Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa có báo cáo nhanh về vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, vào lúc 12h35 ngày 22.9, cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 (đơn vị đang trực tiếp quản lý và sử dụng tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo) phát hiện tường của tòa nhà bị nứt. Việc này lập tức được báo cáo lãnh đạo ban.
Chỉ 5 phút sau, lúc 12h40, toàn bộ tầng 2 tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo bị sập đổ. Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 đã lập tức liên lạc với các đơn vị liên quan (cứu thương, cứu hỏa, công an, điện lực) để tổ chức cứu hộ.
Một lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, 35 cán bộ, công nhân viên của Ban quản lý dự án đường sắt 1 đã di tản đi nơi khác trước khi tòa nhà bị sập, chỉ có 1 nhân viên bảo vệ bị gạch rơi vào chân.
Theo vị lãnh đạo này, trong quá trình sử dụng nhà 107 Trần Hưng Đạo, Ban quản lý dự án đường sắt 1 đã phát hiện có dấu hiệu bị dột, thấm nước, bong tróc trần nhà. Đơn vị này cũng đã gia cố trần nhà, chống thấm dột.
Các lực lượng khẩn trương cứu hộ cứu nạn tại hiện trường.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân sập ngôi nhà cổ ở Hà Nội bước đầu được xác định là do tòa nhà qua nhiều năm sử dụng, đã xuống cấp. Đồng thời, thời tiết mưa liên tục những ngày gần đây cũng khiến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng - cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến nhà 107 Trần Hưng Đạo bị đổ sập. Thứ nhất, nếu nhà sập từ mái sập xuống thì do mưa liên tục, nhiều ngày ẩm ướt. Thứ hai, nếu nhà sập do đổ tường thì do nhà lâu năm, xuống cấp. Ngoài ra, chưa kể lý do nhà xây bằng vôi, dễ bong tróc, nứt lở, sẽ xuống cấp nhanh hơn.
"Lẽ ra nhà chỉ có tuổi thọ khoảng 50 năm thì ngôi nhà này có thể đã lên tới hàng trăm năm", PGS Hùng cho hay.
Ngay sau khi xảy ra sự cố sập nhà 107 Trần Hưng Đạo, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có mặt tại hiện trường phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức cứu hộ. Ngành đường sắt cũng đã điều động 36 dân quân tự vệ cùng tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Lực lượng cứu hộ đã tổ chức cứu hộ hơn 10 người dân sống ở khu vực xung quanh ra khỏi khu vực tòa nhà bị đổ và kịp thời tổ chức đưa 5 người bị thương đi cấp cứu.
Theo báo cáo nhanh tại Bệnh viện Việt Đức - nơi các nạn nhân đang điều trị, đến 15h10 cùng ngày đã có một nạn nhân tử vong là bà Lê Thị Hường - người bán rau tại khu vực này.
Trong chiều cùng ngày, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã trực tiếp đến thăm hỏi các hộ gia đình trong khu vực bị ảnh hưởng và đến bệnh viện thăm các nạn nhân bị thương.
KTS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, mỗi ngôi nhà do kiến trúc sư người Pháp khi thiết kế đều ghi rõ tuổi thọ. Bên cạnh đó, họ còn ghi rõ tới khoảng thời gian nào phải thay thế. Tuy nhiên, khi tiếp quản, có lẽ hồ sơ thiết kế đều thất lạc nên rất khó có thể xác định thời hạn này. Chẳng hạn: Cũng là công trình thời Pháp thuộc nhưng những công trình như Bưu điện Bờ Hồ, Ngân hàng Nông nghiệp có thể có tuổi thọ hơn một trăm năm. Tuy nhiên, tuổi thọ của tòa nhà sẽ bị ảnh hưởng khi thay đổi kết cấu. Trường hợp, nếu thay đổi về kết cấu chịu lực thì nhà sẽ sập ngay lập tức. Ngoài ra, nếu thay đổi kết cấu bao che cũng có thể cho phép song phải bảo đảm trọng tải không được vượt quá độ cho phép. Theo ông Hanh, một công trình được xếp vào dạng tu bổ bảo tồn phải tuân theo nguyên tắc khi nó có giá trị về lịch sử và công năng. Song cũng phân làm hai mức: Trùng tu và buộc phải xây dựng lại khi đã hư hỏng quá đát nhưng phải dự trên cơ sở bảo tồn giá trị văn hóa. Do đó, việc rà soát tuổi thọ, chất lượng công trình tại những trung tâm thành phố, nơi có tập trung dân cư là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây lại là công việc với khối lượng khổng lồ cần tập trung nhân lực các cấp ngành vào cuộc để tránh xảy ra hiện tượng đáng tiếc. Diệu Thu |