Kết thúc 2 ngày thi tốt nghiệp THPT với nhiều đánh giá từ phía thí sinh cho rằng các đề thi năm nay hay, không quá khó.
Điều đặc biệt, năm nay có thí sinh được tổ chức một phòng thi riêng, khiến dư luận băn khoăn nên tổ chức thi ra sao để công bằng với thí sinh và không quá tốn kém?
Bố mẹ từng “cầu cứu” cô chủ nhiệm
Ngày 3/6, sau buổi thi môn Toán, thí sinh Khánh Linh (lớp 12D1 THPT Quang Trung- Đống Đa, Hà Nội) tươi cười cho biết, em làm bài được. Đề thi không quá khó, kiến thức chủ yếu trong sách giáo khoa nên em và các bạn đều khá thoải mái. Khánh Linh là thí sinh đặc biệt khi chỉ có một mình em trong phòng thi môn Sử vào chiều 2/6. Linh kể: “Lúc mới vào phòng thi, em rất run vì xung quanh không có một ai. Em hơi mất tinh thần nhưng ngay sau đó, em đã lấy lại bình tĩnh. Đặc biệt, khi cầm đề thi trên tay, em bị cuốn vào bài làm và không còn mất tập trung nữa. Em tự tin vì em làm bài môn Sử khá tốt”.
Khánh Linh cho biết thêm, trước đó có một vài bạn cũng đăng kí thi môn Sử, tuy nhiên đến ngày đăng kí chính thức thì chỉ còn một mình em đăng kí. “Em biết như thế là làm khó cho nhà trường nhưng em thích môn Sử. Em chọn thi ĐH khối C và việc đăng kí thi tốt nghiệp THPT môn Sử sẽ giúp em được ôn thi 2 lần cho chắc”, Khánh Linh chia sẻ.
Những ngày thi tốt nghiệp này, lúc nào bố của Khánh Linh cũng đưa đón em. Tuy là thí sinh duy nhất của Hà Nội ngồi thi một mình trong phòng thi môn Sử nhưng em cho biết mình làm bài rất tốt. Chia sẻ ngay cuối buổi thi, bố của Khánh Linh cho biết, lúc đầu gia đình cũng khá lo lắng, sợ Linh sẽ mất bình tĩnh khi làm bài trong tình huống một mình một phòng thi. Tuy nhiên, cuối cùng bố mẹ vẫn chiều lòng con gái.
Khánh Linh (đứng giữa) sau buổi thi môn Toán sáng 3/6. Ảnh: L.Mỹ
Tâm sự với PV Báo GĐ&XH, cô giáo Hồng Minh, giáo viên chủ nhiệm của Khánh Linh cho biết, Linh thi khối C nên ngay từ đầu em đã chọn thi môn Sử mà không qua tư vấn của ai. Tuy nhiên, giữa môn Sử và môn Ngoại ngữ, Linh đã rất phấn khởi chọn đúng môn học mà mình yêu thích. Linh có điểm tổng kết cuối năm về môn Sử khá cao nên cô giáo Hồng Minh cảm thấy khá yên tâm với lựa chọn này.
Theo cô giáo Hồng Minh, Linh là học sinh khá cá tính, khi đã quyết tâm thì em sẽ cố làm bằng được. Ngay lúc biết Linh sẽ thi môn Sử một mình, bố mẹ em đã có đến “cầu cứu” cô giáo Minh vì sợ con gái bị áp lực và ảnh hưởng tâm lý. Tuy nhiên, cô giáo cho biết, nhà trường và giáo viên chỉ có thể động viên và phân tích thiệt hơn cho các em nên không thể làm gì hơn. Nếu Linh đã quyết tâm, nhà trường sẽ tổ chức phòng thi và động viên em cố gắng thi tốt.
Ngoài Khánh Linh, tại Nghệ An, một hội đồng gồm 59 người cũng phải túc trực, phục vụ thí sinh Đoàn Thị Nga thi môn Sử. Một cán bộ hội đồng thi Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết, toàn hội đồng có 59 người, trong đó có 37 giám thị coi thi, còn lại là bảo vệ, phục vụ, lực lượng công an, quân đội. Em Đoàn Thị Nga là học sinh giỏi môn Sử của Trường Trường THPT Thái Lão. Năm học vừa qua, Nga đã đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi môn Sử của tỉnh Nghệ An và đạt giải khuyến khích.
Rọc phách cũng… vô nghĩa
Cùng với độ “nóng” của đề thi, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc tổ chức một hội đồng “to đùng” chỉ dành cho một thí sinh. Anh Vũ Xuân Phúc (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Khi đã có danh sách thí sinh trước ngày thi, tại sao không ghép thí sinh vào với hội đồng thi khác để tránh lãng phí? Cả Hà Nội này, còn có rất nhiều hội đồng thi Sử nữa cơ mà? Đúng là chúng ta chỉ biết nguyên tắc mà không tiết kiệm”.
Tuy nhiên, phản bác lại ý kiến này, có người cho rằng, đấy không phải là ý kiến hợp lý. Bạn Đăng Kiểm (Trương Định, Hà Nội) phân tích: “Làm như thế cũng rất khó vì chẳng lẽ bắt học sinh ấy thi môn Toán ở trường A, môn Văn ở trường B, môn Sử ở trường C. Như vậy sẽ ảnh hưởng tới tâm lí và việc đi lại của học sinh. Lãng phí là một chuyện, nhưng vẫn phải công bằng vì không thể bắt học sinh chạy qua lại giữa các hội đồng thi được. Điều đáng nói là môn Sử đang bị quay lưng theo cách học mới, dẫn đến tình trạng thí sinh phải thi một mình thế này. Còn chuyện tổ chức thi thế nào, chúng tôi thấy ở nước ngoài, người ta vẫn tổ chức một hội đồng thi cả viết và vấn đáp nếu chỉ có một thí sinh chọn thi”.
GS.VS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) hoan nghênh tinh thần đổi mới thi cử năm nay. Tuy nhiên, việc để nhiều người phục vụ một thí sinh quả là tốn kém và nên rút kinh nghiệm. GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng, cần làm thế nào để kì thi bắt buộc phải có môn Sử chứ không phải nằm trong tình huống học sinh tự chọn như thế này.
PGS Văn Như Cương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng nhận xét, chúng ta có thể ghép phòng để các em thi môn Sử. Tuy nhiên, việc ghép phòng lại xảy ra hệ lụy vì khi thi xong, trường phải cho bài thi đó vào một phong bì và trả lại trường. Vậy khi chấm thi, ai cũng biết bài thi nằm một mình trong phong bì ấy là của ai, liệu có công bằng không? Và việc rọc phách lúc ấy cũng vô nghĩa.
“Thế nên tôi mới nói, việc thi tự chọn là rất vô lý. Mọi năm thi 6 môn bắt buộc, trong đó 4 môn luân phiên, nay giảm xuống thi 4 môn nhưng vẫn phải ra đề 8 môn cho cả bắt buộc và tự chọn. Cuối cùng là phòng thi nhiều môn và có hội đồng thi chỉ có một em tham gia. Nếu thế mà Bộ GD&ĐT cho rằng vẫn tiết kiệm thì không hiểu nổi”, PGS Văn Như Cương chia sẻ.