Gần một năm nay, vợ chồng lão nông ở Đồng Tháp dùng tiền túi mua lương thực để nuôi cá tự nhiên trên nhánh sông trước cửa nhà. Việc làm của ông bà khiến không ít người bất ngờ lẫn khó hiểu?
Nằm cạnh bến đò Bằng Lăng (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), căn nhà nhỏ của ông E và bà Thương lúc nào cũng rôm rả tiếng cười đùa vui vẻ khi ngắm nhìn đàn cá mà hai ông bà cần mẫn chăm sóc gần 1 năm qua.
Xuất phát từ sự yêu thương động vật, đôi vợ chồng quyết định dùng tiền túi để mua thức ăn để nuôi những chú cá trên nhánh sông trước của nhà. Ban đầu, chỉ có vài đàn cá đến khu vực nhà của hai ông bà, chúng bơi quanh quẩn, dạo chơi nhưng từ khi đôi vợ chồng dốc tâm chăm sóc thì số lượng ngày càng tăng. Đến nay, theo bà Thương ước tính, hiện tại có hơn hàng nghìn con cá với tổng khối lượng lên đến 4 tấn, chủ yếu là cá vồ, cá tra.
Mỗi ngày, ông bà đều đặn cho đàn cá của mình ăn trái cây, thức ăn tổng hợp. Chỉ cần hai ông bà xuất hiện trên bờ, đàn cá phía dưới lại vùng vẫy nhộn nhịp như ra tín hiệu chào mừng.
Tuy bà Thương và ông E không dư dả về kinh tế, lại bệnh tật nhưng vẫn chấp nhận dùng số tiền ít ỏi của mình để nuôi cá.
Được biết, cả hai vợ chồng bà Thương, ông E đều mang căn bệnh hiểm nghèo, dây thanh quản của ông E bị ảnh hưởng nặng nề khiến việc giao tiếp gặp nhiều cản trở. Song, hai vợ chồng vẫn quyết định nuôi đàn cá tự nhiên trên sông, luôn chi tiêu có chừng mực để dành tiền chăm sóc và mua thức ăn dự trữ cho loài động vật này.
“Ông mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm. Từ tờ mờ sáng, ông bắt đầu ra chợ, nếu có khách thì chở họ. Đến trưa, ông tranh thủ chạy đi mua thức ăn cho đàn cá, đi đến 5h chiều mới về” - cháu của ông E kể lại người đàn ông với vóc dáng nhỏ nhắn, gầy gò mỗi ngày chạy hơn 100km để mua trái cây cho đàn cá của mình.
Ông E vượt cả trăm cây số để vận chuyển thức ăn, nhận từ các vựa trái cây và chở về nhà. Trái mít là món khoái khẩu mà đàn cá nhà ông rất yêu thích.
Trước đây, trung bình mỗi ngày ông E tốn hơn 250.000 đồng để mua thức ăn. Thế nhưng, có thời điểm ông E và vợ không đủ kinh phí, chạy xe ôm không có hành khách nên ông bất lực nhìn đàn cá yêu quý phải nhịn đói. “Thật sự, khi tôi ra quyết định này cũng rất khó khăn. Bởi vì, tôi chỉ cần bỏ cử ăn còn thấy khó chịu, huống chi là những chú cá nhịn ăn cả ngày…” - ông nghẹn ngào chia sẻ.
Giờ đây, đàn cá đã lên đến hàng nghìn con, mỗi khi ông E đứng trên bờ rải thức ăn, đàn cá ngoi lên khỏi mặt nước, văng bọt trắng xoá cả một nhánh sông.
Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với ông cùng đàn cá của mình. Các chủ vựa trái cây khi biết được hoàn cảnh đã ra tay hỗ trợ, giúp đỡ để ông tiếp tục công việc thiện nguyện. Từ đó, ông chỉ cần bỏ công sức để vận chuyển lương thực, đã có thể “vỗ béo" cho hàng nghìn chú cá.
Mỗi ngày đứng ngắm nhìn đàn cá của mình tung tăng bơi lội, hồ hởi khi được cho ăn là cả hai vợ chồng lại cảm thấy hạnh phúc, vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, từ ngày đàn cá phát triển, một số người đã lăm le câu trộm. “Cứ khi mình chủ quan, lơ là là bọn chúng lại đến phá, buộc mình phải lớn tiếng, xua đuổi họ mới di chuyển chỗ khác. Vì cá này trên sông tự nhiên nên tôi cũng không biết đối phó như thế nào...", ông E chia sẻ.
Khi những chú cá dần đến tuổi trưởng thành là thời điểm những "tay câu" dạo quanh khúc sông nhà của hai vợ chồng lại xuất hiện nhiều hơn. Từ đó, trong tâm trí của ông E luôn lo lắng vì sợ có người đến hại đàn cá và gia đình.
Hiện nay, tình trạng này đã được khắc phục khi có sự chung tay bảo vệ từ hàng xóm và lực lượng chức năng. Từ đó, hai vợ chồng có thể ngủ yên giấc, không còn đau đáu trong lòng vì sự an toàn của đàn cá. Ngoài ra, bà con sống trong địa phương nhìn thấy việc làm của đôi vợ chồng rất ý nghĩa nên đôi khi cũng đến phụ giúp, quyên góp trái cây, gạo hoặc hiện kim để mua thức ăn cho cá.
Tuy mang trong người nhiều căn bệnh, cần kinh phí để chữa trị nhưng hai vợ chồng vẫn đồng lòng, hằng ngày vượt quãng đường xa để lấy thức ăn về nhà. Với số lượng cá khổng lồ mà hai vợ chồng đang nuôi, nhiều người dân địa phương định giá có thể kiếm được từ 60-80 triệu đồng. Thế nhưng, hai ông bà khẳng định không bao giờ có ý định bán số cá này để kiếm thu nhập.
Bởi lẽ, trong mắt của hai vợ chồng, đàn cá này như những người bạn nhỏ mà ông bà vô tình có được. “Vì tôi biết đây là công sức và tình yêu thương của mình dành cho chúng nên không có ý định kinh doanh và cũng chẳng đành lòng ăn các loài cá trên con sông này” - bà Thương bộc bạch.
Cuộc sống khó khăn là thế nhưng đối với ông E, bà Thương mỗi ngày chỉ cần có cơm ăn, đàn cá khoẻ mạnh, không bị kẻ xấu lăm le cũng đủ làm đôi vợ chồng hạnh phúc. Tuy thiếu thốn trăm bề, sống trong ngôi nhà chật hẹp hay trên tường lại loang lỗ dấu vết của thời gian nhưng đôi vợ chồng vẫn cố gắng chăm lo cho đàn cá của mình đến khi không còn có thể…
Nguồn: Độc lạ Bình Dương.