Theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ngày 8/7 Bệnh viện vừa phẫu thuật thành công ca bệnh một ca bệnh hiếm gặp mang thai ngoài tử cung, sau phúc mạc.
Chia sẻ với phóng viên Ths.BS Nguyễn Huy Tuấn – Trưởng phóng Công tác xã hội và Truyền thông, BV Phụ sản Trung ương cho biết, trường hợp đặc biệt trên là bệnh nhân Đỗ Thị Thoa (35 tuổi, quê ở Thái Nguyên). Bênh nhân Thoa trước đó đã có tiền sử mang thai ngoài tử cung 2 lần và đã được mổ cắt bỏ hai vòi trứng vào năm 2005 và năm 2010.
Tuy nhiên, với mong muốn có con nên tháng 5/2015 bệnh nhân đã đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để làm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Khi thai được 8 tuần tuổi, bệnh nhân có đến viện khám và siêu âm, qua kết quả xét nghiệm các bác sĩ thấy có dấu hiệu phát triển của phôi thai, với nồng độ βhCG xấp sỉ 20.000 đơn vị.
Điều đáng nói là, sau khi siêu âm các bác sĩ không tìm thấy hình thái khối thai nằm trong tử cung. Ngay sau đó, các bác sĩ xác định đây là khối thai ngoài tử cung bình thường và thăm dò khối để cắt bỏ.
PGS.TS Vũ Bá Quyết đang thực hiện ca phẫu thuật
Tuy nhiên, trong lần mổ nội soi thăm dò lần đầu tiên vào ngày 30/6, bác sĩ không tìm thấy khối thai ở đâu. Tiếp tục làm xét nghiệm βhCG vẫn tăng cao, chứng tỏ thai đang phát triển”, BS Tuấn cho biết.
Nhận định đâu là ca bệnh đặc biệt, khoa Phụ ngoại đã báo cáo lãnh đạo Bệnh viện và tiến hành hội chẩn ngay lập tức. Ngay sau đó, PGS. TS Vũ Bá Quyết đã cho bệnh nhân đi chụp cộng hưởng từ, khi đó phát hiện khối thai nằm ngoài tử cung, trong ổ bụng, sau phúc mạc.
“Không chỉ có vậy, bào thai này còn nằm sát tĩnh mạch chủ dưới, nằm ở ngang thận trái. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ cho rằng đây là ca bệnh rất đặc biệt cần phải phẫu thuật ngay”, BS Tuấn nói.
Sau khi hội chẩn về ca bệnh này, ngày 8.7, PGS.TS Vũ Bá Quyết đã trực tiếp thực hiện thành công ca mổ nội soi. Sau khi hội chẩn, BS Quyết trực tiếp thực hiện thành công ca mổ hiếm gặp này.
Theo BS Tuấn, trong quá trình mổ, các bác sĩ gặp nhiều khó khăn vì khối thai rất nhỏ. Không chỉ có vậy, bào thai này nằm sát mạch máu và không được khâu cũng như không được dùng laze để đốt. Bởi trong trường hợp bị vỡ mạch thì sẽ mất rất nhiều máu và nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Đánh giá về ca mổ này, PGS.TS Vũ Bá Quyết – GĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Hơn 30 năm trong nghề đây là lần 3 tôi gặp trường hợp như bệnh nhân Thoa”.
Theo các bác sĩ, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây nhiều nguy hiểm cho bệnh nhân, bởi khối thai sẽ chèn ép vào động mạch của bệnh nhân. Nếu để khối thai phát triển to sẽ có nguy cơ vỡ và gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Cũng theo nguồn tin từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sau khi phẫu thuật được hơn 1 ngày bệnh nhân đã trung tiện, ăn nhẹ và đi lại được, xét nghiệm βhCG xuống chỉ còn dưới 9000. Được biết, trưa ngày 10/7, bệnh nhân đã về phép, sau 1 tuần sẽ tái khám lại.
Như vậy, với việc hội chẩn nhanh, kết luận chính xác, kết hợp phương pháp mổ tiên tiến với tay nghề cao của các phẫu thuật viên đã đem lại sự an toàn cho người bệnh. Điểm đặc biệt nữa của ca mổ là người bệnh không cần truyền máu.
Trước đó, năm 2013, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng đã kết hợp với các bác sĩ BV Việt Đức phẫu thuật một trường hợp tương tự khi bệnh nhân chửa ngoài tử cung, trong ổ bụng, làm tổ sau phúc mạc, đoạn dưới thận trái.