn rác nhựa nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Mỗi năm, hơn 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc rác nhựa. Lượng rác nhựa trên biển hiện nay ước tính 150 triệu tấn, xấp xỉ 1/5 khối lượng cá. Nếu cứ tiếp tục tình trạng xả rác nhựa như hiện tại, khối lượng rác nhựa sẽ lớn hơn cả khối lượng cá vào năm 2050.
Vòng xoáy hải lưu ở phía Bắc Thái Bình Dương chứa hàng nghìn tỉ mảnh rác nhựa, tạo thành một khối rác xoáy khổng lồ có kích thước ngang với bang Texas của Mỹ.
Những hình ảnh các loài động vật trên rừng và dưới biển chết vì ăn phải rác nhựa, bụng động vật khi mổ ra chỉ toàn là rác nhựa đã ám ảnh biết bao người.
Các loài động vật đang chết dần chết mòn vì rác nhựa.
Chặt phá rừng
Theo Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF), mỗi năm thế giới mất khoảng 7,5 triệu ha rừng và phần lớn do bàn tay con người. Việc chặt phá, đốt phá và khai thác rừng một cách ồ ạt, trái phép, không có quy hoạch là nguyên nhân dẫn tới nhiều cánh rừng nguyên sinh bị phá hủy.
Khu rừng ở gần vườn quốc gia Oregon, Mỹ trọc lốc vì bị khai thác quá mức.
Với mục đích khai thác gỗ và mở rộng diện tích canh tác, con người không chỉ làm mất đi một nguồn cung cấp oxy quan trọng và giúp điều hòa khí hậu cho Trái đất, việc phá rừng còn khiến nhiều loài động thực vật chết dần chết mòn vì mất môi trường sinh sống, thậm chí đi tới bờ vực tuyệt chủng. Phá rừng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.
Khai thác vàng ở Peru phá hủy các cánh rừng trên diện rộng.
Brazil không kiểm soát được việc khai thác gỗ tại rừng Amazon.
Tháng 11/2019, Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) cho biết, 9.762 km2 rừng Amazon đã bị phá hủy trong năm đó, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2018. Con số này là lớn nhất trong vòng 11 năm qua. "Lá phổi của hành tinh" bị phá hủy đồng nghĩa với việc hàng tỷ thực vật bị chết, hàng trăm triệu động vật không có nơi sinh sống, lượng oxy cung cấp cho Trái đất ít đi và biến đổi khí hậu tăng lên.
Đánh bắt, giết hại và buôn bán động vật hoang dã
Việc buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã có trị giá từ 7–19 tỷ USD mỗi năm, trở thành một trong năm 5 ngành buôn bán trái phép có lợi nhuận cao nhất trên thế giới sau ma túy, vũ khí, hàng giả và buôn bán người. Rủi ro thấp mà lợi nhuận lại cao đã khiến việc săn bắt và buôn bán động vật hoang dã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức tội phạm trên thế giới.
Tê giác bị cưa sừng để buôn bán trái phép.
Quy mô và mức độ của việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã đã phát triển lớn đến nỗi doanh thu của nó hiện nằm trong số các nguồn tài sản bất hợp pháp hàng đầu thế giới. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), tác động của con người đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài hoang dã trên thế giới hiện nay nhanh gấp khoảng 4.000 lần so với thời kỳ Đại tuyệt chủng của các loài khủng long. Nếu không có hành động khẩn cấp, con người có thể phải chứng kiến cuộc đại tuyệt chủng các loài hoang dã lần thứ 6 trong lịch sử.
Sư tử tại Nam Phi bị bắt và giết hại nhiều tới mức đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Một con voi gầy trơ xương tại trại huyến luyện để mua vui cho khách tại Bangkok, Thái Lan.
Sử dụng hóa chất trong công nghiệp và nông nghiệp
Ngành công nghiệp và nông nghiệp mang lại sự giàu có cho con người nhưng mặt trái của nó cũng gây ra không ít hậu họa nguy hiểm, mà tiêu biểu nhất là tác động xấu tới môi trường. Những hóa chất, chất thải, khí thải đến từ công nghiệp và nông nghiệp đang "ăn mòn" thiên nhiên mỗi giờ, mỗi ngày và thực tế, con người đã nhận ra nhưng lại chưa có hành động gì thiết thực, đến nơi đến chốn.
Ô nhiễm không khí tại Thái Lan đang ở mức đáng báo động.
Năm 2019, người dân tại Thái Lan, đặc biệt là các thành phố lớn như Bangkok, Chiang Mai đã không biết bao lần phải đối mặt với ô nhiễm không khí và môi trường, khi cả thành phố được bao quanh bởi một lớp khói bụi dày đặc. Nguyên nhân của ô nhiễm được cho là do khí thải giao thông, hạ tầng không ổn định, đốt cháy nông nghiệp và khói nhà máy. Nó đã gây ra một loạt tác động xấu tới sức khỏe con người. Người dân Thái Lan thì đổ xô đi mua khẩu trang y tế còn chính quyền chỉ nghĩ ra cách phun nước vào không khí để giảm bụi.
Khẩu trang cháy hàng tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Ngành nông nghiệp cũng gây ra những tác động tương tự khi thuốc trừ sâu và phân bón hóa học được sử dụng rộng rãi để nâng cao năng suất cây trồng, giảm thiểu sức lao động cho con người. Tuy nhiên, việc lạm dụng hóa chất này đã tăng tới mức báo động, gấp 26 lần trong vòng 50 năm qua. Hóa chất tồn đọng trong đất không chỉ ảnh hưởng tới cây trồng mà còn gây ra tác hại cho động vật, nguồn nước...
Hóa chất sử dụng trong ngành nông nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn đất và nguồn nước.
Những hành động thiết thực
Trên đây chỉ là số ít trong rất nhiều những hành động mà con người đã làm khiến môi trường thiên nhiên bị phá hủy. Mặc dù mang lại lợi nhuận trước mắt nhưng con người không nhận ra rằng những hành động của mình đã góp phần gây hại chính nơi mình đang sống.
Do đó, chỉ cần mỗi hành động nhỏ của con người, mỗi nỗ lực tuy nhỏ cũng có thể góp phần lớn vào công cuộc bảo vệ môi trường, cải thiện thiên nhiên.