Sáng 27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại Hội nghị trực tuyến này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh an toàn thực phẩm là vấn đề nhân dân cả nước rất quan tâm. Thủ tướng đánh giá, thời gian qua các bộ ngành đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả còn hạn chế, giờ phải thay đổi cách tiếp cận.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với những cuộc vận động, phải làm rõ trách nhiệm của địa phương, của người đứng đầu, không thể để vấn đề lớn như thế mà không ai chịu trách nhiệm. “Nếu ở xã, phường thì địa phương phải chịu trách nhiệm, ở Trung ương, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
"Giáo dục mãi cũng không phải là tốt, phải xử lý nghiêm! Một số cơ quan phải ra tay trong vấn đề này, công an, thanh tra, quản lý thị trường phải tham gia, từ xử lý hành chính đến xử lý hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm, bảo vệ mạng sống của nhân dân", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tóm tắt về tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm của Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị nêu rõ: Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống nên luôn được nhân dân đặc biệt quan tâm.Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, cần được tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa.
Theo đó, vấn đề nổi lên hiện nay là việc tổ chức thực hiện trong cả nước chưa tốt, chưa nghiêm minh, kết quả còn hạn chế. Đặc biệt, qua báo cáo của các bộ, ngành cho thấy hiện nay trên cả nước còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác bảo đảm ATTP. Một trong số những hạn chế đó là việc còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Tại hội nghị, việc xác định trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan nhà nước, bộ, ngành, địa phương được quan tâm thảo luận, làm rõ để “thống nhất nhận thức, thống nhất hành động”, như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Về vấn đề “một mâm cơm cả 3 bộ quản lý”, theo ý kiến của Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần hiểu một cách rành rẽ theo cách tiếp cận mới là quản lý theo chuỗi sản phẩm, theo Luật An toàn thực phẩm. Ví dụ, mặt hàng rau thì Bộ NN&PTNT quản lý tất cả các khâu, từ sản xuất, phân phối, đóng gói, hay mặt hàng bia thì do Bộ Công Thương quản lý, chứ không phải như trước kia, việc trồng rau do Bộ NN&PTNT quản lý còn đưa rau ra thị trường thì do Bộ Công Thương quản lý và chế biến trong nhà hàng thì do Bộ Y tế quản lý.
Về phía địa phương, UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn. Do đó, như với trường hợp sản phẩm rau nêu trên, nếu được đưa ra chợ thì đã có cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm quản lý là chính quyền địa phương.
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong vấn đề an toàn thực phẩm, Văn phòng Chính phủ đã nhấn mạnh đến 4 nhóm giải pháp cơ bản, một trong số những giải pháp đó, chính là việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm; tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm vệ sinh an toàn, vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp.
Bộ Công Thương siết chặt quản lý việc ngăn chặn nhập lậu rượu giả, nước giải khát không truy xuất được nguồn gốc. UBND tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm nóng về an toàn thực phẩm đang được dư luận và xã hội quan tâm trên địa bàn.
Về phía Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện nay các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm chính của từng bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm VSATTP. Sản phẩm do nhà máy sản xuất hay bày bán trong siêu thị thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào luật quy định rất rõ.
“Tuy nhiên, nhiều đồng chí vẫn chưa nắm rõ nên ở một số địa phương tổ chức bộ máy và chỉ đạo thực hiện chưa theo đúng luật”, Bộ trưởng Phát nói.
Về xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng chủ trương, cách làm đã có nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện. “Chúng ta muốn có rau, thịt an toàn mà lại có hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ thì không quản lý được. Do vậy, phải đưa nông dân vào hợp tác để hướng dẫn họ thực hiện theo Viet GAP, Global GAP, kết nối với doanh nghiệp phân phối”, ông Phát đề xuất.