Dù vẫn chưa thể kết luận chiếc máy bay Boeing B777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia có phải bị tấn công khủng bố hay không. Nhưng việc nó mất tích đầy bí ẩn khiến người ta buộc phải nhớ rằng, máy bay đã và đang là công cụ “tuyệt vời” để bọn khủng bố lựa chọn.
18.722 là số người đã thiệt mạng sau 2.298 vụ tai nạn máy bay trên thế giới trong vòng 14 năm qua (tính từ năm 1999 đến 2012). Đây là một con số quá lớn khiến chúng ta phải giật mình. Tuy nhiên, nhiều người hẳn sẽ còn bất ngờ hơn khi biết một phần không nhỏ trong số đó là nạn nhân của các cuộc khủng bố. Dưới đây là những vụ khủng bố đẫm máu nhất liên quan tới máy bay.
329 người mất mạng trong chuyến bay kinh hoàng
Khủng bố bằng máy bay đã diễn ra từ rất lâu, nhưng đến những năm 80 của thế kỷ trước nó mới thực sự bùng nổ mạnh mẽ và gây thiệt hại rất nặng nề. Vụ khủng bố chuyến bay 182 của Air India (Hãng hàng không Ấn Độ) có thể coi là vụ thiệt hại lớn đầu tiên.
Chuyến bay 182 của Air India
Ngày 23/6/1985, chiếc máy bay Boeing 747-237B khởi hành từ sân bay quốc tế Montreal-Mirabel (Canada), quá cảnh ở London và đến sân bay quốc tế Indira Gandhi (Ấn Độ). Tuy nhiên, khi bay tới không phận Ireland, nó đã bị đánh bom và đâm xuống Đại Tây Dương. Toàn bộ 329 người trên chuyến bay 182 đều thiệt mạng, trong đó có 268 người Canada, 27 công dân Anh và 24 người Ấn Độ. Đau buồn hơn là chỉ một nửa số xác những người thiệt mạng được tìm thấy.
Đây có thể nói là vụ khủng bố man rợ nhất trong lịch sử có liên quan tới công dân Canada. Nó cũng là vụ khủng bố máy bay tồi tệ nhất trên lãnh thổ Ireland. Đồng thời là một trong những vụ án có nhiều kỷ lục: công việc điều tra kéo dài nhất, tốn kém nhất, làm chết nhiều nhân chứng nhất.
Có nhiều nghi vấn được đặt ra về kẻ đứng sau vụ khủng bố. Nhưng đa phần đều có chung nhận định, đây là hành động trả đũa của những người Sikh sau khi Chính phủ Ấn Độ tấn vào Ngôi đền thiêng liêng này ở bang Punjap. Dù các cuộc điều tra được cơ quan tư pháp Canada và Ấn Độ tiến hành trong hơn 300 ngày và tốn kinh phí lên đến 130 triệu đô la Canada, nhưng họ vẫn chưa đưa ra được một kết luận thuyết phục. Vì vậy, đến nay kẻ chủ mưu của vụ khủng bố chuyến bay 182 vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng
Máy bay Hàn Quốc nổ tung trên bầu trời Thái Lan
Đây là một trong những vụ khủng bố được chuẩn bị kỹ lưỡng và gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đồng thời nó cũng đào thêm hố sâu ngăn cách giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Xác chiếc máy bay KAL-858
Vào ngày 29/11/1987, khi đang bay trên lộ trình từ Baghdad đến Seoul, chiếc máy bay thương mại Boeing 707-3B5C mang số hiệu KAL-858 đã phát nổ trên không phận Thái Lan bởi 1 quả bom được đặt bên trong cabin chứa hành lý phía trên ghế ngồi.
Trên máy bay khi đó gồm 104 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn, trong đó có 113 người mang quốc tịch Hàn Quốc, 1 người quốc tịch Ấn Độ và 1 người mang quốc tịch Lebanon. Tất cả đều thiệt mạng.
Thủ phạm được xác định là 2 mật vụ có quốc tịch Triều Tiên, 1 nam và 1 nữ. Sau khi khủng bố, thủ phạm đã chạy trốn đến Bahrain. Cả hai đã tự sát bằng chất độc cyanide trước khi bị các lực lượng an ninh bắt giữ. Tuy nhiên, chỉ có người đàn ông bị chết vì ngộ độc cyanide, còn nữ thủ phạm là Kim Hyon Hui được cứu sống và sau đó đã thừa nhận với các cơ quan điều tra Hàn Quốc về vụ đánh bom.
Kim Hyon Hui (giữa) khi bị dẫn độ về Hàn Quốc
Theo những gì Kim Hyon Hui khai báo, cô đã được nhà nước Triều Tiên huấn luyện đặc biệt để tiến hành vụ đánh bom kể trên. Với những bằng chứng không thể chối cãi, Triều Tiên cuối cùng phải thừa nhận về sự dính líu đến vụ tấn công. Ngay sau đó, Mỹ đã xếp Bình Nhưỡng vào danh sách tài trợ khủng bố. Còn quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên trở nên cực kỳ căng thẳng và nhiều lúc bị đẩy đến miệng hố chiến tranh.
Kim Hyon Hui ở thời điểm hiện tại
Về phía Kim Hyon Hui, cô đã bị kết án tử hình, nhưng nhờ sự thành khẩn khai báo nên được Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh Tae-woo ân xá và trả tự do. Hiện Kim Hyon Hui đang sống ở Seoul và được chính quyền Hàn Quốc bảo vệ khá kỹ lưỡng.
Thảm họa hàng không Lockerbie
Vào ngày 21/12/1988, thế giới bàng hoàng bởi vụ đánh bom máy bay trên bầu trời Lockerbie (Scotland), khiến 270 người thiệt mạng.
Chiếc Boeing 747-121 có số hiệu N739PA đã phát nổ sau 30 phút cất cánh trong hành trình từ sân bay London Heathrow (Anh) tới sân bay quốc tế John F. Kennedy (Mỹ). Toàn bộ 243 hành khách, cùng 16 thành viên phi hành đoàn và 11 người trên mặt đất đã thiệt mạng khi các mảnh vỡ rơi xuống thị trấn Lockerbie. Đa số hành khách và thành viên phi hành đoàn đều là công dân Mỹ.
Đến nay, đây vẫn được xem là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại Anh và là vụ tấn công có nhiều người Mỹ thiệt mạng nhất sau vụ 11/9.
Đầu chiếc Boeing 747-121 bẹp rúm khi rơi xuống Lockerbie
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, một lượng thuốc nổ từ 340 đến 450g đã được bọn khủng bố cho phát nổ trong khoang chứa hàng. Điều này khiến phía bụng bên trái của máy bay bị thủng và kéo theo sự phá hủy hàng loạt các bộ phận khác khi gió lùa vào. Đầu và thân máy bay thậm chí còn bị tách rời trước khi tất cả cùng rơi xuống từ độ cao khoảng 9.400m.
Tên khủng bố duy nhất bị kết tội trong vụ này là một nhân viên tình báo người Libya, Abdelbaset Ali Mohmed al Megrahi. Tuy nhiên, vào tháng 8/2009, hắn được ân xá khỏi một nhà tù Scotland do bị ung thư tuyến tiền liệt và mất vào năm 2012.
Hiện có rất nhiều bằng chứng cho rằng, chính cựu Tổng thống Libya - ông Muammar Gaddafi - là người đứng sau vụ tấn công đẫm máu này. Thậm chí, cựu Bộ trưởng Tư pháp Libya cũng thừa nhận Gaddafi là chủ mưu.
Vụ khủng bố 11/9
Vụ khủng bố liên hoàn 11/9 ở Mỹ là vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại nói chung và ngành hàng không nói riêng. Nó được lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ và cũng được thực hiện gần như hoàn hảo. Không chỉ đơn thuần là phá hủy máy bay và giết chết hành khách, những kẻ khủng bố điên cuồng còn biến máy bay thương mại thành những quả bom để đâm thẳng vào những vị trí mà không ai ngờ tới.
Chiếc Boeing 767-222 số hiệu 175 chuẩn bị đâm vào Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới.
8h46 ngày 11/9/2001, chiếc máy bay Boeing 765 của hãng American Airlines bị không tặc khống chế và lao vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), tại Manhattan, New York, với tốc độ 700 km/giờ. Toàn bộ 92 hành khách (cả không tặc) và 9 thành viên tổ bay có mặt trên chiếc Boeing 765 đều thiệt mạng. Rất nhiều người đang làm việc tại Tháp Bắc cũng cùng chung số phận.
9h04, Tháp Nam của WTC bị chiếc máy bay Boeing 767-222 số hiệu 175 của United Airlines đâm vào với vận tốc 870 km/giờ. Toàn bộ 65 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng ngay lúc đó.
9h38 cùng ngày, chiếc Boeing 767-222 số hiệu 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc, trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nó đã lao vào tòa nhà này với tốc độ cao nhất, khiến toàn bộ 64 hành khách và tổ bay thiệt mạng. 125 nhân viên dân sự và quân sự làm việc tại Lầu Năm Góc cũng cùng chung số phận.
10h04, chiếc máy bay Boeing 757-222 số hiệu 93 của hãng United Airlines lao xuống một cánh đồng ở Shanksville, bang Pennsylvania. Nhiều giả thiết được đưa ra về nguyên nhân dẫn tới việc này, trong đó nhiều người tin rằng nhóm không tặc bị mất quyền kiểm soát chiếc máy bay khi đụng độ với các hành khách.
Hiện trường vụ khủng bố 11/9
Với tổng cộng gần 3.000 người đã thiệt mạng và hơn 6.200 người bị thương, 11/9 được xem là ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ và ngành hàng không dân dụng thế giới.
Vụ khủng bố 11/9 là một đòn đau đánh vào nước Mỹ và khiến Nhà trắng phải thay đổi chính sách đối ngoại. Đồng thời nó còn châm ngòi cho cuộc chiến Afghanistan làm biến chuyển ít nhiều cục diện khu vực Trung Đông và thế giới.
Riêng với ngành hàng không, ngăn chặn khủng bố đã trở thành hành động không thể thiếu trong việc đảm bảo sự an toàn cho mỗi chuyến bay.
Mời độc giả theo dõi toàn bộ thông tin về vụ việc Máy bay Malaysia mất tích trên tin tức EVA. Chúng tôi liên tục cập nhật diễn biến của vụ việc: Họp báo 2 lần/ngày vụ tìm kiếm máy bay mất tích Máy bay mất tích: Interpol điều tra nghi vấn khủng bố Máy bay Malaysia có thể đã phát nổ trên không Chân dung cơ trưởng máy bay Malaysia mất tích |