Ngay sau khi chồng mất, người phụ nữ này đã bị người thân bạo hành dã man. Nếu cô không tuân theo và cố tình chống cự, cô sẽ bị cộng đồng buộc tội giết chồng.
Trong nhiều năm, cửa hàng quần áo của cô Rose tại thành phố Lagos, Nigeria là điểm đến của nhiều phụ nữ để tìm kiếm những bộ trang phục dự tiệc hoặc muốn ăn mặc đẹp. Cô Rose thường xuyên tới Thổ Nhĩ Kỳ để tìm vải tốt may đồ cho khách hàng. Vào những ngày cuối năm, khi các lễ hội thường xuyên diễn ra, cô Rose bận rộn tới nỗi phải nhờ con cái hỗ trợ. Cửa hàng nhỏ nằm ở khu Oshodi, giữa trung tâm thành phố nhộn nhịp, đã ăn nên làm ra suốt nhiều năm cho đến khi một bi kịch xảy ra vào năm 2015.
Chồng của cô Rose được chẩn đoán bị suy thận mãn tính. Hai năm sau đó, anh ta qua đời ở tuối 55, biến cô Rose trở thành một góa phụ. Ở quốc gia mà chỉ 4% trong số 195 triệu dân được tiếp cận với bảo hiểm y tế, việc chi tiền chữa trị cho chồng đã khiến kinh tế của gia đình cô Rose cạn kiệt nhanh chóng.
Cô Rose, 45 tuổi, nói trên tờ CNN: "Tôi đã bán mọi thứ trong cửa hàng của mình, thậm chí là bán lỗ, để có đủ tiền chạy thận hàng tuần cho chồng".
Tuy nhiên, tất cả những sự nghèo khó ấy vẫn chưa là gì so với những điều mà cô Rose phải đối mặt sau cái chết của chồng vào năm 2017. Sau khi chồng qua đời, cô Rose đã bị những người thân trong gia đình ép phải trải qua một nghi lễ cạo đầu, cạo lông và lột truồng ngay cạnh mộ chồng vừa chôn. Khi cô Rose từ chối, họ đe dọa rằng cô và các con sẽ bị trục xuất khỏi cộng đồng này.
Cô Rose bị cạo đầu và lột truồng ngay cạnh mộ chồng để "tẩy uế".
"Tôi chưa bao giờ muốn trải qua chuyện đó. Nhưng khi tôi hỏi rằng nếu tôi không làm theo thì sao, họ nói rằng việc tôi từ chối đồng nghĩa với việc tôi đã giết chồng mình", cô Rose chia sẻ.
"Họ ném thức ăn cho tôi như thể tôi là một con chó"
Ở các khu vực miền nam Nigeria, những góa phụ như cô Rose phải gánh chịu một hủ tục sau khi chồng qua đời. Họ có thể bị nhốt trong nhiều tuần, không được ăn uống và sống trong điều kiện mất vệ sinh.
Những góa phụ bị xem là "ô uế" và cần được "tẩy uế" bằng những nghi lễ như cạo đầu, cạo lông và lộ truồng bên cạnh mộ chồng, thậm chí bị ép tái hôn với một người đàn ông trong họ hàng nhà chồng.
Trong một số trường hợp người chồng chết trẻ, người vợ trở thành nghi phạm. Cô ta có thể bị ép uống nước dùng để tắm xác chết hoặc bị ép nằm bên cạnh thi thể để chứng minh mình vô tội, theo một nghiên cứu trên Tạp chí Quốc tế về Nhân văn và Khoa học Xã hội xuất bản năm 2015.
Những người từ chối tiến hành các nghi lễ trên sẽ bị cộng đồng buộc tội giết chồng, đồng thời bị trục xuất khỏi nơi sinh sống.
Đã 3 năm kể từ khi chồng của cô Rose qua đời nhưng mỗi khi nhắc lại những hủ tục mà mình đã trải qua, giọng của cô vẫn run rẩy. Cô kể rằng mình đã bị nhốt trong một căn phòng phía sau nhà bố mẹ chồng suốt 2 tuần: "Họ ném thức ăn cho tôi như thể tôi là một con chó. Không có bất cứ ai chạm vào tôi vì cho rằng tôi là điều ô uế".
Một ngày trước khi cô Rose được thả ra, một nhóm góa phụ già đã tới tìm cô. Rose kể: "Họ đánh thức tôi dậy lúc 2h sáng và bắt tôi phải khóc quanh mộ chồng. Họ bắt tôi phải khóc thật to, cho đến khi tiếng khóc đánh thức những người xung quanh. Sau đó, họ ép tôi cạo tóc, cạo lông, cắt móng tay, thậm chí lột truồng. Họ đốt tóc và quần áo của tôi, sau đó bắt tôi tắm ngay tại chỗ. Tôi từ chối vì không thể tắm giữa ban ngày ban mặt nhưng họ vẫn ép buộc. Mọi người đều nhìn chằm chằm. Tôi đã ở đó từ 2h sáng đến 4h chiều. Tôi chỉ muốn nó kết thúc".
Ngày hôm sau, Rose được đưa tới một buổi họp mặt ở làng, nơi cô bị ép kết hôn với một người đàn ông khác trong số họ hàng nhà chồng hoặc trong cộng đồng này. "Họ nói rằng tôi phải chọn một người chồng thay thế. Tôi đã bị sốc. Một người đã nói rằng tôi có thể chọn con trai mình và tôi đã làm thế nhưng hầu hết đều không hài lòng với lựa chọn đó. Tôi là một trong số nhiều góa phụ bị sỉ nhục", cô Rose nói trong nghẹn ngào, ánh mắt vẫn dán chặt vào bức ảnh người chồng quá cố.
Bà Flora Alatan, Ủy viên phụ trách các vấn đề phụ nữ tại bang Delta, Nigeria, nói trên tờ CNN rằng đang cố gắng hợp tác với Bộ Tư pháp để thông qua Đạo luật Chống bạo hành con người (VAPP) - đạo luật liên bang với những điều khoản trực tiếp trừng phạt việc đối xử tệ với các góa phụ. Trong Đạo luật VAPP, những người cố tình lạm dụng góa phụ có thể bị bỏ tù tối đa 2 năm hoặc nộp phạt 500.000 (hơn 30 triệu đồng).
Bà Flora trong thời gian chịu tang chồng.
Năm 2015, Đạo luật VAPP đã được ký nhưng phần lớn trong số 36 bang tại Nigeria vẫn chưa thông qua, do đó đạo luật vẫn chưa được ban hành.
Bà Flora cho biết, trong khi thúc đẩy đạo luật được thông qua, bà cũng cùng các nhân viên đi vận động cộng đồng, khuyến khích phụ nữ tố cáo nếu gặp trường hợp như vậy. Bà Flora nói: "Chúng tôi không chỉ nói chuyện với phụ nữ mà còn cả con gái của họ. Việc giáo dục những cô gái rất quan trọng nếu muốn chấm dứt những sự bất bình đẳng này".
Trước đó, bà Flora cũng suýt trở thành nạn nhân của hủ tục. Sau khi chồng mất, bà đã bị họ hàng ép tiến hành một số nghi lễ: "Tôi đang để tang chồng thì họ nói tôi cần tiến hành một số nghi lễ truyền thống. Tôi đã nói: "Không! Tôi sẽ không cúi đầu và không ai ép buộc tôi làm việc đó được"". Tuy nhiên, không phải ai cũng can đảm được như bà Flora, do đó việc thông qua đạo luật là rất quan trọng.
Bà Flora hiện đang đấu tranh để Đạo luật VAPP được thi hành.
Lấy danh nghĩ văn hóa để lạm dụng phụ nữ
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, có tới 258 triệu góa phụ trên thế giới và 2 triệu trong số đó là tại Nigeria. 25% trong số họ phải đối mặt với rào cản lớn và 33% bị tổn hại, theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Loomba Foundation.
Bà Hope Nwakwesi, người điều hành tổ chức Almanah Hope Foundation, một nhóm hỗ trợ góa phụ để giúp họ nói ra câu chuyện của mình một cách an toàn, cho biết hầu hết những người tiến hành hủ tục này đều không bị bắt giữ hoặc bị truy tố.
"Cho đến khi đạo luật được thi hành, sẽ còn nhiều phụ nữ bị bạo hành như vậy. Chính phủ phải nhận ra rằng nhiều người lấy danh nghĩ văn hóa để lạm dụng phụ nữ. Còn gì nhục nhã hơn một người phụ nữ bị cạo tóc và cạo lông? Tại sao một người phụ nữ lại bị coi là ô uế chỉ vì chồng cô ấy chết?", bà Hope nói. 25 năm trước, bà cũng từng là một góa phụ sau khi chồng mất vì tai nạn xe hơi. Bà bị giam trong phòng suốt 28 ngày và bị cạo đầu.
Khi trở về Lagos, bà Hope và 4 đứa con đã bị đuổi khỏi căn hộ đang thuê. Sau đó, bà bị trường tiểu học nơi bà đang làm giáo viên, đình chỉ dạy. Thời điểm đó, bà đã có ý định tự tử nhưng phải sống tiếp vì các con. Do đó, bà Hope càng muốn thúc đẩy đạo luật thi hành để không ai phải rơi vào tình cảnh khốn cùng như mình nữa.
Bà Hope và chồng trong đám cưới năm 1984.
Cô Ndidi Mezue, ủy viên phụ trách các vấn đề phụ nữ và trẻ em, cho biết nhiều phụ nữ bị lạm dụng nhưng không báo cáo với chính quyền vì sợ phản ứng dữ dội từ cộng đồng. Tại nhiều vùng ở miền nam Nigeria, chính quyền đã tuyên truyền để người dân chấm dứt hủ tục nhưng sẽ không có nhiều tác dụng nếu không có luật pháp răn đe.
Lạm dụng thể xác và bị gia đình khinh miệt là một trong nhiều sự bất bình đẳng mà phụ nữ Nigeria nói riêng và phụ nữ châu Phi nói chung phải chịu đựng sau khi chồng qua đời. Xã hội cũng không đối xử tử tế với họ. Họ có thể bị loại bỏ khỏi các kế hoạch kinh tế và xã hội, khiến cuộc sống trở nên nghèo đói và tuyệt vọng. Trong khi đó, đàn ông hầu như không phải chịu những áp đặt này nếu vợ chết. Đó là hình thức phân biệt đối xử chỉ với phụ nữ.
Đối với cô Rose, đã 3 năm kể từ khi chồng mất nhưng cuộc sống của cô vẫn không thể được như trước. Cô không gây dựng lại cửa hàng quần áo được và hiện đang mở một nhà hàng ăn ở Abule Egba, khu dân cư đông đúc ở trung tâm thành phố Lagos. Lợi nhuận kiếm được chỉ đủ để cô trả tiền thuê nhà và nuôi các con. Thế nhưng cái chết của chồng đã mang đến cho cô một ý nghĩa mới, vượt ra ngoài nhu cầu vật chất.
Cô Rose đã tham gia một nhóm vận động phụ nữ trong khu vực. Sau khi một phụ nữ trong vùng bị mất chồng, chính Rose đã đến để gặp và tư vấn cho họ. "Tôi kể với họ địa ngục mà tôi đã trải qua để họ biết rằng không nên trải qua những nghi lễ đó. Họ phải từ chối nó. Cuộc đấu tranh xóa bỏ nghi thức cho góa phụ nên được gọi là cuộc đấu tranh giành quyền phụ nữ", Rose nói.