Nữ VĐV không có bàn tay: Mỗi khi thất bại lại lấy cánh tay khuyết tật gõ lên đầu

Ngày 18/03/2020 00:09 AM (GMT+7)

Vượt qua khó khăn và mặc cảm của bản thân, kiện tướng Trần Nguyên Thái không chỉ được sống trong giây phút hạnh phúc mà còn mang về vinh quang cho Tổ quốc.

Dù bị khiếm khuyết trên cơ thể nhưng chị Trần Nguyên Thái (SN 1966, ở Hà Nội) khiến nhiều đối thủ phải nể phục trên đường đua xanh. Chị là nữ vận động viên khuyết tật đầu tiên ở Việt Nam phá kỷ lục thế giới ở môn bơi ếch 50 mét nữ vào năm 2001 với thành tích 52 giây 77. Thế nhưng, để có được thành tích đó, chị đã phải trải qua những tháng ngày rèn luyện, phấn đấu không biết mệt mỏi.

Từ tập bơi ở đầm đến phá kỷ lục thế giới môn bơi lội

Kiện tướng Trần Nguyên Thái sinh ra và lớn lên ở làng Đại Từ (nay là Linh Đàm, Hà Nội) trong một gia đình thuần nông, nghèo khó. Từ khi mới 2 tháng tuổi, một tai nạn đã cướp đi bàn tay phải của chị.

Tuổi thơ của chị Thái trải qua bao khó khăn, ngay cả việc cầm bát cơm ăn hàng ngày cũng khó. Không có bàn tay phải, chị phải tập ăn bằng một chiếc bát sắt, có nhiều lần miếng cơm đưa đến tận miệng mà vẫn rơi xuống đất. Sau bao nỗ lực, kiên trì, cuối cùng chị cũng tự đưa được miếng cơm vào miệng trong niềm vui, hạnh phúc vô bờ.

Những ngày đầu cắp sách đến trường, cô học sinh Nguyên Thái tự ti vì những ánh mắt tò mò của bạn cùng trang lứa vì không có 1 bàn tay. Thế nhưng, cô bé ngày ấy đã đáp trả những ánh mắt khiếm nhã bằng việc cố gắng học thật giỏi, viết đẹp hơn cả những người có đủ 2 tay.

Nữ VĐV không có bàn tay: Mỗi khi thất bại lại lấy cánh tay khuyết tật gõ lên đầu - 1

Để đến được với đường đua xanh, chị Thái phải trải qua bao khó khăn, vất vả.

Gia đình nghèo khó, ngoài giờ học, chị phải đi mò cua, bắt ốc ở đầm gần nhà. Ở những nơi nước sâu, muốn bắt được ốc buộc phải ngụp lặn, chính điều đó đã khiến người phụ nữ này quen với môi trường sông nước và đam mê bơi lội.

"Bể bơi" đầu đời của chị là đầm Định Công. Tại đây, chị phải mất nhiều tháng ngày mới có thể học được cách bơi phù hợp với mình. Chị kể lại rằng, bơi lội với chị như một cái duyên, bởi ngay từ ngày đầu mới học, mỗi lần bơi xong chị thấy trong người sảng khoái, mọi bực dọc, buồn phiền đều tan hết khi xuống nước.

Rồi lớn lên, chị Thái đi bán báo dạo. Kiếm được chút tiền, chị nhịn ăn sáng để mua vé vào bể bơi. Tại đây, chị học lỏm những kỹ thuật mỗi khi có thầy đến dạy bơi. Đến năm 1998, chị được giới thiệu tham gia vào đội bơi của người khuyết tật và chính thức thi đấu chuyên nghiệp từ năm 1999. Ngày được giới thiệu vào đội bơi, chị chỉ nghĩ đơn giản và đăng ký tham gia vì đi bơi không phải mất tiền.

Nữ VĐV không có bàn tay: Mỗi khi thất bại lại lấy cánh tay khuyết tật gõ lên đầu - 2

Chị Thái là nữ VĐV khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam phá kỷ lục thế giới môn bơi ếch 50 mét nữ.

Năm 2001, tại kỳ Para Game tổ chức trên đất Malaysia, cái tên Trần Nguyên Thái đã khiến bao con tim phải thổn thức khi mang về cho nước nhà 5 HCV môn bơi lội. Đặc biệt, cùng trong năm đó, chị đã phá kỷ lục thế giới ở nội dung bơi ếch 50m nữ với thành tích 52 giây 77. Chị cũng là vận động viên khuyết tật đầu tiên của Việt Nam phá kỷ lục thế giới.

Mỗi khi thất bại lấy cánh tay khuyết tật gõ lên đầu và nói: “Cố lên!”

Sau những thành công ở môn bơi lôi, kiện tướng Trần Nguyên Thái chuyển sang thi đấu môn điền kinh và đạt được nhiều thành tích khá. Sau này khi đã giải nghệ, chị vẫn muốn gắn trọn cuộc đời với bơi lội.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nữ kiện tướng này là năm 39 tuổi. Năm đó, chị thi đấu với một vận động viên trẻ hơn mình 18 tuổi và dễ dàng giành chiến thắng. Thế nhưng, thay vì ăn mừng, chị đã đến bên nữ vận động viên trẻ và động viên rằng: "Hôm nay chị may mắn mới thắng được em thôi". Bất ngờ vì phong cách khiêm tốn của chị Thái, VĐV trẻ tuổi phải thốt lên: "Chị là đối thủ mạnh nhất mà em từng đối đầu".

Nữ VĐV không có bàn tay: Mỗi khi thất bại lại lấy cánh tay khuyết tật gõ lên đầu - 3

Chị Thái đã ngoài 50 tuổi, chưa lập gia đình và vẫn muốn cống hiên cho bơi lội.

Cuộc sống không thể vẹn toàn và sẽ có lúc thất bại, chị Thái cũng không tránh khỏi quy luật nghiệt ngã đó. Thế nhưng, mỗi khi thất bại, hay đối diện với khó khăn, vất vả, người phụ nữ này lại có cách riêng để tự động viên mình. “Mỗi lúc như vậy, tôi tự lấy cánh tay của mình (cánh tay bị tật) gõ lên đầu và tự nhủ phải cố lên, không được đầu hàng số phận”, nữ kiện tướng nói.

Sau khi thành công với vai trò là VĐV, chị Thái tiếp tục đi học để nâng cao trình độ và chuyển sang công tác huấn luyện. Dù ở độ tuổi đáng ra đã được lên bà, nhưng nữ vận động viên này vẫn một mình lẻ bóng. Hàng ngày, chị lại lặng lẽ đi xe buýt đến khu thể thao dành cho người khuyết tật tại số 1B Lê Hồng Phong, Hà Nội để thỏa đam mê bơi lội của mình.

Khi hỏi về ước mơ, nữ kiện tướng chẳng mảy may nghĩ đến mái ấm hay hạnh phúc riêng, mà chỉ ước mình trẻ ra thêm 10 tuổi để tiếp tục cống hiến cho thể thao, để có thời gian lâu hơn, gắn bó với nhiều người khuyết tật hơn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Cuộc đời bảy nổi, ba chìm của nữ VĐV từng tuyệt thực tìm đến cái chết khi bị cụt chân
Không may bị tai nạn lao động cướp đi một bên chân, giờ đây nữ vận động viên khuyết tật lại phải đương đầu chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động