Quán hủ tiếu hơn 30 năm hút khách ở Sài Gòn, khách ruột hài hước: "Mấy đời bồ đến khi có vợ con vẫn ăn ở đây"

Nguyễn Trà - Ngày 02/03/2024 06:06 AM (GMT+7)

Quán hủ tiếu lề đường nằm nép mình trong một góc nhỏ khu chung cư Thanh Đa. Khách đến ngồi đợi cứ đợi, ông bà chủ quán vẫn thủng thẳng chăm chút từng món ăn cho khách.

Quán nhỏ, chẳng biển hiệu to đùng, đa phần khách quen hoặc truyền tai nhau mà đến, vậy mà tầm tối ghé ngang gần như quán lúc nào cũng chật chỗ. Người dân địa phương thường gọi đây là quán hủ tiếu ông bà già. 

Vào Sài Gòn lập nghiệp, học lỏm để mở quán hủ tiếu suốt 30 năm qua

Ở Sài Gòn, nhất là khu Thanh Đa (Bình Thạnh) - nơi được mệnh danh là thiên đường ăn uống thiếu gì quán hủ tiếu. Ấy vậy mà bao vị khách vẫn sẵn sàng chờ đợi, đợi ông bà chủ tiệm chăm chút từng bát hủ tiếu mang ra cho khách, như cách họ đã chờ suốt 33 năm qua.

Quán hủ tiếu ông bà già ở Thanh Đa hơn 30 năm hút khách

Quán hủ tiếu ông bà già ở Thanh Đa hơn 30 năm hút khách

Chẳng ai nhớ chính xác quán hủ tiếu ông bà già có ở đó tự bao giờ. Người bảo 10 năm, người bảo hơn 15 năm, người bảo ba mẹ họ ăn ở đó, rồi dắt con cái theo, giờ họ đã có gia đình cũng ăn hủ tiếu ở đó. 

Cũng có người hài hước ước tính bằng "mấy đời bồ". Mối tình nào anh cũng dẫn qua đây cho đến khi có vợ. “Mấy cô bồ đến với anh rồi bỏ anh đi, chỉ có quán hủ tiếu ông bà già hơn chục năm rồi vẫn ở đây đợi anh", là anh kể vậy.

Chủ quán hủ tiếu là vợ chồng ông Nguyễn Hiếu (70 tuổi), quê ở Quãng Ngãi. Ông Hiếu vào Sài Gòn lập nghiệp năm 1991. Hơn 30 năm trước, bán lúa gạo trong nhà cùng con bò đàn heo, ông bà gom được khoảng 600.000 lên xe đò vào TP.HCM.

“Hồi đó, có người trong làng vào Sài Gòn trước, họ làm ăn được rồi rủ vợ chồng tôi cùng đi. Họ nói Sài Gòn dễ sống lắm, cứ chăm chỉ làm ăn là có ăn, có mặc. Ngày đó, quê tôi nghèo, chỉ có làm ruộng thôi. Vợ chồng đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn nghèo, nên đành gửi con lại cho ông bà rồi đi”- ông Hiếu tần ngần nhớ lại.

Ông vào trước, bà theo sau. Hai vợ chồng tính làm 5-10 năm dành dụm chút tiền, xây được căn nhà nhỏ ở quê rồi sẽ trở về. Ngồi trên xe đò một ngày một đêm mới đến được Sài Gòn, trên xe chẳng biết bao lần bà rơi nước mắt vì thương con còn quá nhỏ phải xa bố mẹ. 

Cái nghề bán hủ tiếu này là người đi trước truyền cho người sau. Rồi ông bà bắt chước, học lỏm của người ta, đi ăn thấy ngon nên mày mò học về nấu, rồi thêm bớt gia vị sao cho vừa miệng. Quán mở từ hơn 4h chiều tới khoảng 11h đêm, nhưng thực tế nhiều hôm 9h tối ghé qua đã hết sạch đồ.

Vợ chồng ông bán hủ tiếu, bánh canh, nui, hoành thánh. Hồi đầu bát chỉ 1.000 đồng, rồi lên 1.500, 2.000, 5.000… Giờ đắt nhất là tô đặc biệt, đầy đủ xương, trứng cút, giò, tôm là 45.000, còn lại tuỳ khách chọn, thường là 25.000.

“Hồi đầu mới vô Sài Gòn cực lắm, chưa có xe cộ đi, hai vợ chồng nghèo, tôi đi bộ từ đây lên chợ Bà Chiểu mua đồ về nấu”- bà Hồ Thị Huệ, vợ ông kể chuyện.

Mua nhà Sài Gòn, nuôi hai con ăn học nhờ quán hủ tiếu nhỏ

Thấm thoắt hơn 30 năm đi qua, hai vợ chồng vào Sài Gòn từ hồi tóc còn xanh giờ đã điểm bạc. Căn nhà cũ ở quê ông bà đã sửa sang xong. Năm 2001, ông bà mua được căn nhà đầu tiên ở Thủ Đức, sắm được chiếc xe máy đi lại. Căn nhà nhỏ thôi nhưng là chỗ che mưa chắn gió, để vợ chồng có chốn đi về.

Bát hủ tiếu mì xương ông bà chuẩn bị cho khách.

Bát hủ tiếu mì xương ông bà chuẩn bị cho khách.

“Nếu không xây nhà ở quê thì chắc hai vợ chồng mua được nhà sớm hơn rồi anh ha? Xe ga chưa có nhưng mua được xe số đó”- chỉ ra chiếc xe dựng cách đó mét, bà cười thật tươi. Hồi đó cứ tính làm mấy năm rồi về quê xây nhà thôi, ai dè ở ông bà ở đây tới giờ. 

“Cực lắm, hai vợ chồng làm việc ngày đêm, bóp mồm bóp miệng. Tết ngày xưa cũng ở lại bán kiếm thêm mấy đồng, sau này mới không bán Tết nữa. Nhưng đúng là ở Sài Gòn cứ chăm chỉ, có nghề thì không sợ đói”- bà nhìn ông rồi cười. 

Năm nay ông đã 70 tuổi, bà cũng ngót nghét 65. Nhưng bà vẫn gọi ông là “anh” xưng “em” ngọt lịm. Mỗi tối, sau khi dọn rửa đồ xong, bà sẽ lại ngồi sau ôm eo ông đèo về.

Hai con của ông bà cũng đã học ra trường, đã có việc làm và lập gia đình. Những đứa trẻ lớn lên và nên người từ xe hủ tiếu của đôi vợ chồng nghèo. 33 năm đi qua, ông bà cũng xem TP.HCM như ngôi nhà của mình, chỉ về quê những dịp quan trọng. 

“33 năm bán hủ tiếu, giàu không giàu, đủ ăn thôi. Sài Gòn dễ sống, không bán hủ tiếu thì chạy xe ôm, bán bông, bán quần áo. Có vốn thì mở quán cafe lớn, không có thì đẩy cái xe cafe nhỏ nhỏ, không thì vài ba chiếc ghế nhựa. Chăm chỉ là sống được. Thời tiết ở Sài Gòn cũng dễ chịu nữa, ở quê mùa đông rét quá, mùa hè thì nóng quá chừng”- ông cười bảo vậy. 

Hơn 30 năm năm đi qua, hai vợ chồng ông đã gắn bó với mảnh đất này xem đây như là nhà. Xe hủ tiếu nhỏ giúp vợ chồng ông không chỉ xây dựng được căn nhà khang trang ở quê, mà còn mua được căn nhà nhỏ ở Sài Gòn và nuôi hai con ăn học nên người…

Cụ ông 99 tuổi ở Đồng Nai vẫn đam mê tập gym và đẩy tạ làm nhiều người ngạc nhiên
Nhắc đến chuyện một cụ ông 99 tuổi vẫn khỏe mạnh và đẩy được tạ, anh Thành thừa nhận lần đầu tiên phòng tập có một vị khách đặc biệt như vậy.

Độc lạ Việt Nam

Theo Nguyễn Trà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện Sài Gòn